Ông nói rằng Chính phủ đã có chủ trương dành nguồn vốn đủ lớn để giúp đỡ, hỗ trợ cho ngư dân đóng mới và cải hoán các tàu cá hiện có để đảm bảo công suất cao hơn, độ chắc chắn và độ an toàn của tàu lớn hơn để đảm bảo đánh bắt xa bờ, vừa nâng cao năng suất đánh bắt, vừa thực hiện bảo vệ chủ quyền của đất nước trên biển Đông.
Để thực hiện chủ trương này, NHNN cùng với các NHTM đang xây dựng dự thảo Nghị định mà theo đó có thể dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay đến ngư dân từ phía ngân hàng là 5%, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ 2%, ngư dân chỉ phải trả 3%. Chính phủ cũng khuyến khích chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của địa phương có thể hỗ trợ cho ngư dân của tỉnh một phần chi phí lãi suất để tạo thêm điều kiện cho ngư dân. Điểm đặc biệt của Dự thảo này là tất cả các con tàu đóng mới đều được bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ ngư dân 70% chi phí bảo hiểm. Với những vụ tàu cá của ngư dân bị đâm chìm cũng được coi như một tai nạn bất khả kháng trên biển và cũng sẽ được bảo hiểm đền bù.
Ngoài các chủ trương chung đã nêu, hiện nay NHNN cũng đang nghiên cứu xem xét có thể cho ngư dân vay với lãi suất đến 0% đối với các mô hình có thể quản lý tốt. “Tôi nhấn mạnh là với điều kiện phải quản lý thật tốt để đảm bảo các TCTD có thể thu hồi được nợ gốc của mình. Thời hạn cho vay sẽ tiến hành trong khoảng từ 10-15 năm. Chúng tôi cho rằng, thời hạn này là đủ lớn để hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển”, ông Bình nói.
Ông cho biết thêm, hiện Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, xây dựng Nghị định của Chính phủ về gói ưu tiên này. Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Dự thảo ban đầu của Nghị định đã được thảo luận và Chính phủ đã có kết luận đẩy nhanh việc soạn thảo nghị định này để có khuôn khổ pháp lý thống nhất triển khai trong toàn quốc một cách hiệu quả.
“Về phía NHNN, tôi khẳng định nguồn tiền đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ khi nào có đầy đủ cơ sở pháp lý của Chính phủ”, Thống đốc nói.
Các ngân hàng gốc quốc doanh đã có những hành động cụ thể hỗ trợ ngư dân và đội tàu đánh cá. Ngày 30-5, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tại Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tiếp cận nguồn vốn vay tại Vietcombank Quảng Ngãi giai đoạn 2014 - 2018.
Chương trình được thực hiện với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 3.000 đoàn viên của 7 nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh và các ngư dân của Quảng Ngãi tiếp cận với nguồn vốn vay của Vietcombank Quảng Ngãi được nhanh gọn, thuận lợi hơn, giúp đoàn viên các nghiệp đoàn đóng mới, hoán cải, nâng cấp, sửa chữa tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ và trang trải phí tổn cho các chuyển đi biển kịp thời, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 5-2014, doanh số cho vay phát triển kinh tế biển của Vietcombank tại Quảng Ngãi đạt trên 310 tỉ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho các hộ ngư dân trong tỉnh mua, nâng cấp, đóng mới tàu cá. Nhiều tàu đóng mới và nâng cấp nâng công suất làm ăn hiệu quả từ 1- 2 tỉ đồng/năm, các chủ tàu luôn trả nợ đúng hạn.
Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 5.377 tàu cá, trong đó có 1.671 tàu cá làm nghề kéo, sản lượng khai thác năm 2013 là 140.840 tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hôm 3-6 đã công bố chương trình tín dụng 3.000 tỉ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ chủ tàu là ngư dân, doanh nghiệp để đóng/mua mới, cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác, cung cấp dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ.
Theo đó, hình thức cho vay gồm: vay vốn trung, dài hạn; vay vốn lưu động và cho thuê tài chính.
Lãi suất cho vay đối với trung dài hạn BIDV đề xuất là 2%/năm, ân hạn trong năm đầu tiên khi đóng mới với lãi suất 0%/năm (tính từ ngày giải ngân đầu tiên); Đối với vay vốn lưu động lãi suất là 5%/năm.
Trong giai đoạn 2014 – 2017, tỉnh Bình Định sẽ phát triển bổ sung thêm công suất tàu đánh bắt xa bờ 100.000 CV, chủ yếu là tàu vỏ sắt có công suất lớn từ 1000 CV trở lên. với khoảng trên 100 tàu. Tỉnh Bình Định đang triển khai thí điểm 5 tàu đánh bắt cá ngừ do Nhật Bản chuyển giao công nghệ, đào tạo trực tiếp và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tỉnh Bình Định cũng xác định mục tiêu sẽ phát triển thêm đội tàu đánh bắt cá ngừ với 20 tàu công suất lớn trong thời gian tới.
BIDV đã ký kết tài trợ tín dụng giai đoạn đầu đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn trị giá khoảng 150 tỉ đồng cho các doanh nghiệp và hộ ngư dân, trong đó Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định 13 tàu, hộ ngư dân 13 tàu; đóng mới 1 tàu vỏ sắt công suất 1000CV để tặng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Trung ương Đoàn giao Tỉnh đoàn Bình Định tiếp nhận, quản lý và khai thác sau khi hoàn thành đóng mới); Ký kết thỏa thuận phối hợp xây dựng cột cờ trên đảo Cù Lao Xanh.
theo thesaigontimes.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã