Đây là con số đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2003-2012) hoạt động của NHCSXH, tổ chức tại Hà Nội, ngày 15.4. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tham dự.
Xóa đói nhờ vốn chính sách
Thay mặt 39 thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) bản Thèn Pả, Xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu, tổ trưởng Giàng A Súa đem đến Hội nghị niềm vui của bản đồng bào Mông quê ông đang trên con đường thoát nghèo bền vững, làm giàu từ vốn vay ưu đãi. Giàng A Súa kể, vợ chồng và 3 con ông chỉ có 1.000m2 đất, không trâu bò, dụng cụ cày cấy. Năm 1995, gia đình ông được Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là NH CSXH) cho vay 1,5 triệu đồng, ông mua 1 con ngựa sinh sản. Năm 2007, trả hết nợ ngân hàng, bán ngựa mẹ, ông mua 8.000m2 đất trồng ngô. Ông tiếp tục được NH CSXH cho vay 2 lần (tổng số tiền 25 triệu đồng).
“Ngân hàng CSXH đã thực sự “cởi trói” cho gia đình tôi. Năm 2010, gia đinh tôi đã thực sự thoát nghèo bền vững”- Giàng A Súa tâm sự. Thoát nghèo bền vững như Giàng A Súa nói, đó là gia đình ông đang sở hữu 1,8ha trồng chè; vào vụ chăm sóc, thu hoạch phải thuê 20-30 lao động. Ông được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ TKVV của bản, hiện đang có dư nợ gần 590 triệu đồng của 4 chương trình. Các thành viên trong tổ còn gửi tiết kiệm gần 4,8 triệu đồng.
Nhờ tín dụng ưu đãi, 47 hộ trong bản của ông không còn đói nữa, 27 hộ đã ra khỏi hộ nghèo. Thay mặt bà con trong bản, ông đề nghị NH tăng mức vốn vay lên cao hơn, vì giá 1 con trâu tốt để cày bừa được năm 2012 đã tăng gấp đôi năm 2011.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gắn Huân chương Độc lập hạng Nhì vào lá cờ truyền thống của NHCSXH. |
Ông Giàng A Súa chỉ là một trong số hàng triệu hộ đã có cuộc sống ổn định, đã có tích luỹ từ những đồng vốn ưu đãi.
Báo cáo kết quả 10 hoạt động của NH CSXH, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay đã NH thực hiện 18 chương trình, trong đó 14 chương trình bằng nguồn vốn trong nước và 4 chương trình từ nguồn vốn uỷ thác của nước ngoài và nhiều chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Tổng dư nợ đến hết tháng 12.2012 đạt 113.921 tỷ đồng, gấp 16 lần thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân 32,8%/năm. Hiện gần 7,1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách dư nợ (bình quân 16 triệu đồng/hộ), tăng hơn 4 triệu khách hàng so với năm 2003...
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thắng nêu những khó khăn trong hoạt động của NH, đó là nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu cho vay trung và dài hạn (dư nợ chiếm trên 90%/tổng dư nợ), trong khi nguồn vốn tín dụng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp chiếm tỉ trọng thấp (20,5%) và có xu hướng giảm dần qua các năm. Công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ mới phát sinh nghèo, cận nghèo vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn vay
Phát biểu với hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, bảo đảm an sinh xã hội nói chung, xóa đói, giảm nghèo nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về phát triển bền vững, về xoá đói giảm nghèo và phát triển con người mà trong đó có đóng góp quan trọng của NHCSXH. Hệ thống điểm giao dịch của NHCSXH trải khắp trên toàn quốc xuống tận các xã là điều kiện để xóa tình trạng xã trắng tín dụng của Nhà nước...
Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo thời kỳ 2001 - 2005 giảm từ 17% xuống 7%; 2005- 2010 giảm từ 22% xuống 9,45% và 2011- 2012 giảm từ 14,2% xuống còn 10%. Nợ quá hạn của toàn hệ thống từ 13,75% (năm 2003 giảm xuống 1,03% hiện nay). |
Để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công định hướng phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính và tăng tính tự chủ trong hoạt động của NHCSXH để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; rà soát lại các chương trình cho vay, chính sách để có sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu mức tín dụng cho vay phù hợp với giá thị trường. Nghiên cứu đề xuất giao định mức chi phí quản lý cho NHCSXH ổn định trong thời kỳ và nâng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo tính chủ động cho NHCSXH. Các địa phương cần tiếp tục dành một phần nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương hàng năm ủy thác cho NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần tăng cường nguồn vốn tín dụng giảm nghèo tại địa phương...
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Ngân hàng CSXH Việt Nam.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã