Mất ngủ vì rác
Xuân Tiến là mảnh đất nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh Nam Định với làng nghề cơ khí. Thợ thuyền của Xuân Tiến từ lâu được đánh giá là những bậc thầy trong ngành cơ khí. Lớn lên trên mảnh đất đó, Trần Văn Kiều sớm vạch ra hướng đi của cuộc đời mình.
Năm 2001, Kiều tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội (Khoa Công nghệ thông tin). Bằng chính đôi chân của mình, Kiều tự hứa sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Về quê và mở xưởng cơ khí, đến năm 2009 thì Kiều chính thức thành lập Cty TNHH Tân Thiên Phú.
Rác thải sinh hoạt luôn là nỗi ám ảnh ở nông thôn. Không được thu gom và xử lý đúng cách, rác trôi trên sông, nằm trong đất gây ô nhiễm môi trường sống của chính người dân. Trăn trở bao đêm, Kiều quyết định sẽ làm ra một chiếc máy có khả năng xử lý rác hiệu quả mà giá thành lại rẻ.
“Thời gian đầu anh mất ăn mất ngủ vì cái dây chuyền này. Thậm chí, đêm ngủ còn mơ thấy máy móc, rác thải. Đúng là… ăn cũng rác, ngủ cũng rác”, Kiều nhớ lại.
Dây chuyền có thể nghiền gạch hiệu quả
Cuối năm 2010, Kiều đi tham quan một số hệ thống xử lý rác thải ở nhiều nơi. Khi đó, tại thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) mới được trang bị 1 nhà máy xử lý rác công nghệ đốt của Nhật Bản. Với giá thành 3,2 tỷ đồng nhưng lượng rác qua xử lí đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 30 - 40%. Rác trước khi đưa vào đốt đều phải phơi khô.
Những hôm trời nắng, rác phân hủy, bốc mùi nằng nặc, ruồi nhặng bay về bu kín cả khu xử lý. Một điểm hạn chế nữa của dây chuyền này là không thể phân loại rác cứng như gạch, gói, thủy tinh…
Tính năng vượt trội
Không chỉ đi tham quan thực tế, Kiều còn lên mạng tham khảo nhiều loại máy nghiền rác của nước ngoài, ghi chép lại hình thành ý tưởng làm ra dây chuyền xử lý rác. Gần 2 năm với nhiều đêm thức trắng cùng anh em công nhân trong Cty, dây chuyền xử lý rác của Kiều cũng dần hình thành.
Nhìn từ bên ngoài, dây chuyền này có cấu tạo khá đơn giản. Rác được xúc lên băng chuyền tự động đổ thẳng vào bộ phận nghiền rồi rơi xuống sàng lồng. Sau đó, rác thải được chuyển đến bộ phận xả rác tự động, băng chuyền rồi đổ thẳng xuống hố chôn.
Điểm vượt trội đầu tiên của dây chuyền này là rác không cần phơi mà có thể cho thẳng vào máy nghiền. Trong 1 giờ, máy có thể xử lý được từ 5 - 7 tấn rác, tiêu thụ 15 số điện/giờ, chi phí tương đương 15.000 đồng. Nếu với lượng rác như trên, hệ thống xử lý rác tại Thịnh Long phải tốn đến 2 ngày.
Ngoài rác thải sinh hoạt, dây chuyền của Trần Văn Kiều còn có khả năng “ngún” cả gạch, đá, thủy tinh, sứ… Dây chuyền được khởi động, người công nhân bỏ từng viên gạch vào băng chuyền.
Lưỡi nghiền rác được làm bằng hợp kim
Sau tiếng “xoảng” chát chúa, từng viên gạch bị vỡ vụn thành từng cục bé bằng đầu ngón tay. Số gạch, ngói vụn này tiếp tục được gom lại đóng thành bao để SX bi, xỉ… quay vòng phục vụ xây dựng.
“Cậu yên tâm, răng nghiền được làm bằng hợp kim nên nghiền được hết. Không tin cậu trèo lên thử xem, càng nghiền nó lại càng sáng ấy chứ”, Kiều cười khà khà.
Tuy bước chân vào bãi rác, nhưng tôi không hề ngửi thấy cái mùi “quen thuộc” mà ai cũng biết. Rác sau khi được nghiền trọng lượng đã giảm đi 70 - 80%, rất tiết kiệm diện tích chôn lấp. Do nhiệt độ trong máy nghiền khá cao, rác gần như bị nung chín nên triệt luôn mùi khó chịu.
Tất cả bộ phận của dây chuyền như mô tơ điện, khung máy, răng nghiền… đều là sản phẩm của làng nghề cơ khí Xuân Tiến. Với giá thành trên dưới 300 triệu, dây chuyền xử lý rác này có thể coi là rẻ và hiệu quả nhất.
“Quét” sạch rác nông thôn
Từ đầu năm 2013, trên diện tích bãi rác 1.000 m2 có sẵn, chính quyền xã Xuân Kiên đã mua lại hệ thống xử lý rác của Kiều về đặt tại đây. Ông Trịnh Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Kiên cho biết, trước đây khi chưa có công nghệ xử lý rác, môi trường sống ở đây có nguy cơ bị ô nhiễm cao.
Theo ước tính, trong 1 tháng, xã Xuân Kiên thải ra khoảng 60 tấn rác. Số rác này được thu gom rồi đem đi đổ nhưng khá tốn kém, ảnh hưởng môi trường. Bãi rác 1.000 m2 của xã khoảng 7 năm là đầy.
Ông Đông cho biết, hệ thống dây chuyền này xuất hiện đồng nghĩa với việc rác thải tại đây bị “quét” sạch không còn một cọng. “Ưu điểm lớn nhất của chiếc máy này đó là xử lý được tất cả các loại rác, giá thành rẻ, khi hỏng hóc cũng dễ sửa chữa vì phụ tùng sẵn có”, ông Đông nói.
Rác sau khi nghiền trọng lượng chỉ giảm 70 - 80%
Giờ đây, chỉ cần 7 người, gồm 4 người đi thu gom, 3 người phân loại và vận hành máy, vấn nạn rác thải tại Xuân Kiên đã được giải quyết dứt điểm. Nút thắt về môi trường trong xây dựng NTM cũng được gỡ bỏ.
Anh Trần Văn Kiều chia sẻ, từ khi cho ra đời dây chuyền xử lý rác này, rất nhiều địa phương từ Nghệ An trở ra đã tìm về tham quan, đặt mua máy. Tại cánh đồng xã Xuân Tiến, Kiều xin 1.000 m2 đất của HTX, bỏ ra 2 tỷ đồng dây dựng cho xã một hệ thống xử lý rác thải hoàn chỉnh.
Theo dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành, đi vào sử dụng từ tháng 8/2013. Đây thực sự là niềm mong mỏi của người dân xã Xuân Tiến nhiều năm nay.
Tháng 3 vừa qua, Trần Văn Kiều được UBND tỉnh Nam Định trao Bằng khen vì có thành tích sáng tạo KHCN, góp phần xây dựng NTM. Trước đó, Kiều còn được vinh danh là “Nhà nông trẻ xuất sắc" giải thưởng Lương Định Của 2011, Techmart Việt Nam 2009. |
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã