Người dân trên địa bàn xã tích cực chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá
Với ưu thế và tiềm năng lớn để phát triển thủy sản, Yên Thắng đã có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá theo quy hoạch. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi hàng nghìn m2 đất và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trước kia, gia đình ông Nguyễn Văn Ký, thôn Vân Hạ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ định hướng và hỗ trợ kỹ thuật từ chính quyền địa phương, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 mẫu đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình 2 vụ cá và 1 vụ lúa - 1 vụ cá. Mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường 4 tấn cá thịt. Thu nhập sau khi trừ chi phí cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.
“Có thể khẳng định, chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá là một chủ trương đúng đắn của xã Yên Thắng, giúp người nông dân có thể vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”- ông Ký vui mừng chia sẻ.
Ông Đinh Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết: Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, lĩnh vực thủy sản của Yên Thắng có bước phát triển đột phá về diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ đã mạnh dạn đưa vào nuôi các loại thủy sản đặc sản bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi ếch, cá quả, tôm… ở thôn Khai Khẩn; mô hình ao nổi (ở thôn Bình Hào); mô hình trồng chuối, nuôi cá (ở thôn Quảng Hạ) với tổng diện tích 30 ha...
Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 124 ha cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá, tăng 80 ha so với cách đây 5 năm. Sản lượng cá ước đạt 720 tấn/năm và thu nhập bình quân đạt từ 120 - 130 triệu đồng/ha/năm.
Song song với việc đẩy mạnh nuôi, trồng thủy sản, Yên Thắng tập trung mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, tích cực chuyển đổi phương thức gieo cấy và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác. Hiện, diện tích cấy lúa chất lượng cao đang chiếm trên 80% diện tích. Năng suất lúa bình quân trong 5 năm qua đạt 116,2 tạ/ha/năm; sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt trên 5.717 tấn.
Đồng thời, xã cũng tích cực chỉ đạo phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Rau, củ, quả các loại; thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa…
Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục duy trì ổn định và phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp đã nâng giá trị sản xuất canh tác đến năm cuối nhiệm kỳ đạt 135 triệu đồng/ha; góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 47 triệu đồng/năm.
Theo ông Vinh, thời gian tới, xã phấn đấu đến năm 2025 chuyển đổi được 170 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao; giá trị sản xuất đạt 145 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm.
Tin rằng với những việc làm bước đi phù hợp, đúng đắn, Yên Thắng sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao hơn nữa đời sống người dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà xã đặt ra.
Theo Bảo Linh/thiduakhenthuongvn.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã