Động vật thủy sản (tôm, cá,…) rất khác với động vật trên cạn, chúng sống trong môi trường nước nên khi xảy ra bệnh khó nhận ra và việc áp dụng các biện pháp chữa bệnh thường rất khó khăn.
Mỗi khi động vật thủy sản trong ao bị bệnh, không thể trị bệnh từng con mà phải trị theo quần đàn, do đó việc dùng thuốc rất tốn kém. Các loại thuốc trị bệnh bên trong cơ thể động vật thủy sản thường phải trộn vào thức ăn, tuy nhiên chỉ có tác dụng đối với những con còn khỏe mạnh, còn những con đã bị bệnh thì ít tác dụng vì chúng không bắt mồi. Một số thuốc trị bệnh lại kèm theo một số phản ứng phụ đối với động vật nuôi và môi trường. Vì vậy, trong nuôi trồng thủy sản vấn đề phòng bệnh được đặt lên hàng đầu và nguyên tắc là “phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết”. Động vật thuỷ sản bị bệnh khi xảy ra đồng thời các yếu tố sau:
- Tồn tại đủ nhiều và đủ mạnh các tác nhân gây bệnh.
- Bản thân động vật thủy sản mẫn cảm với bệnh và yếu.
- Điều kiện môi trường xấu.
Do đó, để tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ phát sinh bệnh cho thủy sản nuôi, nhất là trong mùa hè nắng nóng hay xuất hiện những cơn mưa bất chợt, người nuôi thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp cụ thể như sau:
1. Ao nuôi
- Chọn địa điểm nuôi thích hợp, có nguồn nước không bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải sinh hoạt và các nhà máy công nghiệp, các yếu tố môi trường thuận lợi.
- Ao nuôi phải được cải tạo triệt để trước mỗi vụ nuôi, lớp bùn đáy không nên để quá dày.
- Giữ chất lượng nước ao tốt và giảm làm cá bị sốc do môi trường như: hàm lượng oxy thấp, nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp, sự tích tụ các chất thải, độ mặn, pH thay đổi,...
2. Giống
- Người nuôi cần phải mua con giống tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch bởi các cơ quan chức năng.
- Thả giống với mật độ hợp lý, tuân thủ lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm.
- Cần loại bỏ những con giống yếu, giống bị bệnh ra khỏi ao nuôi.
3. Quản lý thức ăn
- Nên sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng và phù hợp với từng đối tượng nuôi; không nên sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối, ẩm mốc hoặc đã hết hạn sử dụng.
- Cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Xác định chính xác khẩu phần thức ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa và thức ăn bị phân giải ngoài môi trường nước ao.
- Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ thức ăn thừa trong ao nuôi và khử trùng dụng cụ, địa điểm cho ăn.
- Thường xuyên bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho tôm, cá.
4. Quản lý các yếu tố môi trường nuôi
- Độ sâu: luôn luôn đảm bảo mực nước ao nuôi trên 1 m, đặc biệt trong mùa nắng nóng mực nước càng sâu môi trường sống càng ổn định. Mực nước lý tưởng nhất là 1,5 m.
- Màu nước: luôn duy trì màu nước có màu xanh lá cây pha nâu, nâu vàng hoặc xanh lá chuối non.
- Độ trong: độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, DO biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao. Ngược lại, khi độ trong cao, hàm lượng ôxy thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và ôxy về ban đêm, gây sốc cho tôm cá. Độ trong nước ao nuôi nên duy trì từ 40 – 60 cm trong vòng 2 tháng đầu. Đến tháng thứ 3 trở đi duy trì độ trong từ 35 – 45 cm.
- Độ mặn: trong ao nuôi, sau các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn có sự phân tầng, do vậy cần thiết phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi. Sử dụng nguồn nước ngọt tại chỗ để giảm độ mặn trong các ao nuôi thủy sản vào mùa khô, mùa có độ mặn cao.
- pH: duy trì pH nước trong khoảng 7,5 – 8,5. Nếu pH thấp hơn hoặc cao hơn, thay nước và bón vôi sống (CaCO3), vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) với tỷ lệ 150 – 300 kg/ha. Ngay sau khi trời mưa to, cần bón vôi xuống ao, rắc vôi dọc theo bờ ao.
- Độ kiềm: sau khi điều chỉnh pH, cần duy trì độ kiềm 80 – 120 mg/l. Để duy trì độ kiềm ta dùng các biện pháp sau:
+ Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh trong các ao nuôi thâm canh, chu kỳ nuôi dài để giảm hàm lượng nitơ dư thừa trong nước ao.
+ Ổn định pH nước ao trong giới hạn 7,5 - 8,5 (nước mặn) để kìm hãm sự chuyển đổi giữa các dạng khác nhau của nitơ.
+ Khi cần thiết và điều kiện cho phép, cần thay nhanh nước ao bằng nguồn nước mới để giảm khẩn cấp hàm lượng NH3 trong ao nuôi.
Ngoài việc thay nước định kỳ, có thể tiến hành thay nước cho ao (dựa theo Bảng Quan trắc môi trường do Chi cục Thủy sản ban hành) nếu:
- pH dao động quá 0,5 đơn vị trong ngày hay nhỏ hơn 7,5 và lớn hơn 8,5;
- Màu nước trong ao đậm hơn một cách đáng kể (độ trong từ 20 – 25 cm);
- Nước trong ao quá trong (độ trong lớn hơn 80 cm );
- Bọt không tan xuất hiện ở mặt nước ao;
- Hàm lượng các chất hữu cơ lơ lửng gia tăng.
Sau một lần lấy nước nên lấy túi lọc nước giặt sạch, phơi khô và lắp đặt trở lại.
Ngoài ra, người nuôi thủy sản có thể áp dụng các mô hình nuôi ghép, nuôi luân canh và nuôi tổng hợp có thể giúp người nuôi quản lý môi trường thích hợp và bền vững.
Theo Thành Nguyên/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã