Ông Trần Văn Sáng cho biết: Trước năm 2013, cũng như bao gia đình nông dân khác, cuộc sống chỉ trông vào những sào ruộng sản xuất nông nghiệp, có quay vòng tốt, chuyển đổi cây con phù hợp cũng chỉ đủ ăn, việc nuôi con học đại học gặp rất nhiều khó khăn, thường thiếu trước hụt sau.
Trong “cái khó ló cái khôn”, ông nhận thấy một số mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp của bạn bè, người thân trên địa bàn và cả các vùng khác cho hiệu quả kinh tế cao mà không tốn quá nhiều công lao động. Suy nghĩ và dự kiến nguồn vốn của gia đình, ông Sáng quyết định đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn nái và lợn thịt theo hướng công nghiệp.
Theo đó, ông xây dựng khu chuồng lợn trên diện tích 500m2, chia làm ba khu riêng biệt, gồm khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản, trong đó có chuồng dành riêng cho lợn đẻ; khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị và khu chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Đã cơ bản nắm được kỹ thuật chăn nuôi lợn nên ông Sáng đầu tư hệ thống nước tự động, giàn xả hơi nước và quạt hút gió làm mát, nhằm đảm bảo môi trường sống sạch sẽ cho lợn, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Ông Trần Văn Sáng cho biết: Trong chăn nuôi lợn, (bất kể là lợn nái hay lợn thương phẩm), quan trọng nhất vẫn là khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng trừ dịch bệnh. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh. Trung bình mỗi tuần một lần ông phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại, định kỳ mỗi tháng phun thuốc khử mùi bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh.
Đặc biệt, để có nguồn thức ăn đảm bảo, ông Sáng ký hợp đồng chặt chẽ với hãng cung cấp thức ăn gia súc có uy tín và thu mua thêm sản phẩm ngô, lúa của bà con quanh vùng. Nhờ vậy đàn lợn của gia đình ông phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thương phẩm luôn được thu mua với giá cao và được nhiều hộ chăn nuôi tin tưởng mua con giống.
Qua 3 năm bắt tay vào chăn nuôi, mô hình nuôi lợn nái và lợn thịt của gia đình ông Sáng đang phát triển rất tốt. Hiện ông đang nuôi 100 con lợn nái ngoại, thường xuyên có từ 100-200 con lợn thương phẩm được nuôi trong chuồng; mỗi năm xuất bán từ 1.500-2.000 con lợn giống. Đàn lợn, nhất là lợn nái được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe nhằm đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi năm ông xuất bán hàng trăm tấn lợn hơi; số lợn giống với hàng nghìn con được nuôi sau thời gian khoảng 24-25 ngày thì xuất bán, lúc giá cao từ 1,8-2 triệu đồng/con… tổng doanh thu mỗi năm của gia đình ông đạt trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn cho lãi gần tỷ đồng.
Nhờ nuôi lợn, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm được nhiều trang thiết bị, đồ dùng hiện đại phục vụ cuộc sống và nuôi các con ăn học trưởng thành.
Với sự kiên trì, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, ông Trần Văn Sáng đã rất thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt theo hướng công nghiệp. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Sáng còn rất tích cực trong việc gây dựng phong trào chăn nuôi lợn tại địa phương. Ông đã giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn bằng lợn giống và kinh nghiệm chăn nuôi.
Nhiều năm nay, gia đình ông luôn đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện. Ông cũng là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của huyện Yên Khánh được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2016.
Hạnh Chi
Nguồn: Báo Ninh Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã