Về Văn Phú, mới đến đầu xã, hỏi nhà ông Nhung nuôi rắn thì ai cũng biết và chỉ đường nhiệt tình. Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, phóng viên Dân Việt đến được nhà ông Đinh Văn Nhung khá dễ dàng. Vừa đến tới cổng nhà, một người đàn ông lớn tuổi, nước da ngăm ngăm niềm nở ra đón tiếp và dẫn phóng viên Dân Việt đi thăm quan mô hình nuôi rắn ráo đen sinh sản.
Mới nói dăm ba câu chuyện, phóng viên Dân Việt ngỏ ý muốn xem vườn rắn, ông Nhung vui tính bảo: "Cứ bình tĩnh, đi đâu mà vội. Vô nhà uống chén nước trà nóng cái đã nào. Chốc ra vườn tôi đuổi bắt rắn cho mà xem...". Cứ tưởng một người nuôi rắn phải là "tạng" bí hiểm, kín tiếng, ai ngờ ông Nhung lại là người cởi mở và vui vẻ đến vậy.
Ông Đinh Văn Nhung đang kiểm tra tốc độ sinh trưởng của đàn rắn nhà mình.
Bên chén trà xanh nóng hôi hổi, ông Nhung kể về cái nghiệp nhà nông vất vả và cái duyên của mình khi đến với nghề nuôi rắn. Ông Nhung cho phóng viên Dân Việt biết, trước kia, gia đình cũng trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con…nhưng kinh tế cũng chỉ "tằng tằng" thế thôi, chứ chả có khá giả gì. Mấy bận có người rủ ông đi lên thành phố phụ hồ, xách vừa kiếm đồng công cao hơn, nhưng rồi ông cứ chần chờ, ngẫm ngợi. Tha phương làm ăn kiếm được đồng tiền cũng đâu có dễ, mà để ruộng vườn hoang hóa ở nhà thì sao cam lòng.
Rồi một tối, ông Nhung tình cờ bật xem ti vi lên thì trúng cái chương trình giới thiệu mô hình nuôi rắn ráo mang lại hiệu quả cao. Từ bữa đó, đầu óc ông cứ hiển hiện hình bóng loài bò sát đen đen, dài ngoẵng đó. Ông Nhung quyết định "khăn gói quả mướp" tìm đến những trang trại nuôi rắn lớn ở Tam Điệp (Ninh Bình) hay ở tỉnh Hà Nam để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.
Trong quá trình tìm hiểu, ông nhận thấy, rắn ráo đen khá dễ nuôi và phù hợp với điều kiện đất đai, vườn tược của gia đình. Đi khắp các trại rắn rồi ông Nhung về bàn với vợ con đầu tư 45 triệu đồng mua 60 con rắn giống về nuôi thử. Để đàn rắn không bò đi mất, ông bỏ tiền xây tường bao xung quanh một mảnh vườn để thả rắn vào trong.
Khu vườn nuôi rắn của ông Nhung xây tường rào xung quanh và bên trong được trồng nhiều cây cối cho rắn phát triển.
Dù mới đưa vào nuôi thử nhưng đàn rắn phát triển khá tốt và chỉ sau một năm, lứa rắn bắt đầu sinh sản và bắt đầu cho thu hoạch trứng. “Năm đầu tiên, mặc dù rắn đẻ khá nhiều trứng nhưng do kinh nghiệm còn thiếu nên năm đó tôi thu được rất ít, do tỷ lệ trứng bị hỏng nhiều” ông Nhung nhớ lại.
Sau hơn 4 năm lặn lội với nghề nuôi rắn, đến nay gia đình ông Nhung đang sở hữu hơn 70 con rắn ráo đen bố mẹ, có những con rất dài, nặng trên 3kg. Nhờ số rắn này, trung bình mỗi năm gia đình ông Nhung thu được hơn 500 quả trứng, được bán với giá khoảng 130 ngàn đồng/quả, sau khi trừ hết chi phí gia đình ông lãi hàng chục triệu đồng.
Từ ngày nhà ông Nhung nuôi loài rắn dài ngoẵng, dân địa phương rất hiếu kỳ. Thú vị nhất là lúc ông Nhung đi bắt rắn. Ông vào vườn lùa, đuổi, bắt rắn như đuổi gà, trông vừa vui mắt nhưng nhiều người lại rất sợ, có người bảo sởn cả da gà, dựng cả tóc gáy, thót cả tim mỗi khi thấy ông Nhung đuổi tóm được một con rắn dài với cái miệng ngoác ra rõ là to...
Nhờ nuôi hơn 70 con rắn bố mẹ mà mỗi năm gia đình ông Nhung thu được hơn 500 quả trứng rắn.
“Những năm trước giá trứng rắn rất cao, có những thời điểm lên đến gần 300 ngàn đồng/quả nhưng đến giờ giảm xuống còn có 130 ngàn đồng/quả. Tuy giá trứng giảm, nhưng nhìn chung là nuôi rắn sinh sản vẫn cho hiệu quả kinh tế rất cao, gấp nhiều lần so với các loại vật nuôi khác” ông Nhung tiết lộ với phóng viên Dân Việt.
Ông chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "Nếu như nuôi rắn trong chuồng thì phải cho ăn uống "phục dịch", còn nuôi rắn theo kiểu thả tự nhiên trong vườn như của tôi thì nhàn lắm. Chỉ cần chú ý đến tường rào sao cho rắn khỏi bò ra là được. Cứ thả cóc, nhái còn sống vô vườn...Rắn tự đi rình bắt cóc, nhái mình đã thả mà ăn dần. Khi nào thấy cóc, nhái trong vườn vãn vãn, gần hết thì tôi lại mua về thả thêm cho nó ăn. Nuôi rắn theo kiểu này vừa sạch sẽ mà con rắn nó phát triển rất tốt và không bị bệnh tật gì..."
Nhờ nuôi rắn lấy trứng mà gia đình ông Nhung có thu nhập khá.
Cũng theo ông Nhung, rắn ráo đen nuôi khoảng 1 năm là bắt đầu sinh sản. Thời gian rắn sinh sản bắt đầu từ đầu tháng 4 cho đến hết tháng 7. Trong quãng thời gian này, rắn đẻ trứng khoảng 3 lứa, mỗi lứa trung bình khoảng hơn 10 quả trứng. Nhiệt độ cứ trên 15 độ C là rắn ăn mồi, còn nếu dưới mức đó là rắn không ăn.
Nói thêm về kỹ thuật nuôi rắn sinh sản, kinh nghiệm nuôi rắn theo kiểu thả vườn, ông Nhung cho biết, về tỉ lệ đực-cái khi nuôi sinh sản là 1 đực và 5 cái. Trong vườn nuôi phải tạo cảnh quan sao cho nó giống với ngoài tự nhiên nên phải trồng cây, làm hầm cho rắn trú ngụ. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra tường rào và phát quang cây cối cạnh tường rào, nhằm tránh rắn bò ra ngoài gây thất thoát.
Bên trong khu vườn được ông Nhung xây nhiều hầm nhỏ cho đàn rắn trú ngụ trong đó.
“Nhà tôi có 70 con rắn bố mẹ thì mỗi năm tiền mua cóc, nhái làm thức ăn cho rắn hết khoảng hơn 10 triệu đồng. Cứ mua về thả vào trong vườn cho rắn tự bắt ăn dần, chẳng mất công chăm sóc gì cả. Nuôi theo cách này vừa nhàn mà mỗi năm lại có thêm hơn 50 triệu đồng từ bán trứng rắn, nếu bán cả rắn thịt đi nữa thì thu về hàng trăm triệu đồng” ông Nhung cho hay
Thấy được hiệu quả từ mô hình của gia đình ông Đinh Văn Nhung, nhiều gia đình trong và ngoài xã đã tới học hỏi kinh nghiệm để nuôi. Đến nay, nghề nuôi rắn ráo đen đã được nhân rộng ra nhiều nơi của tỉnh Ninh Bình và góp phần tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã