Ghé thăm mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Long Hoàng, tôi ấn tượng bởi hệ thống chuồng trại quy hoạch sắp xếp khoa học, không mùi hôi giữa khu vườn nhiều cây xanh mát, sạch đẹp... Thầm nghĩ nếu nâng cấp, chỉnh trang những lối đi nơi đây trở thành trang trại sinh thái thu hút khách đến mỗi ngày.
Giọng lơ lớ Huế pha miền Nam, anh Hoàng kể nhiều chuyện vui buồn của thời trai trẻ trong những năm tháng xa quê với mưu cầu lập nghiệp nhưng bất thành. Thời điểm anh trở về quê là sau năm 2000. Lúc ấy mọi chuyện quanh anh đều khó, ngay việc tiếp cận khu vườn đồi của bố mẹ để lại cũng gian nan vì tiền bạc túng thiếu. Quyết tâm biến khó thành dễ, anh nghĩ đến việc phục hóa phủ xanh, vợ chồng anh quyết định mượn vốn người thân quy hoạch vườn cây ăn quả, trồng mai vàng, đào ao thả cá và nuôi gà vịt, lợn thịt trên quỹ đất hơn gần 0,5 ha.
Anh Nguyễn Long Hoàng kiểm tra chế độ ăn uống của gà nuôi tại gia trại của gia đình
Thời gian đầu nuôi nhỏ lẻ, nguồn thu không đáng kể, chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Vừa làm, vừa tiếp thu bạn bè, sách báo... đầu năm 2012, anh Hoàng củng cố chuồng trại nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa thông qua vay vốn ngân hàng đưa vào nuôi hơn 100 con lợn, gần 40 lợn nái để góp phần cung cấp nguồn giống.
Lứa lợn nuôi đầu tiên, anh gặp không ít khó khăn, nhất là đối với đàn lợn nái, nhưng nhờ kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nên mọi chuyện ổn dần; trong đó đàn lợn thịt của anh lớn nhanh. Thời điểm này, bình quân mỗi năm anh Hoàng nuôi hai lứa, mỗi lứa duy trì khoảng 100con bán ra 6 - 7 tấn lợn hơi. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, anh thu lãi không dưới 100 triệu đồng.
Tận dụng đất vườn rộng, lại có tiền lãi từ nuôi lợn anh đầu tư thêm 1 trang trại gà, duy trì mỗi năm nuôi 2 - 3 lứa, mỗi lứa nuôi 1.000 con, anh thu về 50 - 60 triệu đồng tiền lãi.
Kể từ năm 2015, tiếng tăm anh Nguyễn Long Hoàng nuôi lợn, gà ở vùng đồi Thủy Dương hiệu quả, nhiều cá nhân, đơn vị tìm đến trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật chuồng trại, nguồn thức ăn sạch sinh học. Gần đây, anh Hoàng tiếp cận thêm quy trình công nghệ vi sinh trong mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm để vận dụng vào cách nuôi của gia đình - vẫn là lợn sạch, đầu ra được người thân ở các tỉnh lân cận bao tiêu. Hiện tại anh Hoàng vẫn duy trì 2 trại lợn hơn 100 con và gần 20 lợn nái. Bình quân mỗi năm nuôi 2 - 3 lứa; bên cạnh đó cũng duy trì 3 trại gà, mỗi năm nuôi 3 lứa, khoảng 3.000 con/lứa. Tính bình quân mỗi năm, gia đình anh thu lãi từ chăn nuôi lợn, gà không dưới 200 triệu đồng.
Bây giờ mọi chuyện ở gia trại chăn nuôi của anh Hoàng đã ổn định từ đầu vào đến đầu ra. Anh Hoàng cho biết, sẽ quy hoạch trang trại gia đình trong đó chỉnh trang lại vườn mai vàng gần 100 cây với tuổi đời từ 15 - 20 năm; đồng thời tăng gấp đôi chuồng trại nuôi lợn gà khép kín so với hiện tại để giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Không chỉ chí thú lo kinh tế gia đình, anh Hoàng luôn dành thời gian trao đổi những kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con có nhu cầu và tích cực ủng hộ, tham gia nhiều phong trào ở địa phương góp phần xây dựng đổi mới phát triển vùng ven đô nằm cửa ngõ phía nam TP. Huế.
Theo Minh Văn/nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã