Tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại Hà Nội ngày 12 - 13/7, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp cao đã chia sẻ nhiều thực trạng, khó khăn và thách thức đối với ngành này tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn: Thách thức phải đối diện với việc ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam là khác biệt với Nhật Bản, Israel. Việc giải quyết hài hòa phát triển nông nghiệp thông minh với đời sống an sinh xã hội là câu chuyện lớn.
Việt Nam hoàn toàn có điều kiện ứng dụng nông nghiệp thông minh vì nó hiện hữu và có lãi. Muốn có lãi nhiều cần đi chính xác là thị trường và công nghệ phù hợp với vùng đất địa bàn. Nếu muốn đi ngay, đi nhanh phải có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ ý tưởng và tài chính tốt.
"Việt Nam cần tạo ra thị trường vốn chấp nhận cho những người sáng tạo, những người dám đầu tư rủi ro. Hơn nữa, cần đào tạo con người nông nghiệp 4.0 từ cán bộ nhà nước, doanh nghiệp, nông dân để cả hệ thống, hệ sinh thái phải sẵn sàng cho đổi mới", Thứ trưởng Tuấn nói.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, ứng dụng công nghệ cao tương đồng với doanh thu tăng lên. Lợi ích là vậy nhưng hiện nay mức độ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn vì thiếu vốn, không có cơ chế phù hợp.
TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: "Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc của nền nông nghiệp thông minh, ngược lại chúng ta phải tiếp cận nhanh song không vội chạy theo phong trào".
Ông này cho rằng, không thể ứng dụng công nghệ cao vào mọi khâu, mọi chuỗi của quá trình sản xuất. Càng không thể cái gì cũng đòi hỏi ứng dụng 4.0, ví dụ như công nghệ trồng rau sạch, giống hoa, thực phẩm sữa, chế biến thịt... chúng ta rất cần ứng dụng 4.0 vì có quá nhiều lợi thế.
Tuy nhiên, ông này cho rằng: Việt Nam vẫn còn khó khăn lớn bởi ngay cả DN, HTX và nông dân vẫn chưa sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao do trình độ năng lực còn hạn chế. Bên cạnh đó giá trị đầu tư công nghệ cần lượng vốn nhất định nhưng nông dân, HTX và doanh nghiệp đang rất khó khăn để tìm kiếm nguồn vốn này.
"Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng đến nay chỉ giải ngân được khá ít. Không tiếp cận được vốn, ở nhiều vùng nông thôn nhiều nông dân phải tìm tới nguồn tín dụng đen", ông Phạm S nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng giám đốc công ty TNHHH Đầu tư sản xuất Phát triển Nông nghiệp (VinEco): Đầu tư công nghệ cao thì cần vốn, nhưng bà con chưa được tiếp cận vì nhà kính, nhà lưới... không được thế chấp để vay vốn.
"Trong khi đó, ở Mỹ, nếu kế hoạch sản xuất khả thi, người nông dân có thể thế chấp để vay vốn", bà Thảo nói.
Bà này cho rằng dù là doanh nghiệp làm nông nghiệp thông minh có hệ thống và theo xu hướng bền vững, xanh, sạch và chọn lựa công nghệ cao. Tuy nhiên, họ cũng gặp khá nhiều khó khăn như mua công nghệ không khó, nhất là tổ chức sản xuất do biến đổi khí hậu.
"Tại Israel, người dân làm nhà kính ngay ở sa mạc để trồng rau, còn tại Việt Nam khí hậu thất thường thời gian qua khi nhiệt độ ngoài trời 40 độ C thì nhiệt độ nhà kính 45 thậm chí 50 độ C, ảnh hưởng rất nhiều đến canh tác của bà con", bà Thảo nói.
Hơn nữa, bà này cho rằng một trong những khó khăn của ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp là Việt Nam luôn bị động về công nghệ, kỹ thuật, giống, phân bón nên giá cao và ảnh hưởng kế hoạch sản xuất.
Theo Nguyễn Tuyền (dantri.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã