Quảng cáo nổ tung trời!
Như NNVN đã thông tin trong loạt bài "Nhập nhằng phân, thuốc" (xem NNVN ngày 28- 30/7/2014), Cty Lúa Vàng đã cố tình nhập nhèm khi đưa ra thị trường bộ sản phẩm gọi là “giải pháp 9 trong 1”.
Thực chất bộ sản phẩm này chỉ là 3 sản phẩm riêng lẻ gồm: Curegold 375SC, Physan 20SC (thuốc trị bệnh) và Algacomplex (phân bón lá) được Cty đưa vào chung một túi rồi “quảng cáo nổ” là sản phẩm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam có đặc tính “vừa trừ nấm bệnh, vừa trị vi khuẩn, vừa là thuốc kích thích sinh trưởng”.
Trong cuốn cẩm nang sử dụng thuốc BVTV - “Hành trình cây lúa khỏe” do Cty Lúa Vàng ban hành và phát cho nông dân, bộ sản phẩm “9 trong 1” được giới thiệu là thuốc trừ bệnh thế hệ mới, mang lại nhiều tiện ích cho nông dân như: Giảm chi phí đầu vào nhờ đặc trị 6 bệnh – 3 dưỡng không cần mua nhiều loại thuốc cộng lại (thực tế nông dân đã phải mua tới 3 loại thuốc của Cty); tăng thu nhập nhờ giúp tăng năng suất so với chỉ dùng sản phẩm đơn?!
Cũng trong cuốn cẩm nang này, Cty Lúa Vàng còn “nổ như pháo” khi giới thiệu sản phẩm ComCat 150WP (chất điều hòa sinh trưởng do Cty này sản xuất và phân phối) có tác dụng ức chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, giúp lúa phục hồi sau khi bị bệnh, tăng nhiều bông, tăng năng suất có ý nghĩa (?).
Rõ ràng, đây chỉ là sự nhập nhèm, “lách luật” của Cty khi cố tình đưa những sản phẩm không được phép đăng ký chung vào cùng 1 túi và giới thiệu đó là sản phẩm thế hệ mới để đánh lừa nông dân, ép họ phải mua cùng lúc nhiều sản phẩm thay vì mua từng sản phẩm riêng lẻ theo nhu cầu.
Việc làm này chỉ mang tính chất thương mại bán hàng, chứ chẳng có ý nghĩa gì về mặt khoa học, vì thành phần của từng sản phẩm không hề có sự thay đổi.
Thế nhưng, trả lời trên báo chí, ông Hà Trí Tâm, GĐ Ngành hàng Cty Lúa Vàng lại biện minh rằng: “Việc đưa các sản phẩm riêng lẻ vào 1 túi “giải pháp 9 trong 1” là xuất phát từ yêu cầu của nông dân, để nhà nông thuận tiện trong việc sử dụng”. Và ông giải thích thêm: “Đây là túi đựng các sản phẩm, chứ không phải là 1 sản phẩm mới và đăng ký mới”.
Ông Tâm còn khẳng định: “Khi tiến hành việc đưa các sản phẩm này vào trong 1 túi để lưu hành, Cty đều có xin qua ý kiến và được sự cho phép của Cục BVTV (công văn số 1987/BVTV - Ttra ngày 9/12/2011 và CV số 2427/BVTV – Ttra ngày 9/12/2013)”.
Theo tìm hiểu, cả 2 công văn này đều do Phó Cục trưởng Cục BVTV Bùi Sĩ Doanh ký ban hành và đều có nội dung phúc đáp công văn của Cty Lúa Vàng xin hội thảo trình diễn, khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV đối với một số sản phẩm của Cty. Hoàn toàn không có nội dung nào nói về việc đồng ý cho Cty Lúa Vàng đưa các sản phẩm riêng lẻ vào trong 1 túi “giải pháp 9 trong 1” để bán ra thị trường.
Nông dân… dính miểng
Tin vào những lời “có cánh”, rất nhiều nông dân ở ĐBSCL đã bị “dính miểng”.
Tại Kiên Giang, đã có hàng chục nông dân bị thiệt hại, trong đó có cả “nông dân trình diễn” của Cty Lúa Vàng. Vụ ĐX 2013-2014, ruộng lúa 2,6 ha của ông Trần Văn Thắng, ở ấp Hòa Hiệp, xã Hòa Lợi, Giồng Riềng, Kiên Giang sử dụng bộ sản phẩm “9 trong 1” để phòng trừ bệnh đạo ôn nhưng không hiệu quả, gây thiệt hại lớn đến năng suất.
Tỷ lệ lúa bị gãy cổ bông khoảng 40-50%, tỷ lệ bông lúa bị lem lép hạt khoảng 70%. Kết luận của Chi cục BVTV Kiên Giang cho rằng, “ông Thắng đã phun đúng thuốc đặc trị bệnh đạo ôn. Tuy nhiên, chủ ruộng không áp dụng đúng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV, nên hiệu quả kém trong phòng trừ các dịch hại trên.
Chất điều hòa sinh trưởng ComCat 150WP được Cty Lúa Vàng “quảng cáo nổ” là có tác dụng ức chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, giúp lúa phục hồi sau khi bị bệnh
Ruộng lúa xuất hiện bệnh đạo ôn, thay vì chủ ruộng phải ngưng bón phân đạm nhưng chủ ruộng lại sử dụng phân bón lá Nano Alga Complex (một sản phẩm trong bộ “9 trong 1”, có chứa chất đạm) nên kích thích bệnh nặng thêm”.
Có lẽ do Cty đã đưa 3 sản phẩm này vào trong 1 túi để nông dân tiện mua và ông Thắng đã mua về và nhân tiện mang ra ruộng xịt luôn nên mới bị thiệt hại. Vì vậy, ông phải tự lãnh lấy hậu quả chứ Cty không bồi thường!
Không chỉ có huyện Giồng Riềng, một số nông dân ở Hòn Đất (Kiên Giang) sử dụng bộ sản phẩm “9 trong 1” cũng bị thiệt hại tương tự. Còn tại tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay đã có 4 hộ nông dân gửi đơn đến Chi cục BVTV tỉnh phản ánh sử dụng sản phẩm của Cty Lúa Vàng không hiệu quả, làm giảm năng suất.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục BVTV Hậu Giang, cho biết: “Cả 4 đơn của nông dân gửi đều phản ánh việc sử dụng bộ sản phẩm “9 trong 1” của Cty Lúa Vàng làm lúa bị thất thu”.
Tuy nhiên, do 2 hộ đã thu hoạch rồi thấy lúa năng suất kém mới gửi đơn nên không thể xác minh. Còn 2 hộ Chi cục và đại diện Cty Lúa Vàng có xuống xác minh, tìm nguyên nhân. Trong đó, hộ ông Huỳnh Văn Lil, ở thị trấn Kinh Cùng, Phụng Hiệp, Hậu Giang, lúa bị bệnh gãy cổ bông, thiệt hại khoảng 25%.
Do nông dân đã sử dụng hết thuốc, nên Chi cục lấy mẫu cùng lô, cùng ngày sản xuất tại đại lý Hồng Thắm (đại lý ông Lil mua thuốc) để đưa đi xét nghiệm. Kết quả kiểm định cho thấy 2 loại thuốc Curegold 375SC và Physan 20SC của Cty Lúa Vàng đạt chất lượng như công bố trên bao bì. “Từ kết quả này, Chi cục chỉ đứng ra làm trung gian hòa giải, để hai bên tự thương lượng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Trong các tỉnh thì Vĩnh Long là địa phương có nhiều nông dân gửi đơn khiếu nại nhất, đòi Cty Lúa Vàng bồi thường thiệt hại. Do trước khi vào vụ lúa ĐX 2013-2014, Cty này tổ chức hội thảo tại xã Hiếu Thành (huyện Vũng Liêm), có rất đông nông dân đến dự và mua sản phẩm.
Hội thảo được tổ chức tại nhà văn hóa xã, có khá đông nông dân Vĩnh Long và Trà Vinh tham dự. Ngày hôm đó, đơn vị tổ chức có mời cán bộ của Trường ĐH Cần Thơ đến thuyết giảng về hiệu quả của việc sử dụng một số sản phẩm BVTV do Cty sản xuất; đồng thời khuyến cáo nông dân chỉ cần sử dụng một bộ sản phẩm của DN này là đủ và chắc chắn sẽ đạt năng suất cao nhất.
Nghe vậy, nhiều nông dân rất khoái và móc tiền ra mua bộ sản phẩm “9 trong 1”, gồm 2 chai CureGold 200 ml; Physan 200 ml và chai Nano AlgaComplex. Thế nhưng, khi lúa được 75 ngày tuổi, phát hiện dịch bệnh, họ mang thuốc ra phun không hết mà còn phát triển nặng thêm.
Bức xúc, nhiều hộ nông dân đã đến UBND xã gửi đơn đề nghị chính quyền can thiệp. Sau đó, đại diện Cty Lúa Vàng, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện và xã tổ chức thăm đồng, lập biên bản hiện trạng, niêm phong những chai thuốc… Ghi nhận tại đồng ruộng của một số hộ dân, lúa bị thiệt hại từ 20 - 60%.
“Tác hại kép” Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó GĐ Sở NN-PTNT, kiêm chi Cục trưởng Chi cục BVTV Cần Thơ nói: "Sản phẩm “9 trong 1” của Cty Lúa Vàng giới thiệu vừa là thuốc trị bệnh vừa là thuốc dưỡng là sai với quy định đăng ký của Cục Trồng trọt. Thông thường sản phẩm muốn lưu hành ra ngoài thị trường chỉ được đăng ký đúng một chức năng là phân hay thuốc BVTV, chứ không có chuyện nhiều thứ gộp lại thành một để phun". Theo bà Kiều, không hiểu vì lý do gì sản phẩm này lại được bày bán trên thị trường trong một thời gian dài, phía ngành chức năng của TP Cần Thơ cũng chưa nhận được văn bản hay giấy đăng ký được phép lưu hành sản phẩm “9 trong 1” của Cty Lúa Vàng. "Chúng tôi luôn khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học cho cây trồng, mà áp dụng các biện pháp KH-KT như IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và cả vận dụng các biện pháp sinh học để khống chế bệnh trên cây trồng. Chỉ khi dịch bệnh tấn công quá nặng, biện pháp cuối cùng mới sử dụng thuốc BVTV. Ngược lại Cty lại khuyến cáo mua cả bộ về sử dụng, phun xịt đề phòng ngừa, như vậy sẽ làm tăng chi phí nông dân, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Phun quá nhiều còn làm cho cây trồng bị ngộ độc, mất đi sự đề kháng, làm giảm năng suất… Như vậy là gây tác hại kép cho nông dân", vẫn theo bà Kiều. BẢO YẾN |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã