Ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, HTX còn hướng đến liên kết với doanh nghiệp tạo sản phẩm rau an toàn xuất bán đi các tỉnh, thành phố, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng cho các hội viên.
Năm 2012, gần 30 hộ dân đội 8 và đội 10, xã Thanh Xương đồng loạt chuyển đổi hơn 20ha diện tích đất canh tác lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau VietGAP dưới sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên chỉ sau 1-2 năm thực hiện, nhiều hộ cho rằng đã gặp phải những vướng mắc về khâu quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, tốn nhiều khâu chăm sóc trong khi giá thành không cao, khó kiểm soát sâu bệnh… nên lại quay về phương pháp trồng rau truyền thống.
Ông Nguyễn Hữu Tân, Giám đốc HTX rau củ quả an toàn thôn Thanh Đông, chia sẻ, trồng rau VietGAP ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, còn hướng đến liên kết với doanh nghiệp tạo sản phẩm rau an toàn xuất đi các tỉnh, ổn định đầu ra và tăng thu nhập cho hội viên.
Đến nay chỉ còn 9/30 hộ duy trì trên 7ha vườn rau VietGAP và thành lập HTX rau củ, quả an toàn Thanh Đông. Mỗi năm HTX thực hiện liên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng nghìn tấn rau sạch cung cấp cho thị trường vừa ổn định đầu ra, vừa giúp tăng thu nhập cho hội viên.
Ông Nguyễn Hữu Tân, Giám đốc HTX rau, củ, quả an toàn Thanh Đông cho biết: “Sau nhiều năm trăn trở về việc chuyển đổi những diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, khoai, dưa hấu nhưng không mấy khả quan. Đến khi chuyển sang trồng các loại rau màu ngắn ngày thì chúng phát triển xanh tốt, năng suất khá, rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây.
Cũng từ đó bà con đồng loạt chuyển đổi hết sang trồng rau màu trong khoảng thời gian từ tháng 9 – tháng 4 năm sau. Chúng tôi trồng tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, vì thế rau, củ, quả rất an toàn đối với người sử dụng”.
“Sản xuất rau VietGAP không khó, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật sẽ giảm đáng kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, ông Nguyễn Hữu Lý – thành viên HTX chia sẻ.
“Do đã quen với cách trồng rau truyền thống lâu năm nên khi chuyển sang trồng rau an toàn hướng VietGAP cần tuân thủ quy trình, kỹ thuật nhất định nên nhiều hộ tỏ ra e ngại, khó làm. Bởi vậy sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tham gia vài vụ, đa số các hộ làm không thành công, chán nản và từ bỏ. Họ cho rằng hướng trồng rau mới này khó thực hiện, tuy rau sạch nhưng nếu không được bón bằng phân hóa học thường xuyên hay phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh thì năng suất kém, mẫu mã rau xấu, khó bán…” - ông Tân cho biết.
Thực hiện liên kết trồng rau an toàn cho doanh nghiệp, bình quân 1 vụ, hội viên có thu nhập ổn định từ 150-170 triệu đồng.
Vốn là người ở tỉnh Thái Bình lên đây khai hoang lập nghiệp, nhiều năm vợ chồng ông Tân luôn đau đáu tìm cách làm giàu, phát triển kinh tế bền vững. Ông Tân tâm sự: “Lên miền núi sinh sống nhưng tôi luôn nghĩ về cách mà người dân quê tôi trồng rau và nhờ rau nhiều gia đình khá giả. Cách họ làm để có rau sạch cũng rất đơn giản, chỉ là tưới nước sông và bón phân hữu cơ ủ mục mà rau xanh tốt quanh năm, bán rất đắt hàng. Bản thân tôi luôn tâm niệm mình trồng rau không an toàn thì không khác gì bỏ thuốc sâu cho người khác ăn...".
Theo ông Tân, bản thân ông và gia đình không chỉ tiên phong tham gia trồng rau VietGAP mà luôn vận động các các thành viên trong HTX phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn, đặt chất lượng và niềm tin người tiêu dùng lên hàng đầu...
Ông Nguyễn Hữu Lý – thành viên HTX tham gia góp gần 5.000m2 trồng rau an toàn được 6 năm chia sẻ: “Thực ra trồng rau VietGAP không hề khó như mọi người nghĩ, nếu kiên trì vượt qua giai đoạn đầu và tuân thủ tốt các nguyên tắc, quy trình chăm sóc thì chắc chắn thành công và thu nhập 1 vụ rau lãi bằng 3 vụ lúa”.
Các sản phẩm rau sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu
Người xưa có câu “trăm hay không bằng tay quen” nên kỹ thuật trồng rau VietGAP với ông Lý bây giờ đã trở thành kỹ năng, kỹ xảo. Ông Lý chỉ nhẩm tính thời gian và đứng quan sát là biết ruộng rau đang mắc bệnh gì và chu kỳ phát triển của từng loại bệnh gây hại ra sao, cũng như cách phòng, trị hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của ông Lý thì các loại rau, củ, quả, như: cà chua, bí đao, cải thảo, cải bắp, cà rốt… đều rất dễ chăm sóc. Quan trọng là nắm được chu kì và sự thay đổi thời tiết là rau hay mắc bệnh và thời điểm phòng trừ thế nào cho hiệu quả. Như cây cà chua, giai đoạn 1,5 tháng tuổi là rất hay mắc bệnh nấm đốt rụt ngọn và dệp trắng đốt xoăn lá nên khi phát hiện thì phun thuốc vi sinh phòng trừ vào buổi chiều sẽ hiệu quả cao hơn.
Theo ông Tân thì tất cả các sản phẩm rau của HTX luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì thế luôn cháy hàng, không đủ cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Tân, Giám đốc HTX cho biết thêm, từ năm 2016, HTX thực hiện liên kết sản xuất rau, củ, quả an toàn cho Công ty TNHH thực phẩn Safe Green Điện Biên, với sản lượng tiêu thụ gần 300 tấn/năm, mang lại doanh thu gần 1 tỷ đồng cho các hội viên. Bước sang năm 2018, Công ty mở rộng quy mô và mặt hàng sản xuất nên ngay từ đầu vụ đã thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm quả cà chua, bắp cải, cải thảo, bí đao… tổng trị hợp đồng lên đến hơn 1 tỷ đồng.
“Ngoài thực hiện liên kết sản xuất rau cho Công ty, các hội viên HTX còn cung cấp số lượng lớn rau sạch cho thị trường nội tỉnh, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định và khá hơn rất nhiều so với trồng lúa, bình quân 1 vụ rau mỗi hộ có từ 150-170 triệu đồng bỏ túi.”, ông Tân khẳng định.
Theo Vinh Duy - Nam Hương (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã