Giá vải đầu mùa năm nay dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, bằng nửa giá so với năm ngoái. (Ảnh: Hồng Vân)
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, tại các chợ trong địa bàn thành phố Hà Nội như chợ đầu mối phía Nam, chợ Hôm, chợ Mơ,... giá vải đầu mùa dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với mức giá 50.000 – 70.000 đồng/kg của năm ngoái.
Đáng nói, theo ghi nhận, tại một số tỉnh thành gần Bắc Giang như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, giá vải chín sớm còn rẻ hơn nhiều, chỉ ở mức 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Anh Chí Hùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ rằng, khi đi mua hoa quả khoảng 1 tuần nay, anh thấy giá vải chỉ khoảng 25.000 đồng/kg, giảm nhiều so với những tuần trước nên đã mua khoảng 5 kg để tủ lạnh ăn dần.
Chị Tuyết Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Cả nhà tôi đều rất thích ăn vải nên tôi vẫn nhớ bằng giờ này năm ngoái, tôi chỉ dám mua 1-2 kg vải mỗi tuần để cả nhà ăn tráng miệng vì đắt. Năm nay thì giá rẻ hơn nhiều nên có ngày nhà tôi ăn 1-2 kg vải là bình thường”.
Tuy nhiên, tại các siêu thị và cửa hàng bán hoa quả sạch, giá vải chín sớm vẫn ở mức 60.000 – 70.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến 120.000 đồng/kg.
Theo chị Thêu, chủ một sạp bán hoa quả tại chợ Long Biên, vải đầu mùa chủ yếu là vải chua, vải to, hột to và không ngọt như vải thiều chính vụ.
“Tuy nhiên, tại siêu thị và các cửa hàng hoa quả sạch, vải chín sớm vẫn có giá cao hơn ở chợ có lẽ vì được tuyển chọn hàng loại 1, chín đều và ngọt hơn hàng loại 2, loại 3 ở chợ”, chị Thêu nói.
Theo anh Đức Huy, chủ một vườn vải rộng 5 ha tại Lục Ngạn, Bắc Giang: “Các năm trước, thương lái Trung Quốc sang thu mua vải sớm lắm, sau Tết là họ rục rịch sang đặt ở vườn trước rồi. Năm nay thì chả thấy đâu, vải sớm còn được mùa nên càng mất giá”.
Giải thích cho điều này, nhiều chủ vườn vải tại Lục Ngạn cho rằng, do thời tiết thuận lợi, được chăm sóc tốt nên năm nay vải được mùa.
Cụ thể, đại diện tỉnh Hải Dương và Bắc Giang dự kiến, sản lượng vải năm nay đạt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khoảng 55.000 - 60.000 tấn (gấp đôi so với năm 2017). Trong đó, vải chín sớm vào khoảng 15.000 – 18.000 tấn.
Riêng tại Bắc Giang, dự kiến sản lượng vải tại địa phương sẽ đạt 150.000 – 180.000 tấn, gấp gần 2 lần so với năm ngoái. Trong đó có 20% là vải thiều chín sớm.
Theo đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã đề nghị các tỉnh, thành phố tích cực quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ kết nối cung, cầu tiêu thụ để giúp người dân tiêu thụ vải thiều.
Mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định: “Hà Nội cam kết hỗ trợ đưa quả vải vào bán tại một số siêu thị, hệ thống phân phối của thành phố Hà Nội. Đồng thời cũng kết nối các bên nhằm tìm giải pháp mở rộng xuất khẩu mặt hàng này ra thị trường thế giới”.
Theo Hồng Vân (dantri.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã