Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết:
Năm 2012, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước là 657.523ha, sản lượng thu hoạch 476.424 tấn. So với năm 2011, diện tích tăng 0,2% nhưng sản lượng giảm 3,9%. Năm vừa qua, cả nước có 100.766ha tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh, trong đó có 91.174ha tôm sú và 7.068ha tôm thẻ châm trắng, chủ yếu do bị hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS)…
Điều này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị xuất khẩu tôm. Ước tính giá trị thiệt hại do dịch bệnh trên tôm trong năm qua lên tới 4.000 tỷ đồng. Mặc dù ngành thủy sản đã rất nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh song vẫn không thể ngăn chặn được hội chứng AHPNS vì chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và biện pháp kiểm soát dịch bệnh này.
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, kéo dài, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định việc tìm nguyên nhân gây bệnh và giải pháp phòng trị là nhiệm vụ cấp bách.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, đến nay Tổng cục Thủy sản mới công bố nguyên nhân gây bệnh trên tôm. Vì sao lại chậm trễ như vậy, kết quả xác định căn nguyên của hội chứng AHPNS như thế nào, thưa ông?
Khi dịch bệnh xảy ra nhiều trên tôm, các địa phương, các chuyên gia đưa ra nhiều nguyên nhân, nào là do môi trường ao nuôi ô nhiễm, do nước quá mặn, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, rồi do giống, thức ăn kém chất lượng, rồi do vi khuẩn, vi-rút, người lại bảo do tảo độc…
Ban đầu, khi lấy mẫu nước, tôm chết ở các ao nuôi đều phát hiện các yếu tố này. Để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, chúng tôi phải làm rất kỳ công, phải thiết lập bản đồ dịch tễ, đánh giá vai trò tác động của cả những yếu tố vô sinh (nhiệt độ, độ mặn, amoniac, H2S, NO2, thuốc bảo vệ thực vật) và các yếu tố hữu sinh (tảo độc, vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng và bacteriophage). Chúng tôi nghiên cứu cả những tác động của chế phẩm sinh học, thức ăn dùng trong nuôi tôm dẫn đến hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm.
Kết quả nghiên cứu đến nay đã xác định vi khuẩn Vibrio cùng với Phage là tác nhân trực tiếp gây hoại tử gan tụy ở tôm nuôi. Qua kiểm tra phát hiện phần lớn tôm giống khi cung cấp ra thị trường đã nhiễm vi khuẩn Vibrio với tỷ lệ khá cao, nhiều tôm giống đã có dấu hiệu bất thường ở gan tụy nên mới chết sớm trong ao nuôi. Chúng tôi cũng phát hiện nhiều chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất giống, nuôi tôm đã bị nhiễm vi khuẩn thuộc giống Vibrio với mật độ cao. Đây chính là 2 nguồn lan truyền vi khuẩn Vibrio ra các ao nuôi tôm.
Tìm được nguyên nhân rồi, Tổng cục Thủy sản đưa ra những giải pháp nào để phòng chống dịch bệnh AHPNS?
Với các cơ sở sản xuất tôm giống, cần chọn giống sạch bệnh, được kiểm dịch, không mang các tác nhân gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, MBV, nhiễm khuẩn Vibrio.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, thời gian tới chúng tôi sẽ chỉ đạo tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm đang lưu hành trên thị trường, nghiêm cấm sản xuất kinh doanh các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng.
Tổng cục sẽ đưa Vibrio là đối tượng dịch hại cần kiểm soát trong chất lượng tôm giống; sẽ kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống, không cho lưu thông tôm giống có mầm bệnh này. Việc nhập khẩu tôm bố mẹ, ngoài yêu cầu sạch bệnh, cần đánh giá xuất xứ chất lượng sản xuất đàn bố mẹ từ nơi cung cấp trước khi cho nhập khẩu.
Ngoài dịch bệnh thì vấn đề Ethoxyquiyn cũng là rào cản khi xuất khẩu tôm vào Nhật Bản. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Nhật Bản quy định các sản phẩm tôm nhập vào nước này đòi hỏi dư lượng Ethoxyquyn không được cao hơn 10 phần tỷ, đây là ngưỡng quá thấp so với các quy định của các thị trường khác như Hoa Kỳ, châu Âu. Ngoài việc chúng ta kiên trì làm việc với phía Nhật Bản đề nghị họ thay đổi ngưỡng Ethoxyquin trong quy định, chúng ta cũng đang nghiên cứu những giải pháp giúp người nuôi tôm giảm dư lượng Ethoxyquin trong tôm xuống mức cho phép.
Ethoxyquin là chất bảo quản trong thức ăn nên chúng ta khuyến cáo các nhà sản xuất thức ăn nên đưa hàm lượng Ethoxyquin ở mức nào đó thích hợp, đồng thời khuyến cáo người nuôi tôm sử dụng thức ăn qua từng giai đoạn như thế nào để đến khi thu hoạch thì hàm lượng Ethoxyquin trong tôm là thấp nhất.
Ông nhận định thế nào về triển vọng xuất khẩu tôm trong năm 2013?
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 2,25 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu 2,4 tỷ USD. Hội chứng tôm chết sớm (EMS) và dịch bệnh tại nhiều vùng nuôi tôm chính trên cả nước vẫn chưa được đẩy lùi, rào cản dư lượng Ethoxyquin tại Nhật Bản chưa được tháo gỡ sẽ tiếp tục là những trở ngại mà ngành tôm sẽ phải đối phó trong năm 2013.
Khi dịch bệnh chưa được đẩy lùi, nguồn tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, còn có thêm một vấn đề lo ngại khác là hiện nay nhiều thương lái âm thầm thu gom tôm nguyên liệu để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tình trạng này chắc chắn sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, khiến tình trạng thiếu tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long càng căng thẳng hơn.
Bên cạnh đó, thêm một thách thức nữa cho xuất khẩu tôm nước ta chính là việc ngày càng mất thế cạnh tranh so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Ấn Độ… bởi giá thành sản xuất quá cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp, chỉ đạt 30 - 40%.
Nếu khống chế được dịch bệnh, tìm được chất thay thế Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi, đồng thời có biện pháp ngăn chặn nạn thương lái xuất tôm sang Trung Quốc… thì chúng ta mới có hy vọng nâng kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2013 lên 2,4 tỷ USD. Nếu không giải quyết được những thách thức này thì xuất khẩu tôm năm nay sẽ tiếp tục sụt giảm, có thể chỉ còn 2 tỷ USD.
Xin cảm ơn ông!
Chu Khôi (thực hiện)
(kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã