Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khi trao đổi với phóng viên NTNN trước phản ánh của DN về tình trạng khảo nghiệm, chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm phân bón ỳ ạch như hiện nay.
Trước đó, như NTNN đã có chuyên đề phản ánh trên số báo 176/2015, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP yêu cầu, đến ngày 1.2.2016, nếu DN nào có sản phẩm chưa được cấp chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hiện tại, trong số khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón gửi về ngành chức năng xem xét, chỉ mới có trên 200 loại được công bố hợp quy.
“Lỗi không chỉ cơ quan nhà nước”
Ông Thanh thừa nhận, tình trạng hiện nay là số DN đề nghị được công nhận tiêu chuẩn với mặt hàng phân bón quá nhiều trong khi các sở công thương không có đủ người để đáp ứng yêu cầu, dẫn tới làm chậm việc công bố hợp quy với sản phẩm phân bón mà DN đề nghị.
Vận chuyển phân bón NPK Phú Mỹ tại Cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: T.L
“Trong việc này, lỗi không chỉ cơ quan nhà nước mà còn ở chính DN phân bón” - ông Thanh nhận định. Theo Nghị định số 202/2013 về quản lý phân bón (ban hành từ ngày 27.11.2013), đến ngày 1.2.2016, nếu DN nào có sản phẩm phân bón chưa được cấp chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh. DN đã có gần 2 năm để thực hiện điều này. Song DN của ta cứ “nước đến chân mới nhảy” nên mới xảy ra tình trạng ùn ứ đề nghị chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón khi đã sát đến thời gian (tức sắp đến 1.2.2016-PV).
Trước phản ánh của DN gặp khó trong việc tự công bố tiêu chuẩn cho sản phẩm phân bón của mình do các quy định không rõ ràng, ông Thanh giải thích: Các DN nếu sản xuất ra các sản phẩm tốt, được thị trường chấp nhận thì không có gì khó khăn. “Sản phẩm của DN nếu đáp ứng đầy đủ thực sự các tiêu chuẩn và đảm bảo đúng chất lượng đương nhiên sẽ được công nhận dễ dàng, chỉ cần đăng ký là được công nhận hợp quy”. Hiện nay, các sản phẩm phân bón lưu thông trên thị trường đều chưa có công nhận hợp quy nhưng chắc chắn đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định; trừ các DN làm ăn bát nháo, chụp giật, sản phẩm không đúng tiêu chuẩn. Còn tới đây, theo Nghị định 202, sản phẩm của DN sẽ phải có hợp quy mới được lưu thông trên thị trường.
Trước phản ánh của DN về việc phải “khảo nghiệm lại” nhiều sản phẩm phân bón cũ (đã lưu thông và được thị trường chấp nhận) mới được chứng nhận hợp quy, như phân NPK của Công ty Vedangro có hàm lượng P chỉ 0,3% trong khi quy định phải từ 2% trở lên, ông Thanh cho rằng quy định hoàn toàn đúng. Ông lý giải, lâu nay, nhiều DN chỉ sản xuất phân bón NPK với hàm lượng rất thấp, nếu hàm lượng P chỉ đạt 0,3% như của Công ty Vedangro thì “làm gì có hàm lượng P trong phân bón”, không thể coi là phân NPK mà DN này sẽ chỉ được công bố sản phẩm là NK. “Mục đích của việc chứng nhận hợp quy là buộc DN phải làm ra các sản phẩm đúng chất lượng chứ không thể làm ra các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, lập lờ tiêu chuẩn như vậy”- ông Thanh nói.
Từ 27.11.2016, thiếu hợp quy, phải ngừng sản xuất
Việc chuyển công tác quản lý các loại phân vô cơ về Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT quản lý phân hữu cơ, theo ông Nguyễn Văn Thanh là không chồng chéo hay gây phức tạp thêm cho DN. “Chúng ta phải khẳng định Nghị định 202 không bảo vệ các DN làm ăn không hợp pháp. Tình trạng làm bát nháo, phân bón giả, kém chất lượng do lâu nay chúng ta vẫn “nhẹ tay” với kiểu sản xuất kinh doanh phân bón bất hợp pháp” - ông nhấn mạnh.
“Qua công tác cấp phép kinh doanh, chứng nhận hợp quy cho DN phân bón hiện nay, chúng tôi có thể dẫn chứng hàng loạt DN không có báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Quá nhiều DN sản xuất phân NPK, có DN chỉ có “một cái đĩa quay gắn máy” cũng làm phân NPK. Với phân đạm, lân, kali, SA, DAP… thì không thể “làm bậy” được nhưng với các sản phẩm phân trộn, phân phức hợp như NPK, phải có vi lượng… thì đang hết sức bát nháo”- ông Thanh cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn, bất cập cho DN, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7077 nêu rõ: Các sản phẩm phân bón đã đưa ra thị trường (trước thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực) thì trước mắt vẫn cho lưu thông bình thường và quản lý thị trường không kiểm tra xử phạt vi phạm hợp quy. Nhưng từ 27.11.2016, nếu DN sản xuất, kinh doanh phân bón nào có sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian “lùi” này, DN vẫn phải công bố như cũ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Hai là các DN phải thống kê các bao bì, hàng tồn đang lưu hành trên thị trường mà chưa có dấu hợp quy, thông báo đến sở công thương. Việc này nhằm tránh tình trạng có đơn vị làm ăn gian dối.
Ông Vũ Xuân Hồng –Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Cần hoàn tiền đối với các trường hợp bị phạt Trong những ngày qua chúng tôi đã đi rất nhiều tỉnh thành để xử lý vấn đề đóng dấu hợp quy cho sản phẩm. Có một số địa phương đã thông cảm và chia sẻ sau khi chúng tôi trình bày các chứng lý, tuy nhiên cũng có một số chi cục quản lý thị trưởng xử phạt rất nặng. Các đại lý cấp 1, cấp 2 bị xử phạt, họ hoang mang và lo lắng lắm, bởi vì làm đại lý lãi không được nhiều nhưng mỗi lần bị phạt thì rất nặng. Tôi nghĩ rằng sau khi Bộ Công Thương ra Công văn 7077 lùi thời hạn công bố hợp quy trên bao bì đến ngày 27.11.2016 thì các cơ quan chức năng cần hoàn lại tiền xử phạt đối với các đại lý bị phạt vì các sản phẩm không có dấu hợp quy. Đại diện Đại lý phân bón Minh Tân(TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk):Doanh nghiệp chịu thiệt từ bất cập quản lý Chúng tôi là đại lý phân bón cấp 1 cho nhiều thương hiệu phân bón lớn như Văn Điển, Bình Điền, Việt Nhật, Phú Mỹ... Trong những ngày qua, hệ thống chi cục quản lý thị trường đã đi kiểm tra rất nhiều về vấn đề đóng dấu hợp quy cho sản phẩm. Các đại lý cấp 2, 3 bị xử phạt và tịch thu sản phẩm rất nhiều. Sau khi Công văn 7077 của Bộ Công Thương ban hành, các chi cục quản lý thị trường vẫn tiếp tục đi xử phạt các đại lý phân bón về vấn đề đóng dấu hợp quy, dù biết rằng các sản phẩm này được gia hạn công bố hợp quy đến cuối năm 2016. Thậm chí UBND tỉnh Đăk Lăk còn ra quyết định thu hồi toàn bộ các sản phẩm không có dấu hợp quy nếu các đại lý kinh doanh không chịu nộp phạt. Qua câu chuyện này tôi thấy rằng hệ thống quản lý lĩnh vực phân bón chưa có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, như vậy thì các DN sẽ luôn chịu thiệt thòi từ bất cập này. Ông Nguyễn Đào Chí - Phó chi cục trưởngChi cục Quản lý thị trường Đăk Lăk: Văn bản 7077 không phải là quy định bắt buộc Trong tháng 6 và tháng 7, tỉnh Đăk Lăk đã xử phạt 859 triệu đồng với 24 DN và hộ gia đình kinh doanh phân bón vi phạm quy định về dấu hợp quy. Các trường hợp trên đều xử phạt trước ngày 14.7 (trước khi có Công văn 7077). Công văn 7077 là văn bản nội bộ của Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện cho các DN chứ không phải là quy định bắt buộc của Nhà nước. Do đó, kể cả thời điểm hiện tại việc xử lý hành vi kinh doanh phân bón không có dấu hợp quy vẫn không có gì sai”. Ông Nguyễn Văn Thanh -Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) Không phạt sau khi có Công văn 7077 Các trường hợp xử phạt trước khi có Công văn số 7077 thì không hồi tố, đây là theo quy định của pháp luật. Còn sau khi có Công văn 7077 thì sẽ không xử phạt nữa. Nếu nơi nào xử phạt sau khi đã có Công văn 7077 là sai, phải chịu trách nhiệm về pháp luật. Nguyễn Phương - Duy Hậu - Đình Thắng (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã