Thị trường tiêu thụ nấm ngày càng phát triển và mở rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu là: Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản… Nghề trồng nấm ở nước ta đã có từ lâu và đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt ở ĐBSCL có nguồn nguyên liệu rơm phong phú để phát triển SX nấm rơm.
Theo Cục Trồng trọt, cả nước ta SX 16 loại nấm, trong đó các tỉnh phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mộc nhĩ; các tỉnh phía Bắc trồng nấm hương, nấm sò, nấm linh chi. Sản lượng nấm cả nước đạt hơn 250.000 tấn/năm. Kim ngạch XK nấm đạt từ 25 - 30 triệu USD, trong đó XK nhiều nhất là nấm mộc nhĩ 120.000 tấn, nấm rơm 64.000 tấn.
Nghề trồng nấm rơm ở Đồng Tháp
Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận thường trực Nam bộ, Trung tâm KNQG thì sự phát triển đó vẫn chưa ngang tầm với tiềm năng và lợi thế bởi nước ta có nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có, nguồn lao động dồi dào và điều kiện thời tiết thích hợp cho nghề trồng nấm phát triển.
Điển hình ở Long An, nghề trồng nấm được hình thành khá sớm, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Châu Thành, Mộc Hoá. Sản lượng nấm rơm đạt 400 tấn/năm, nấm bào ngư 36 tấn/năm, nấm linh chi 2 tấn/năm.
Tại đây, nhiều mô hình trồng nấm được hình thành và mang lại hiệu quả. Đáng chú ý là trồng nấm bào ngư trên mạt cưa, trồng nấm rơm; đặc biệt Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN của tỉnh đang triển khai dự án xây dựng mô hình SX nấm hàng hoá theo hướng công nghiệp.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của địa phương là nông dân thiếu vốn SX, chưa mạnh dạn đầu tư cơ giới hoá vào SX nấm, chỉ SX nhỏ lẻ, không có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cơ sở SX giống là tư nhân nên chất lượng nguồn giống không kiểm soát được.
Đó cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương làm cản trở bước tiến của nghề trồng nấm. Chị Nguyễn Thị Minh Tấn, chủ trang trại nấm Tấn Hưng ở Bình Dương trăn trở, vì chưa có một tổ chức hay trung tâm nào có uy tín hướng dẫn nông dân trồng nấm theo quy trình khoa học nên rất khó khăn cho người trồng. Việc đưa ra định hướng giúp người nông dân SX nấm thương phẩm vững chắc, có hệ thống là điều mong mỏi lớn nhất hiện nay.
Theo PGS.TS Phạm Thành Hổ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM: Trong thời gian tới cần đặt ra những vấn đề cho sự phát triển của nghề trồng nấm, để tìm ra biện pháp thích hợp, nâng cao hiệu quả. Các khúc mắc đó có thể là do chưa có hội trồng nấm để hỗ trợ tích cực cho nông dân, thiếu các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành, thị trường tiêu thụ trong nước vẫn chưa ổn định...
Ông Lê Hồng Vinh, PGĐ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng: Để phát triển SX nấm bền vững, hướng tới một ngành hàng có thương hiệu mạnh thì nhất thiết phải trang bị kiến thức cho người SX, đào tạo và tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý, tổ chức SX nấm, tăng cường công tác xúc tiến thị trường.
Bên cạnh đó là đa dạng hoá chủng loại và xây dựng kế hoạch SX khép kín, tổ chức SX nấm ở một vùng với quy mô lớn nhằm tạo ra sản phẩm ổn định, thúc đẩy tiêu thụ.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng được đưa ra trong buổi toạ đàm, cung cấp nhiều thông tin hữu ích để nghề trồng nấm ngày càng phát triển, góp phần đạt mục tiêu SX 400.000 tấn nấm các loại vào năm 2015 và 1 triệu tấn vào năm 2020; giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động như kế hoạch Cục Trồng trọt đã đề ra.
Cần hình thành ngành SX nấm theo hướng hàng hoá, tập trung, quy mô công nghiệp; từng bước ứng dụng công nghệ cao, có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, SX, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ, tạo thương hiệu nấm Việt Nam trên thị trường quốc tế. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã