Từ tháng 4 đến nay giá lợn liên tục tăng và tăng mạnh, nhiều ý kiến cho rằng giá lợn tăng đợt này rất bất thường. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Giá lợn hơi trong nước biến động giảm trong quý I/2018 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 4 và tháng 5/2018. So với cuối năm 2017, giá lợn hơi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 16.000 đ/kg lên 43.000 – 46.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc cũng tăng 11.000 – 12.000 đ/kg lên 43.000–47.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tăng 12.000 –16.000 đ/kg lên 42.000 – 45.000 đ/kg.
Đáng chú ý, tại một số nơi thuộc Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, giá heo hơi hôm nay đã tăng từ 2.000-4.000 đ/kg so với tuần trước, đạt mức cao kỷ lục 52.000- 53.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)
- Đây là kết quả rất tích cực sau quá trình chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự điều hành giảm cung, tăng cầu mà ngành chăn nuôi đã thực hiện từ 15 tháng qua và đến tháng 4 vừa rồi, đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Có thể nói cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để giúp ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, giá thức ăn không tăng, giá thuốc thú y không tăng, ngành điện hỗ trợ không tăng giá điện, về tín dụng có gắng dãn nợ, khoan nợ cho các hộ chăn nuôi để họ tiếp tục duy trì sản xuất.
Giá lợn tăng, Cục Chăn nuôi khuyến cáo tăng năng suất sinh sản lợn giống thương phẩm. Ảnh IT
Sau một năm chỉ đạo điều hành, giá lợn đã tăng trở lại, tôi cho rằng đây là thành công lớn. Chúng ta đã thực hiện tốt vấn đề giảm cung, tăng cầu để có giá tốt và thực tế chúng ta đã có giá tốt. Thực tế chúng ta mong muốn giá duy trì ở mức 40.000-45.000 đ/kg, với mức giá này, người chăn nuôi lợn có lãi mà người tiêu dùng cũng chấp nhận được.
Chúng ta vừa trải qua đợt khủng hoảng giá lợn, đối tượng thiệt thòi nhất là người chăn nuôi do giá lợn sụt giảm thê thảm, nay giá lợn tăng người chăn nuôi gần như không được hưởng lợi ích gì do họ không còn lợn để bán. Với tư cách là cơ quan quản lý ông lý giải như thế nào về điều này?
- Trong đợt tăng giá vừa qua chúng tôi nhận thấy có một số bất cập xảy ra, đó là chỉ có các doanh nghiệp có tiềm lực và các trang trại có tiềm năng mới giữ được số lợn để tiếp tục nuôi và được hưởng lợi khi giá tăng. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ đã quá đuối không đủ khả năng giữ lợn nên không thể tham gia cuộc chơi khi thị trường tăng mạnh về giá. Đây là điều tất yếu của kinh tế thị trường, chúng ta không mong muốn chuyện này xảy ra.
Qua quá trình này chúng ta cũng xây dựng được trật tự mới, ở trật tự này chủ yếu còn lại những hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, hộ trang trại, doanh nghiệp, còn các hộ nhỏ lẻ rất khó tham gia vào trật tự mới này.
Vậy những hộ nhỏ lẻ có cơ hội không, có cách nào giúp họ không. Chúng ta có cách để giúp các hộ nhỏ lẻ này. Chúng ta có Quyết định 50 về nâng cao hiệu quả và hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ con giống, đệm lót sinh học, hỗ trợ mua giống… Các địa phương nghiên cứu để hỗ trợ cho các hộ thực sự muốn đi theo con đường chăn nuôi. Các hộ quá nhỏ lẻ, thiếu vốn, kiến thức thì không tham gia được cuộc chơi này.
Vậy họ có thể chăn nuôi lợn hữu cơ, bán giá cao, đây là ngách để các hộ này tham gia cuộc chơi. Bởi đầu ra của sản phẩm chăn nuôi hữu cơ rất tốt, không cần cạnh tranh với chăn nuôi lợn thương phẩm bình thường. Phân khúc lợn hữu cơ rất tốt cho các hộ chăn nuôi nhỏ.
Hiện nay các hộ chăn nuôi thiếu thông tin về tín hiệu thị trường, thiếu hiểu biết thị trường nếu chăn nuôi rời rạc, nhỏ lẻ thì họ sẽ không biết bán cho ai. Vì vậy khi chúng ta giải quyết được vấn đề tín hiệu thị trường thị họ sẽ làm tốt.
Bên cạnh đó chúng ta cần tổ chức các hộ chăn nuôi tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết. Trong chuỗi liên kết này doanh nghiệp phải là người đứng đầu, sau đó là các hợp tác xã làm đầu mối cho các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp sẽ thông qua hợp tác xã để thu gom sản phẩm của người dân. Việc đẩy nhanh mô hình liên kết sẽ giúp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không bị bỏ rơi trong cuộc chơi này.
Giá lợn được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, vậy ông có khuyến cáo gì tới người chăn nuôi?
- Trước tình hình giá lợn đang tăng như thế này, trước mắt chúng ta cần tăng năng suất, tăng khối lượng thịt, đưa các sản phẩm ra thị trường nhanh nhất có thể. Đối với lợn thịt, người chăn nuôi cần có biện pháp vỗ béo tốt, như thế chúng ta sẽ có một khối lượng thịt đáng kể. Chúng ta cần tăng cao ngay năng suất sinh sản lợn giống thương phẩm phục vụ giết thịt. Để tăng cao năng suất chúng ta cần cho lợn ăn thức ăn tốt và sử dụng vắc xin đầy đủ làm cho lợn khoẻ, có như thế lợn sinh sản mới cao.
Đối với lợn hậu bị, đừng vào giống ồ ạt bởi vì vào giống bây giờ thì 15 tháng sau mới có lợn con, lúc đó giá có còn cao hay không. Chúng tôi khuyến cáo nông dân chỉ vào giống từ 10-15%, nếu chúng ta vào giống như thế sẽ không phá vỡ quy mô đàn nái.
Hiện nay môi trường là vấn đề nhức nhối của chăn nuôi lợn, các công ty đều đẩy trách nhiệm xử lý môi trường cho người nuôi gia công và họ đứng ngoài cuộc trong câu chuyện này. Vậy tới đây Luật Chăn nuôi sẽ đề cập đến vấn đề này như thế nào?
- Trách nhiệm về môi trường người chăn nuôi phải chịu. Đối với các công ty, ví dụ như C.P, trong hợp đồng nuôi gia công ký với người nuôi, bản thân C.P cũng đã chi cho người nuôi khoảng 160 đồng/1 kg sản phẩm để xử lý môi trường, người nếu người nuôi không xử lý thì họ phải chịu. Đây là cách mà các công ty chia sẻ vấn đề xử lý môi trường với người nuôi, không chỉ riêng công ty C.P mới làm thế mà cả Dabaco, Masan và nhiều công ty khác cũng làm vậy.
Chúng tôi cũng yêu cầu các công ty khi ký hợp đồng gia công với nông dân, phải có trách nhiệm về môi trường, còn nếu ai không làm thì phải chịu trách nhiệm.
Trong chăn nuôi nói chung và trong chăn nuôi lơn nói riêng cần tập trung 2 vấn đề, thứ nhất là môi trường, thứ hai là thị trường. Trong luật có nói rất rõ vấn đề môi trường.
Chúng ta không nên lên án hình thức chăn nuôi gia công, đây là hình thức tất yếu của quá trình phát triển chăn nuôi. Tất cả các nước lớn đều phát triển theo hình thức này. Nuôi gia công sẽ tận dụng thời gian nhàn rỗi, sức lao động, chuồng trại của nông dân để phát triển.
Trong chăn nuôi có 2 vấn đề cần phải xử lý triệt để đó là mùi và tiếng ồn. Châu Âu đang tiếp cận theo hướng đảm bảo mật độ mùi không đậm đặc ảnh hưởng môi trường và tiếng ồn. Trong Luật chăn nuôi chúng tôi cũng có đưa ra quy định theo hướng tiếp cận này, có nghĩa ai tham gia chăn nuôi đều phải đáp ứng những quy đinh đó.
Về đánh giá tác động môi trường đều chúng ta đều thực hiện theo luật, Bộ TNMT quản lý vấn đề này. Về kiểm tra xử lý môi trường ngành môi trường, cảnh sát môi trường thực hiện công việc này.
Còn người dân khi xây dựng chuồng trại cũng đã có quy định ở quy mô bao nhiêu thì thì phải có hệ thống xử lý môi trường tương ứng và phải đánh giá tác động môi trường. Sắp tới trong Luật Chăn nuôi cũng sẽ đề cập cụ thể hơn về vấn đề này. Còn đối với hộ chăn nuôi nhỏ thì không đánh giá tác động môi trường, chỉ kê khai chăn nuôi, còn hộ trang trại trở lên thì đăng ký chăn nuôi, nếu thấy đủ điều kiện thì cơ quan chức năng mới cấp phép chăn nuôi. Điều kiện ở đây là gì, đó là có đủ đất đai không, có làm môi trường không, có phương án xử lý môi trường không.
Thời gian tới chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị hỗ trợ chính sách cho người chăn nuôi nông hộ đối với các khâu nào ảnh hưởng đến nhiều người nhất, ví dụ như môi trường, chúng tôi sẽ kiến nghị hỗ trợ cụ thể hơn.
Thời gian tới chúng ta phải làm tốt vấn đề liên kết sản xuất chuỗi, DN đi đầu, các nông hộ tham gia hợp tác xã, HTX sẽ gom hàng từ các hộ nuôi, sau đó DN về thu mua. Chăn nuôi lợn phải làm chuyên nghiệp như thế. Chúng ta phải tổ chức lại nhanh chăn nuôi liên kết để các nông hộ không bị bỏ rơi.
Bản thân tôi cũng rất thương các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và tôi cũng muốn giúp họ tồn tại song song với mô hình chăn nuôi công nghiệp.
Trong tương lại mình có giải pháp gì để kiểm soát đầu lợn để đưa ra các khuyến cáo sát với thực tế?
- Về thống kê, chúng ta có Tổng cục Thống kê, mỗi năm họ thống kê 4 kỳ để nắm được số lượng trong chăn nuôi, tuy nhiên cũng chỉ ở mức tương đối. Để thống kê sát nhất số đầu gia súc, chúng ta nên phối hợp với Tổng cục Thống kê để có số liệu chính xác, từ đó đưa ra chỉ đạo sát thực hơn.
Chúng tôi cũng đã xác định chỉ cần 3 triệu nái với năng suất 1 nái là 21-24 con, như thế chúng ta vẫn đủ lượng thịt cung cấp cho thị trường.
"Tôi tin rằng thị trường thịt lợn vừa qua là một bài học cho cả cơ quan quản lý và người chăn nuôi, người chăn nuôi giờ điềm tĩnh hơn nhiều. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ tôi cho rằng cần chuyển hướng sang chăn nuôi lợn hữu cơ, đặc sản phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Nếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không theo được con đường chăn nuôi chuyên nghiệp thì phải có chính sách chuyển nghề cho họ hơn là buộc họ phải chăn nuôi. Còn ông nào có năng lực thì tiếp tục hỗ trợ để phát triển, đặc biệt hỗ trợ cho các DN có ký hợp đồng với nông dân, sản xuất theo chuỗi. Ngành chăn nuôi vác trên vai 2 sứ mệnh quan trọng, thứ nhất là giải quyết nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng xã hội, hai là an sinh cho một bộ phận nông dân. Đây là 2 sứ mệnh rất quan trọng". (Ông Nguyễn Xuân Dương) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã