Nông dân thiệt trước...
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, nguồn cung lương thực dồi dào khi cả hai vựa lúa lớn là Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL đã và đang thu hoạch vụ lúa đông xuân với năng suất và sản lượng khá cao là nguyên nhân chính khiến giá lương thực trên cả nước tiếp tục giảm trong tháng 6 so với tháng trước, kéo theo lạm phát giảm mạnh.
Tuy gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhẹ trở lại nhờ các đơn hàng từ Trung Quốc nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lượng lúa gạo trong nước hiện nay đảm bảo đủ cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu và quan trọng hơn chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam khác với chủng loại gạo tiêu dùng trong nước nên giá xuất khẩu tuy có tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều tới giá gạo trong nước.
Như vậy, lạm phát giảm mạnh là nhờ giá lúa gạo nông dân làm ra giảm mạnh (giảm 043%). Với giá lương thực như hiện nay, GS Bùi Chí Bửu- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, cho rằng lợi nhuận ròng của lúa chỉ có khoảng 1.300 đồng/kg, nông dân không đủ sống.
Ông Lưu Đức Khải- Trưởng ban Chính sách nông thôn (Viện Quản lý kinh tế T.Ư) cũng nhìn nhận: Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu… mà nông dân phải sử dụng trong sản xuất vẫn đang rất cao so với giá đầu ra của sản phẩm. Thực tế, trong tháng 6, một số nông sản của nông dân sản xuất đều tiêu thụ không ổn định.
Một số nông sản đã bị rớt giá, không tiêu thụ được mà với vốn đầu tư nông dân đã bỏ ra lớn hơn trước, thì họ lại bị thua lỗ nhiều hơn. Ví dụ như mặt hàng vải thiều là rõ nhất. Giá vài thiều vừa qua có thể nói giảm ghê gớm. Ngay tại Hà Nội, giá vải có lúc chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg. Mùa vải năm nay, người nông dân đã bị mất giá tới một nửa so với các năm trước. Nông dân trồng vải coi như “không công”.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý như dịch vụ y tế và học phí giáo dục còn có thể diễn ra ở một số địa phương cũng như việc điều chỉnh các mặt hàng do nhà nước quản lý khác như xăng, dầu,… cũng là những nguy cơ tăng giá tiềm ẩn trong khi sản xuất của nông dân phụ thuộc vào các nguyên liệu chính yếu như xăng dầu, điện còn bấp bênh...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, lạm phát dù thấp như hiện nay song vẫn tác động tới người nông dân ở chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Nông dân làm ra ít sản phẩm, giá cả bấp bênh nhưng lại phải mua các sản phẩm với giá cả không thấp.
Chưa kể, hầu hết nông dân không thể bán trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng mà phải qua nhiều khâu trung gian, nhiều thương lái. Điều này làm giá thành nông sản bị đẩy lên cao nhưng người nông dân không có lãi lớn.
Thí dụ, nông dân miền Trung bán dưa hấu có lúc với giá chỉ 1.500 đồng/kg, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua 15.000-20.000 đồng/kg. “Như vậy, trong bối cảnh lạm phát, biến động nào cũng khiến nông dân là người chịu thiệt trước nhất”- bà Lan nói.
Lạm phát giảm, chi phí không giảm
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là CPI hàng tháng đang có dấu hiệu tăng tốc với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Sau khi tăng khá cao vào tháng 1 và 2, CPI đã giảm theo đúng quy luật vào tháng 3 rồi xác lập xu hướng đi lên tăng dần trong các tháng 4, 5 và 6.
Điểm đáng chú ý là nguyên nhân khiến CPI tăng giá gần đây đều xuất phát từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất, với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước, 0,15%; 0,17% và 0,28% tương ứng với các tháng 4, 5 và 6.
"Trong vòng xoay này, chi tiêu của người nông dân sẽ càng khó được lựa chọn, bởi sản phẩm của nông dân không đủ cho các chi tiêu thiết yếu của họ”. Bà Phạm Chi Lan |
Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc chỉ số CPI nhích nhẹ 1,38% trong 6 tháng đầu năm, một phần là nhờ chính sách điều hành mạnh tay từ Chính phủ. Con số trên cũng nói đến tổng cầu của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều.
“Bình quân một giỏ hàng thanh toán trong siêu thị tại thời điểm tháng 6 đã giảm xuống quanh mức 190.000 đồng, trong khi cách đây 1 năm là khoảng 270.000 đồng và hàng hóa tiêu thụ chủ yếu vẫn là thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ số giá tăng thấp và được dự báo lạm phát cả năm cũng sẽ rất thấp là điều kiện hỗ trợ tốt cho việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu... Tuy nhiên, nếu những mặt hàng này tăng giá cũng sẽ làm cho chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cao thêm trong khi chiều bán ra chưa thấy rõ rệt khả năng tăng giá bán.