Kháng sinh là những chất hóa dược được dùng để phòng trị một số bệnh do vi khuẩn gây ra ở động vật nuôi. Tác động của kháng sinh có thể diệt khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn; tác dụng lên vi khuẩn ở mức độ phân tử, thường là một vị trí quan trọng của vi khuẩn hay một phản ứng trong quá trình vi khuẩn phát triển.
Tùy thuộc vào khả năng tác động của một kháng sinh đối với vi khuẩn gram âm, gram dương hay cả hai mà người ta phân loại kháng sinh có phổ tác động hẹp hay rộng. Hiện nay các kháng sinh thuộc thế hệ mới thường có phổ rộng rất tiện lợi cho việc điều trị.
Để việc dùng kháng sinh có hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh cần đảm bảo các nguyên tắc quy định, an toàn, hợp lý và có kiểm soát tốt nhằm hạn chế hiện tượng kháng kháng sinh hay các phản ứng có hại khác, các nguyên tắc đó là:
i/ Không sử dụng kháng sinh trong các bệnh không phải do nhiễm khuẩn;
ii/ Chọn đúng kháng sinh: Việc sử dụng kháng sinh hợp lý cần phải dựa vào chẩn đoán lâm sàng và kết quả xét nghiệm vi sinh để định rõ bản chất của vi khuẩn gây bệnh là gram âm hay gram dương và tính nhạy cảm của nó với kháng sinh chọn dùng. Ví dụ bệnh viêm ruột tiêu chảy do E.coli có thể chọn Colistin, viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn gram dương thì chọn Spiramycin, nhưng nếu có kết hợp viêm phổi do vi khuẩn gram âm thì có thể dùng thêm Ciprofloxacin.
Thông thường khi mới điều trị nên chọn các kháng sinh có phổ tác dụng hẹp, hạn chế sử dụng các kháng sinh có phổ tác dụng rộng, nhất là trong các ca bệnh nhiễm trùng nhẹ. Những kháng sinh này thường được chỉ định điều trị trong những trường hợp nhiễm khuẩn có khả năng đe dọa tính mạng và chưa có kết quả kháng sinh đồ.
Kháng sinh phổ rộng không nên sử dụng theo kinh nghiệm và bừa bãi trong các loại nhiễm khuẩn. Người ta đã chứng minh rằng thói quen sử dụng kháng sinh phổ rộng trong những trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ có thể làm tăng thêm tỷ lệ nhiễm khuẩn và tỷ lệ vi khuẩn đề kháng, gây khó khăn cho việc điều trị;
iii/ Can thiệp nhanh ngay sau khi đã chẩn đoán bệnh, trước khi vi khuẩn làm giảm sức đề kháng của cơ thể;
iv/ Dùng đúng liều và giữ liệu trình đủ thời gian, thường từ 3-5 ngày. Tuy nhiên thời gian điều trị bằng kháng sinh phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng bệnh, cơ địa con vật và loại kháng sinh, cũng như chất lượng kháng sinh dùng. Có một số kháng sinh có tác động dài nên chỉ cần 1 liều là duy trì nồng độ trong 24-48 giờ. Về nguyên tắc khoảng thời gian dùng kháng sinh càng ngắn càng tốt, nhưng phải đảm bảo tiêu diệt được mầm bệnh, do đó thường phải dùng thêm 2-3 ngày sau khi hết triệu chứng nhiễm khuẩn.
v/ Không dùng quá liều chỉ định vì các kháng sinh thường có một số phản ứng phụ đối với những cơ địa hay bị dị ứng;
vi/ Trong một số trường hợp cần nâng cao hiệu quả điều trị, người ta có thể phối hợp kháng sinh trên nguyên tắc: Không nên phối hợp quá 2 loại kháng sinh; chỉ được phối hợp các kháng sinh cùng nhóm và thường kết hợp một kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn và một nhóm có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Điều trị bằng kháng sinh sẽ có hiệu quả cao khi kết hợp với thuốc chống viêm, cũng như một số thuốc làm tăng cường sức đề kháng của con vật;
vii/ Sau 3-5 ngày điều trị, nếu bệnh không thuyên giảm có thể là kháng sinh sử dụng chưa đúng hoặc nguyên nhân gây bệnh không phải do vi khuẩn. Phải ngưng hoàn toàn kháng sinh này và bắt đầu một liệu pháp điều trị đúng hơn.
Tóm lại, kháng sinh là một vũ khí quan trọng để phòng và trị bệnh gây ra do vi khuẩn ở gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không có sự kiểm soát tốt, đặc biệt việc bổ sung kháng sinh vào thức ăn không hợp lý hay tự điều trị mà không có tư vấn của cán bộ thú y sẽ mang lại nhiều hậu quả khó lường...
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã