Ghé tham quan mô hình nuôi lươn không bùn tại nhà anh Nông, đúng lúc anh đang thay nước cho bể nuôi lươn, nước rút cạn, từng con lươn chen chúc nhau vào miếng vĩ lót dưới đáy bể nuôi. Còn anh Nông thì liên tục dùng chiếc cây dài có gắn thêm miếng cước, kỳ cọ đáy bể nuôi, lùa cặn thức ăn thừa đáy ao theo dòng nước xả chảy ra bên ngoài. Tuy mực nước trong bể khá cạn, nhưng những con lươn vẫn gom lại trong vĩ dưới đáy ao đu bám vào mà không hề túa ra bên ngoài.
Anh Nông vệ sinh bể nuôi lươn 3 lần/ngày nhằm đảm bảo nguồn nước trong bể nuôi lươn luôn sạch. Ảnh Thúy Liễu
Vừa di chuyển sang bể lươn bên này, rồi chuyển sang bể lươn kế bên làm công việc vệ sinh bể nuôi lươn, để kịp thời thay nước mới vào cho đàn lươn trong bể, anh Nông bộc bạch: “Tôi bắt đầu nuôi lươn khoảng giữa năm 2016 và một số bể nuôi lươn hiện tại được tôi tận dụng từ chuồng chăn nuôi heo của gia đình, để phát triển mô hình nuôi lươn. Vụ nuôi đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên tôi nuôi thử nghiệm 5.000 con lươn giống, được chia làm 2 bể nuôi, 2.500 con/bể, với số lượng lươn như trên nuôi trong vòng 12 tháng thì xuất bán thu về lợi nhuận khá. Do đó, tôi quyết định xây thêm bể nuôi và cải tiến kỹ thuật nuôi theo hình thức mới, nếu như lúc trước để làm chỗ trú ngụ cho lươn, tôi phải đóng vĩ bằng cây thả vào đáy ao, nhưng qua thời gian, cây bị đóng rong kèm theo đó là việc vệ sinh bể nuôi khó khăn, mỗi lần vệ sinh bể nuôi phải mang cả vĩ cây đó ra chà rửa cho sạch rong, làm ảnh hưởng đến lươn đang trú ngụ trong đó phải túa ra bên ngoài bể, nên lươn bị xốc, thậm chí có con bị chết. Thấy việc dùng vĩ lót bằng cây cho lươn không ổn, nên tôi đã nghĩ cách làm chiếc vĩ gọn nhẹ hơn là dùng dây gân đan thành vĩ thay thế vĩ cây, bên trong vĩ dây gân có thêm lưới chài nhỏ, tùy theo kích cỡ lươn nuôi, sẽ cho lưới vào phía bên trong vĩ, xung quanh vĩ được bao quanh bằng chiếc ống nước bằng nhựa, ngăn thức ăn cho lươn khỏi trôi ra bên ngoài vĩ”.
Sau khâu vệ sinh bể nuôi lươn, anh Nông đi nhanh về phía môtơ điện mở công tắc cho nước chảy vào bể nuôi, anh Nông chia sẻ tiếp: “Một trong những khâu quan trọng để nuôi lươn thành công, là phải tạo được nơi cho lươn trú ngụ bên trong bể, nhiều người chọn bỏ bùn vào ao nuôi, có người chọn dây nilông kết thành chùm cho vào bể. Riêng tôi, chọn vĩ nuôi bằng dây gân kết hợp lưới chài do nhẹ chi phí, đặc biệt là dễ quan sát được con lươn bên trong bể, còn bùn, hay dây nilông rất khó phát hiện khi lươn gặp vấn đề về dịch bệnh, bởi chúng bám vào lớp bùn hay nilông, bị che lắp hết cả lươn, nên việc quản lý bệnh trên lươn nuôi gặp khó. Bên cạnh đó, con lươn nuôi cần phải đảm bảo môi trường nước luôn sạch, phải thay nước 3 lần/ngày cho bể nuôi theo một khung giờ nhất định và nước đưa vào bể phải là nước sạch và trong, so với các loài thủy sản khác cứ việc thả thức ăn xuống bể nuôi sẽ chúng tự đến ăn, còn đối với lươn thì thức ăn phải trôi đến tận miệng thì chúng mới ăn, nên chiếc vĩ nuôi là nơi lươn vào đó trú ngụ, ăn thức ăn tránh trường hợp lươn bơi xuyên suốt bên ngoài”.
Bí quyết nuôi lươn thương phẩm thành công của anh Nông là anh tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, thông qua những người đi trước và tự tìm tòi thêm các kiến thức mới, thông qua các phương tiện truyền thông hay trên mạng xã hội, mỗi nơi anh góp nhặt một ít tạo thành kinh nghiệm riêng cho công việc nuôi lươn tại hộ. Theo anh Nông, muốn lươn phát triển tốt trong suốt quá trình nuôi, trước khi thả giống lươn cần phải cải tạo bể nuôi thật kỹ, bằng các dung dịch sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Sau thả nuôi, giai đoạn lươn con, cần bổ sung thêm một số loại men vi sinh, phòng ngừa bệnh đường ruột và thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của lươn cũng như phân loại theo kích cỡ lươn, tùy kích cỡ ra bể nuôi riêng, nhằm tạo sự đồng đều trong bể nuôi, tiện khâu chăm sóc.
Những con lươn nuôi thương phẩm tại hộ anh Nông trú ngụ trong tấm vĩ đương bằng dây gân. Ảnh Thúy Liễu
Hiện tại anh Nông có tổng cộng 8 bể nuôi lươn được anh cải tạo mỗi bể là 5m2 thả nuôi 2.000 con lươn/bể, với số lượng bể nuôi như trên, mỗi năm anh thu hoạch khoảng 3 tấn lươn thương phẩm, giá bán giao động từ 180.000 đồng - 220.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. Đồng thời, để tăng lợi nhuận cũng như chủ động con giống nuôi lươn thương phẩm, anh Nông tự tuyển chọn giống lươn nuôi bố mẹ thông qua lươn nuôi thương phẩm. Qua đó, anh Nông sẽ chọn 50 cặp lươn bố mẹ nuôi dưới ao đất cho chúng đẻ lươn con, sau đó lấy số lươn con đem lên bể nuôi, số lượng lươn con đủ để nuôi lươn thương phẩm trong một năm. Theo anh Nông, thời gian tới đây anh sẽ mở rộng diện tích nuôi lươn lên 20 bể nuôi và tăng đàn lươn bố mẹ lên 100 cặp, số lượng lươn bố mẹ sinh sản như trên đủ cung ứng nuôi lươn thương phẩm, không phải mua bên ngoài, góp phần tăng lợi nhuận hơn nữa.
Theo Thúy Liễu/soctrang.dcs.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;