Top 50 đặc sản Việt Nam
Không ngờ cây na lại phù hợp với điều kiện của núi đá vôi đến vậy. Ở Chi Lăng, na cho năng suất và chất lượng hoàn hảo không nơi nào có được. Cùng với thương hiệu đã có từ lâu, những năm gần đây, người dân chuyển hướng canh tác na an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giúp sản phẩm này từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.
Na Chi Lăng đã lọt Top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, Top 50 đặc sản Việt Nam. Đây được xem là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Lạng Sơn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra những đường tời đưa na xuống núi. Ảnh: B.H
Na Chi Lăng đã trở thành một thương hiệu và ngon nổi tiếng nhất miền Bắc hiện nay. Năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã ra quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu “na Chi Lăng” và năm 2013 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. |
Nhờ đi đúng hướng nên đến nay trên 25% hộ dân ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có cuộc sống khá giả nhờ trồng na. Từ năm 2014, huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng đã vận động người dân sản xuất na an toàn. Đến nay, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt gần 200ha và 5ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, những diện tích còn lại đều được cam kết sản xuất an toàn.
Nhờ na, cơ sở hạ tầng nông thôn nhiều địa phương được cải thiện khang trang sạch đẹp, riêng xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) đã về đích nông thôn mới từ năm 2014.
Là một trong những hộ đầu tiên áp dụng trồng na theo tiêu chuẩn quốc tế, ông Vi Ngọc Lưu, thôn Quan Thanh, xã Chi Lăng, cho biết, sau khi được tuyên truyền, tập huấn, nhận thấy những lợi ích to lớn của việc sản xuất na an toàn, ông đã cùng 8 hộ liền kề tham gia đăng ký sản xuất na theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trên diện tích hơn 5ha với 3.200 cây, dự kiến năm nay, vườn na GlobalGAP này sẽ cho sản lượng 8-12 tấn/ha.
Những máy tời này vận chuyển na từ núi xuống thường được người dân tận dụng từ những động cơ xe máy và những dây cáp chắc chắn. Ảnh: dantri
Hiện, nhóm của ông đã thu hoạch đợt 1. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên giá bán đã tăng lên tới… 50% so với năm ngoái, đạt hơn 50.000 đồng/kg. Với giá này, thu nhập của nông dân sẽ tăng lên 30-40% do năm nay sản lượng có giảm nhẹ bởi thời kỳ thụ phấn gặp mưa nhiều.
Vị trưởng nhóm của 8 hộ trên cho biết, từ tháng Giêng đến tháng 2, nông dân sẽ áp dụng biện pháp tỉa cành. Khi sản xuất theo GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bón phân. Toàn bộ diện tích đều được sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, tuyệt đối không dùng vô cơ. Các loại phân từ động vật đều phải ủ từ 3-6 tháng mới được phép bón cho cây.
Những trái na - "trái vàng" của người dân Chi Lăng đang chờ xuống núi... Ảnh: dantri
Theo ông Lưu, GlobalGAP là tiêu chuẩn khá khắt khe nhưng nếu áp dụng được thì rất tốt vì an toàn cho cả nông dân, người sử dụng và môi trường, hiệu quả kinh tế cao, thậm chí ngay cả đường tời (ròng rọc đưa na xuống núi) cũng có những quy định về mức độ an toàn. Tuy nhiên, đây là điều kiện tạo cho bà con một nền tảng sản xuất an toàn. Ông Lưu hy vọng, khi áp dụng những tiêu chuẩn trong sản xuất có thể kết hợp phát triển du lịch.
Dán tem truy xuất
Việc sản xuất, tiêu thụ na của người Chi Lăng đang được nâng lên một bước, thể hiện sự chuyên nghiệp khi lần đầu tiên trong vụ này, na được dán tem truy xuất nguồn gốc. Bà Nguyễn Thị Lý- Giám đốc Hợp tác xã nông sản huyện Chi Lăng cho biết, năm nay na Chi Lăng đã có truy xuất nguồn gốc, có hệ thống bao bì đóng gói chuẩn. Sau khi có truy xuất nguồn gốc, giá na có thể đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Quý, UBND Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, cho biết, xã có 20ha na. Năm nay, sản lượng na tương ứng với năm ngoái, nhưng giá cả ổn định duy trì tốt từ đầu vụ cho đến nay. Những quả na to chất lượng tốt, sản xuất theo tiêu chuẩn có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Na đang vào chính vụ nhưng giá sẽ không xuống thấp hơn năm ngoái bởi năm nay, người dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho na ra hoa không đồng loạt để thu hoạch rải vụ. Hiện, bà con trong xã đã bước đầu tuân thủ khá tốt việc sản xuất na an toàn để từng bước hướng tới sản xuất VietGAP. Khâu kỹ thuật chăm sóc đã được nâng cao hơn. Bà con xử lý cẩn thận từng vườn, xử lý ra hoa tốt nên cũng giúp giảm áp lực tiêu thụ trong cùng một thời điểm.
Hiện hợp tác xã đã có khá nhiều đối tác là bạn hàng Trung Quốc. Đơn vị bạn đã đưa người sang Việt Nam trực tiếp thực hiện việc kiểm tra đóng gói theo đúng quy cách của đơn vị nhập khẩu nên việc xuất khẩu na khá thuận lợi.
Từ năm 2017, toàn huyện thống nhất áp dụng một loại bao bì in nhãn hiệu na Chi Lăng, khẳng định và nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Na Chi Lăng đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn trên toàn quốc, đang hướng đến xuất khẩu tới nhiều nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Cùng với na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồi… đang góp phần quảng bá hình ảnh một Lạng Sơn tươi đẹp đến bạn bè trong nước và quốc tế”. Ông Lý Vinh Quang |
Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, sản phẩm na đã có mã số, có thể truy xuất nguồn gốc. Sau khi đi thăm “mỏ vàng” trên núi, ông Vị Hiện Cường (Sở Thương mại Quảng Tây, Trung Quốc) đánh giá, na xuất sang Trung Quốc khá nhiều, na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có quả to, chất lượng cao, hương vị ngon được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
“Hai bên cần tiếp tục cải thiện vật chất tại khu vực cửa khẩu, trao đổi tin tức về số lượng hoa quả theo mùa, số lượng xe vận chuyển, tình trạng thông quan để cùng kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên xuất nhập khẩu được tốt hơn” - ông Vị Hiện Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Toản - quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) đánh giá, na Lạng Sơn, đặc biệt là na Chi Lăng có chất lượng hoàn hảo bởi nó được trồng ở một vùng đất có đặc thù riêng biệt.
“Các cơ quan chuyên ngành của Bộ sẽ tiến hành đàm phán chính thức với cơ quan kiểm dịch của nước bạn để làm sao đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật của bạn đối với sản phẩm na Chi Lăng. Việc này sẽ được duy trì và cố gắng làm trong thời gian nhanh nhất có thể. Cùng với đó là quan tâm khâu chăm sóc sao cho đúng tiêu chuẩn; khâu sơ chế bảo quản; tổ chức phân phối sao cho bài bản để có thể chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc” - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Ông Lý Vinh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ cho cây na đã được các cơ quan chức năng huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng thực hiện rất quyết liệt. Theo đó, ngành chức năng định hướng cho nông dân địa phương chuẩn hóa quy trình canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo tán đốn cành cho cây na, thụ phấn nhân tạo đã đem lại tỷ lệ đậu quả đạt trên 98%.
Bên cạnh đó, sự chủ động nâng cao giá trị sản xuất, hệ thống ròng rọc được sáng tạo để chuyển vật tư lên núi, chuyển sản phẩm trái na xuống núi, những đường tời dài tới nửa cây số đơn giản mà hiệu quả giúp người trồng na không phải vận chuyển nặng nhọc mà trái na lại giữ nguyên chất lượng.
Chi chít những đường cáp. Na được người dân buộc vào cáp để thả xuống chân núi, có tay phanh để hãm tốc độ. Ảnh: dantri
Theo Bích Hồng (danviet)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã