Doanh nghiệp “gõ cửa”
Nhiều năm trước, ông Đinh Văn Bắc, thôn Quang Lãng, từng đứng ngồi không yên với nghề nuôi heo. Chuồng trại sơ sài, thường xuyên bị hàng xóm phàn nàn vì mùi hôi, đó là chưa kể nỗi lo mỗi khi heo mắc dịch bệnh, lo không xuất bán được khi heo đến ngày xuất chuồng… Đầu tắt mặt tối mà thu nhập bấp bênh, đã có lúc ông nản, bỏ chuồng không.
Vài năm gần đây, mọi chuyện đã thay đổi với gia đình ông Bắc. Đến thăm trang trại của ông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với những dãy chuồng được quy hoạch gọn gàng, đàn heo hơn 300 con với trọng lượng trung bình 70kg/con, con nào, con nấy chắc nịch. Ông Bắc vui vẻ cho biết: “Tất cả là nhờ liên kết với doanh nghiệp đã giúp gia đình tôi có vốn, kiến thức để mở rộng quy mô, lại không phải lo đầu ra, nên yên tâm sản xuất, thu nhập ổn định”.
Trang trại của ông Nguyễn Việt Hùng đang xuất lợn cho doanh nghiệp.
Chung niềm vui với gia đình ông Bắc, còn có 10 hộ nông dân khác cùng tham gia liên kết với Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD). Đi vào hoạt động 5 năm nay, RTD đã phát triển và nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi trang trại heo thịt, heo nái ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Phú Thọ..., sẵn sàng “gõ cửa” để bắt tay liên kết với nông dân góp phần mở ra một hướng đi bền vững hơn cho nghề chăn nuôi công nghiệp trong nông thôn.
Nói về lợi ích của hình thức chăn nuôi liên kết này, ông Bắc cho hay, để thực hiện chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp, gia đình ông cần có diện tích đất phù hợp, xa khu dân cư và các trại chăn nuôi khác. Nhờ được hỗ trợ con giống, thức ăn và toàn bộ vaccine tiêm phòng đã giúp ông yên tâm mở rộng quy mô trang trại.
Liên kết bền vững
Để tạo sự yên tâm, tin tưởng trong quá trình liên kết chăn nuôi giữa Công ty RTD và các hộ dân triển khai ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật và các loại thuốc tiêm phòng cho đàn heo. Còn hộ chăn nuôi lo xây trang trại, đảm bảo nguồn điện, nguồn nước. Đặc biệt, nguồn nước được kiểm tra 6 tháng/lần để đạt tiêu chuẩn. Toàn bộ quy trình được kiểm soát nghiêm ngặt như: lượng thức ăn, vệ sinh chuồng trại, công nhân phải sát trùng trước khi vào chuồng heo.
Ông Nguyễn Việt Hùng, một hộ tham gia liên kết chia sẻ, gia đình ông nhận khoán mỗi lứa khoảng 400 con lợn.Thông qua việc hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật từ đội ngũ kỹ sư, bác sĩ thú y của Công ty, giúp ông chủ động chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, với mỗi kg heo, ông Hùng được Công ty trả 4.000 đồng. Mỗi năm ông xuất chuồng hai lứa, trừ chi phí đã cho ông thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả của hình thức liên kết này, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Lãng cho biết: Hình thức chăn nuôi này giúp nông dân tránh được rủi ro. Sau khi kết thúc hợp đồng, chủ trang trại muốn tách ra hoạt động độc lập, phía doanh nghiệp vẫn tạo điều kiện hỗ trợ con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã