Thưa ông, thời gian vừa qua, giá lợn hơi trên cả nước tăng mạnh, có lúc đạt đỉnh trên 50.000 đồng/kg so với thời gian dài xuống đáy, giảm giá có lúc chỉ hơn 20.000 đồng/kg, gây thua lỗ lớn cho người chăn nuôi. Ông có đánh giá như thế nào về sự việc này?
TS. Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam.
Ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trải qua một đợt khủng hoảng rớt giá dài nhất, nặng nề nhất từ trước tới nay kể từ tháng 11/2016. Đến tháng 4/2018, giá lợn hơi tăng và tăng liên tục, tăng cao, hết tuần đầu của tháng 6 mới hết đà tăng và giảm nhẹ góp phần làm cho một số nông hộ, nhiều trang trại chăn nuôi lớn, các công ty chăn nuôi lợn đặc biệt là công ty FDI có lãi khá, giúp bù đắp một phần khoản thua lỗ rất lớn suốt thời gian thua thiệt trước đó.
Song, cũng thật tiếc vì những người chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ thì không thu lợi được nhiều trong đợt tăng giá vừa rồi, vì trước đó họ đã không còn sức duy trì đàn nên phải giảm đàn quá nhiều để cắt lỗ. Cũng có nhiều hộ phải treo chuồng, khi giá lên thì không còn lợn để bán.
Duy trì được phần lớn đàn lợn là các trang trại lớn và và công ty còn có vốn, những công ty đã đầu tư nhiều và buộc phải nuôi. Hầu hết các công ty FDI, điển hình là C.P. Việt Nam do trường vốn, có chuỗi chăn nuôi “từ trang trại đến bàn ăn” và khả năng dự báo thị trường, họ chủ động sản xuất thức ăn, tăng đàn giống, mở rộng mạng lưới nuôi gia công, lại có nhà máy giết mổ, chế biến sâu, mạng lưới tiêu thụ lớn và ổn định nên không những vẫn duy trì mà còn mở rộng quy mô sản xuất, qua đợt sốt giá này thu lợi nhuận lớn.
Giá thịt lợn tăng cao đợt vừa rồi có nguyên nhân chính là nguồn cung không đáp ứng nổi nhu cầu. Cùng với đó, có yếu tố do tâm lí găm hàng chờ giá lên bán lấy lời cao hơn trong các trang trại và các công ty, tạo ra sức ép cho thị trường, nhưng cơ bản vẫn là do cung thấp hơn cầu!
Tuy nhiên, giá lợn hơi tăng cao đã gây ra mặt tiêu cực đó là khiến giá bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn tăng. Người tiêu dùng phải mua thịt lợn với giá cao nên nhiều người đã từng bước chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm khác thay thế, thị phần thịt heo đã có xu thế giảm.
Thời gian vừa qua, chăn nuôi lợn đã trải qua một đợt sốt giá kỷ lục sau một giai đoạn khủng hoảng nặng nề.
Cùng với đó, giá thịt hơi cao đang tạo điều kiện cho việc nhập thịt lợn đông lạnh vào Việt Nam. Mặt khác, giá thịt lợn của Việt Nam tăng cao như vậy, giá lợn của Trung Quốc lại đang thời kỳ giảm, thấp hơn khoảng 10,000 đ đến 12,000 đ/kg so với gia lợn hơi của Việt Nam, tạo cơ hội để lợn sống, sản phẩm thịt lợn của Trung Quốc có thể thẩm lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch bằng các lối mòn, lối mở, kể cả tình trạng khá nhiều dân hàng ngày cắp lợn sang bán ở chợ đường biên.
Dù chúng ta cố gắng làm tốt nhất khâu kiểm soát dọc đường biên cũng không thể ngăn triệt để, mối nguy cơ dịch bệnh tràn sang ngày càng cao.
Ông có những lời khuyên gì đối với người chăn nuôi trong thời điểm này?
Đối với người chăn nuôi cả lợn nái và lợn thịt, vẫn nên tái đàn, nhưng hết sức thận trọng, không tăng đàn ồ ạt vì dự báo tới đây giá lợn hơi không thể tiếp tục cao, giá bán có lời chút ít là mừng lắm rồi. Ai cũng ồ ạt tăng đàn sẽ không tránh khỏi tình trạng cung vượt xa cầu, sẽ có đợt khủng hoảng, rất có thể lặp lại kịch bản như năm cuối năm 2016, năm 2017 vừa rồi. Trong khi đó, chúng ta không thể xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc như trước, xuất khẩu chính ngạch chưa đàm phán xong. Một vài năm tới đây, chăn nuôi lợn của nước ta vẫn để tiêu dùng trong nước là chính mà thôi.
Người chăn nuôi lợn thương phẩm khi mua con giống phải hết sức cẩn trọng, chỉ mua những con giống từ những cơ sở uy tín, chât lượng. Thời điểm này, giá giống lợn gấp đôi so với mức bình thường nếu không đảm bảo chất lượng giống, sẽ thua lỗ nặng nề do năng suất thấp và chi phí sản xuất tăng.
Cần sớm chuyển sang chăn nuôi thâm canh: giống chất lượng, thức ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi và nên tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương để giảm giá thành thức ăn, ứng dụng công nghệ sinh học trong dinh dưỡng, phòng bệnh và xử lý môi trường…
Không những vậy, việc tái đàn vào mùa hè oi nóng, ẩm do mưa nhiều, dịch bệnh trên lợn rất dễ xảy ra, nhà chăn nuôi cần hết sức lưu ý phòng chống dịch bệnh tốt, hạn chế stress cho lợn…
Người chăn nuôi lợn thương phẩm khi mua con giống phải hết sức cẩn trọng, chỉ mua những con giống từ những cơ sở uy tín, chât lượng.
Đối với lợn thịt khi đạt 100 kg, nên tránh tư tưởng găm hàng đợi giá lên cao nữa và nên bán đi để chốt lời chắc chắn. Cùng với đó, người chăn nuôi nên nhanh chóng tham gia vào các HTX, các chuỗi để có thông tin, đảm bảo đầu vào, đầu ra ổn định và có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Bởi khi tham gia các HTX, việc cho vay tái đàn dễ dàng hơn. Hoặc bà con có thể tham gia vào chuỗi của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI hoặc chăn nuôi gia công cho họ để chủ động giải quyết về đầu vào, đầu ra và tình trạng thiếu vốn sản xuất.
Rõ ràng tình hình chăn nuôi lợn nước ta chưa bền vững, tính ổn định chưa cao nên lúc thừa lúc thiếu, giá cả lên xuống thất thường. Bản thân người chăn nuôi (kể cả doanh nghiệp) và các cơ quan quản lý sản xuất, thị trường, hiệp hội ngành nghề cần bám sát tình hình, tăng khả năng dự báo để tránh thua thiệt lớn.
Thưa ông, ở thời điểm này, giá thịt lợn hơi ở nước ta cao hơn so với Trung Quốc khá nhiều, liệu có chuyện lợn từ Trung Quốc xuất khẩu xuất ngược lại sang chúng ta không? Và điều này, ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài với đối với ngành chăn nuôi Việt Nam như thế nào?
Thời điểm này, đây là vấn đề các cơ quan chức năng và người chăn nuôi cần hết sức lưu ý và quan tâm đặc biệt. Thị trường chăn nuôi lợn nước ta luôn chịu ảnh hưởng của thị trường quốc tế và yếu tố biên mậu, đặc biệt là những biến động thị trường của ngành lợn Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhanh và trực tiếp đến ngành chăn nuôi lợn nước ta.
Trung Quốc là nước nhập khẩu thịt lợn nhiều nhất thế giới. Bởi, đây là đất nước đông dân lại ưa thích ăn thịt lợn, đặc biệt là thịt tươi mát. Cùng với đó, chính sách của Trung Quốc siết chặt các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, nguồn cung thấp hơn nhu cầu, giá lợn tăng cao. Thời điểm đó, nước ta cũng xuất khẩu tiểu ngạch lợn sống sang Trung Quốc khá nhiều.
Khi giá thịt lợn lên cao, chính quyền Trung Quốc có nhiều chính sách như cho vay lãi suất thấp, ưu tiền giá thuê đất, miễn giảm thuế doanh nghiệp… khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nuôi lợn theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao, đảm bảo kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Doanh nghiệp đua nhau xây trại lớn, tăng đàn ồ ạt nên đàn lợn của Trung Quốc đang dư thừa, dù lượng thịt nhập khẩu giảm đi rất nhiều. Ví dụ như năm 2014, 2015 mỗi năm Trung Quốc nhập tới hơn 2 triệu tấn thịt lợn nhưng 2016 giảm xuống; năm 2017 chỉ còn nhập khoảng 1,2 triệu tấn nhưng giá thịt lợn Trung Quốc vẫn xu thể giảm tiếp. Hết quý 1/2018, giá thịt lợn nước này xuống thấp, giảm tới 25% so năm 2017 và hiện tại chỉ khoảng 38.000 đ/kg – 40.000 đ/kg, thấp hơn trên 10.000 đồng/kg so với giá lợn hơi tại Việt Nam.
Trước mắt, giá lợn hơi Trung Quốc thấp hơn Việt Nam, nên không thể tránh khỏi lợn của họ thẩm lậu sang nước ta. Lợn không đi qua cửa khẩu, song ở những lối mòn, lối mở sẽ vượt biên vào ta. Điều này, chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nhưng cái nguy hiểm nhất đó là sẽ đưa các bệnh vào Việt Nam như: lở mồm long móng, hen suyễn, rối loạn hô hấp, sinh sản…
Về lâu dài, nếu hai nước Việt Nam – Trung Quốc ký hiệp định Thú y để xuất khẩu lợn chính ngạch, rất có thể lợn của họ quay ngược trở lại vào thị trường của ta, khi có sự chênh lệch giá bán trên dưới 5.000 đ/kg trở lên. Chúng ta lại có Chiến lược phát triển chăn nuôi lợn để xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, vì về lâu dài đây vẫn là nước nhập khẩu nhiều thịt lợn. Đây là chủ trương đúng nhưng cần thận trọng và tăng khả năng dự báo thị trường.
Ngành chăn nuôi lợn nước ta chứng kiến một chu kì tăng – giảm giá khá dài, gần 2 năm, thua lỗ nhiều, nhưng trong bối cảnh khi giá tăng mạnh thì người chăn nuôi nhỏ lẻ hết lợn để bán, chỉ còn những người trường vốn, các công ty FDI. Theo ông qua đây, ngành đã rút ra những bài học gì và Nhà nước cần có những thay đổi gì về chính sách chăn nuôi để hướng tới sự bền vững cho ngành?
Thứ nhất, diễn biến giá thịt lợn như vài tháng qua rõ ràng là cơ quan quản lý nắm tình hình không kịp, không sát nên rất bị động trong việc điều hành sản xuất và thị trường, điều hành không theo kịp diễn biến thực tế. Nguyên nhân chính là số liệu thống kê không kịp thời và thiếu chính xác. Vì thế, ngành thống kê phải cung cấp số liệu kịp thời và chính xác để có thể phục vụ tốt cho công tác điều hành sản xuất và thị trường.
Đây là chu kì kéo dài và thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, khi mà nguồn cung giảm dần, không cân đối với cầu đến mức nào đó sẽ dẫn tới tình trạng sốt giá. Cần giảm đàn đến mức nào đó cho hợp lý và cũng cần phanh lúc cần thiết. Nếu đầu lợn chỉ giảm 5,8% như số liệu bên thống kê thì không thể tạo cơn sốt giá như như đợt vừa rồi.
Thứ hai, ngành chăn nuôi lợn rất cần phải đầu tư thâm canh, đừng tăng đầu con nhiều, mà là tăng năng suất và tăng chất lượng, vừa giảm tác động đến ô nhiễm môi trường lại giảm được giá thành, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm cũng tăng hơn…Khi có biến động, giá thị trường có giảm sâu thì cũng đỡ thiệt hại hơn.
Muốn đầu tư thâm canh thì Nhà nước cũng phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao kể cả trong khâu sản xuất chăn nuôi và cung đoạn giết mổ, chế biến, dự trữ sản phẩm thịt.
Một điều nữa, sắp tới Dự thảo Luật Chăn nuôi được Quốc hội phê duyệt thì chăn nuôi phải có đăng ký để cơ quan quản lý nước có thể nắm được số liệu tương đối chính xác, để kịp thời chỉ đạo sản xuất và dẫn dắt thị trường, kiểm soát. Trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua đến khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành, chúng ta nên sớm áp dụng biện pháp chăn nuôi lợn có đăng ký.
Nhà nước cần khuyến khích và làm mạnh hơn việc hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi và nông hộ phải tham gia vào chuỗi thì mới có thể duy trì được.
Một số giải pháp mang tính lâu dài đó là tăng cường tuyên truyền thói quen tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi của người Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm thịt lợn theo hướng chuyển dần từ thịt tươi sang sản phẩm đông lạnh, tăng dần sử dụng sản phẩm chế biến sâu và chế biến sẵn từ thịt lợn.
Theo tôi, Nhà nước cần có giải pháp căn cơ là thành lập các kho dự trữ sản phẩm chăn nuôi, trước hết áp dụng cho sản phẩm thịt lợn, bởi vì đây là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi và cũng là sản phẩm tiêu dùng chủ yếu. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ, co sở chế biến, bảo quản sản phẩm thịt lợn thông qua ưu đãi trong khâu thuê đất, hỗ trợ đáng kể xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường, cho vay lãi suất các khâu thu mua giết mổ, khâu cấp đông, bảo quản, chế biến, lưu phân phối. Khi giá lợn quá rẻ thì có thể mua giết mổ để dự trữ trong kho lạnh Khi giá thịt lợn lên cao, có thể đưa ra thịt dự trữ ra thị trường để bình ổn giá cho người tiêu dùng. Các nước lân cận ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã áp dụng chuyện này từ lâu và có hiệu quả kinh tế, xã hội, tạo sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã