Diện tích biến động
Phong Mỹ được xem là “thủ phủ” cây cao su của huyện Phong Điền với diện tích 1.455 ha (thống kê năm 2015). Tuy nhiên, số liệu thống kê mới từ UBND xã Phong Mỹ, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn chỉ còn 1.368 ha cao su của hơn 1.000 hộ dân. Diện tích cao su giảm mạnh nhất vào những tháng gần đây do có thời điểm giá gỗ cao su tăng mạnh cùng với việc giá mủ xuống thấp nên nhiều hộ dân chặt bỏ.
Một số hộ dân ở Phong Điền, Nam Đông, A Lưới chặt cây cao su để bán.
Ông Lê Viết Xê, chủ trang trại tại vùng Khe Mạ (thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ) gần đây đã chặt bỏ 4 ha cao su, trồng từ thời điểm năm 1993-1997 bị già cỗi, khả năng cho mủ kém và một số diện tích thiệt hại do bão nhiều năm trước không có khả năng phục hồi.
Theo ông Xê, vài tháng trước, giá gỗ cao su lên cao (300-400 nghìn đồng/cây), giá mủ xuống thấp, nên đã thanh lý vườn cao su cho thương lái thu mua gỗ cắt từng khúc chừng 1m rồi cho xe chở vào Bình Dương. 4 ha cao su chặt bỏ đến nay ông Xê chỉ trồng lại 2 ha cao su mới, diện tích còn lại trồng rừng kinh tế.
Các cây cao su bị đốn bỏ ở Nam Đông, Phong Điền chủ yếu già cỗi, kém cho mủ
Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ thông tin: “Trong hơn 80 ha cao su bị chặt bỏ tại địa phương, chỉ mới trồng lại 12 ha, số diện tích còn lại đa số người dân chuyển qua trồng rừng kinh tế. Giá mủ cao su xuống thấp (dao động từ 10-12 nghìn đồng/kg), số dư nợ ngân hàng liên quan trồng cây cao su trên địa bàn khoảng 7-8 tỷ đồng. Bình quân người dân vay Ngân hàng NN&PTNT huyện Phong Điền từ 25-30 triệu đồng/ha cao su cho chu kỳ 7 năm mới khai thác. Nhiều hộ không đủ tiền trả lãi nên đành thanh lý vườn cao su. Có một giai đoạn, nhiều hộ dân đốn bỏ cây cao su là do giá gỗ cây cao su lên cao, bình quân 1 ha (500 cây), bán được 100 triệu đồng”.
Tại xã Hồng Hạ (A Lưới), thời gian gần đây người dân cũng chặt bỏ cây cao su bán gỗ do áp lực trả nợ ngân hàng. Xã này có 224 ha cây cao su của hơn 400 hộ dân tham gia trồng từ năm 2015 đến nay, đã có 13 ha cao su bị chặt bỏ lấy gỗ bán, trồng sắn, keo, tràm. Trong đó, chỉ tính từ đầu năm đến tháng 10/2018, đã có 5 ha cao su bị người dân đốn bỏ. Tình trạng chặt bỏ cây cao su cũng diễn ra rải rác trong năm 2018 ở các địa phương như Thượng Quảng, Hương Hòa, Hương Hữu (Nam Đông) với diện tích 20 ha.
Vẫn xác định là cây trồng chủ lực
Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ nhận định, cao su là cây trồng chủ lực tại địa phương, một thời mang lại giá trị kinh tế cao. Thời điểm hiện tại, dù giá mủ có xuống thấp nhưng không thể “phụ” loại cây công nghiệp này. “Địa phương đã vận động người dân không chặt bỏ cây cao su, chỉ chặt bỏ trồng tái sinh những diện tích già cỗi trồng từ năm 1993-1997; đây là số diện tích cho mủ kém, gãy đổ do bão các năm trước không thể phục hồi tốt. Xã cùng với UBND huyện Phong Điền làm việc với phía ngân hàng, giúp người dân khoanh nợ, giãn nợ, thu nợ hợp lý và tiếp tục cho vay để trồng mới cây con trên diện tích chặt bỏ”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, địa phương đã làm việc với Công ty TNHH MTV cao su Huy Anh Phong Điền- đơn vị thu mua mủ cao su chủ lực trên địa bàn, nâng cao sản lượng thu mua mủ cho người dân đạt 2.500 tấn/năm với giá mủ thích hợp nhằm giải quyết đầu ra cho người dân.
Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, mới đây UBND huyện A Lưới đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã cùng các hộ dân trồng cây cao su trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và quán triệt, tổ chức tuyên truyền đối với các hộ dân có ý định chặt bỏ cây cao su bán gỗ thay thế bằng các loại cây trồng mới.
Theo đó, dù có khó khăn thời điểm hiện tại nhưng địa phương vẫn luôn xác định cao su là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, UBND xã cùng Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện tăng cường tuyên truyền người dân và cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn việc chăm sóc, khai thác mủ cao su tuân thủ theo quy trình kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao.
Đối với các hộ có vườn cao su năng suất kém, địa phương hướng dẫn cho các hộ dân có đơn đề nghị chuyển đổi, gửi cho Phòng NN&PTNT huyện để phòng cùng với Trạm Khuyến nông lâm ngư thành lập đoàn điều tra, đánh giá hiện trạng vườn cao su của các hộ dân, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, đối với các hộ dân còn nợ vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT huyện A Lưới, đề nghị xã Hồng Hạ cần thông báo cho các hộ dân định kỳ hàng tháng đến UBND xã trả nợ nhằm hạn chế lãi suất ngày càng tăng cao. Những hộ dân nào có nhu cầu vay vốn tái sản xuất theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để có lãi suất thấp hơn đề nghị xã hướng dẫn các hộ dân liên hệ trực tiếp với Ngân hàng NN&PTNT huyện A Lưới để có hướng giải quyết cụ thể.
“Toàn huyện có 3.538 ha, đến thời điểm hiện tại diện tích cây cao su giảm xuống còn 3.170 ha, vào thời điểm giá mủ xuống thấp như hiện nay (khoảng 10 nghìn đồng/kg), người dân tận dụng chặt thanh lý bán gỗ đa số vườn cây già cỗi có thân gỗ lớn trồng từ năm 1995-1996 và một số diện tích ảnh hưởng bão. Năm 2017, bình quân 1 ha cao su thu được khoảng 35 triệu đồng. Giá mủ đang nhích lên. Thực tế nếu duy trì vườn cao su người dân vẫn có thu nhập tạm ổn”, ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho biết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã