Học tập đạo đức HCM

Tôm chết hàng loạt, người nuôi lao đao

Thứ ba - 09/10/2012 22:47
Dịch bệnh lan tràn, giá thành sản xuất cao nhưng giá xuất khẩu giảm, nguyên liệu thiếu... khiến cả người nuôi tôm lẫn các doanh nghiệp chế biến đều rơi vào tình cảnh dở khóc dở mếu.

Ông Tăng Duôl chuẩn bị chuyển sang nuôi cá kèo sau khi lứa tôm mới thả bị chết sạch.

Xuất hiện từ năm 2010, đến nay dịch tôm đã lan rộng khắp các vùng nuôi tôm cả nước nhưng nông dân vẫn cứ tự cứu, còn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bình chân như vại.

Dịch tôm lan rộng

Nơi có diện tích tôm chết nhiều nhất ở tỉnh Sóc Trăng là thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Tại khu vực khóm Bưng Tum, P.Khánh Hòa (thị xã Vĩnh Châu), ngày 9-10 ông Tăng Diên dẫn khách đi xem hai ao tôm nhà ông, trong đó một ao phơi đáy và ao còn lại chỉ có nước chứ không còn tôm do vừa bị chết. Theo ông Diên, trong hai ao tôm thì một ao thu được... 3 triệu đồng, ao còn lại khá hơn với 200kg tôm thẻ chân trắng nhưng cũng lỗ đến 15 triệu đồng.

Từ năm 2010 đến nay, lần nuôi nào tôm cũng chết nên tổng cộng số tiền ông Diên lỗ đến nay khoảng 400 triệu đồng. Một hộ khác ở khóm Bưng Tum là ông Tăng Duôl vừa thả 5 triệu con tôm giống thẻ chân trắng ở 13 đầm tôm nhưng sau đó tôm cũng chết sạch. Hiện ông Tăng Duôl bắt đầu “thử nghiệm” nuôi cá kèo ở một trong những đầm tôm này. Theo ông Cao Sạn, trưởng khóm Kênh Mới Sóc (P.Khánh Hòa), toàn khóm có 177 hộ dân nuôi tôm thì... 150 hộ có tôm bị chết, số còn lại mới thả nuôi nên chưa biết số phận sẽ như thế nào.

Ông Võ Văn Bé - phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng - cho biết chưa bao giờ vùng nuôi thâm canh của huyện Trần Đề bị thất bại như năm nay, khoảng 90% trong số 3.000ha diện tích nuôi thâm canh của vùng bị thiệt hại. Không riêng gì khu vực ĐBSCL, thời gian qua dịch tôm chết sớm còn lan rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Ông Nguyễn Văn Dương, giám đốc Công ty thủy sản Hải Dương (Bình Thuận), cho biết trong năm 2011, lần đầu tiên sau 10 năm nuôi tôm, công ty này không đạt kế hoạch kinh doanh, 100 ao nuôi tôm “thả xuống là chết” với tổng thiệt hại lên đến 14 tỉ đồng. “Đã bước sang năm thứ ba tôm bị dịch bệnh với quy mô ngày càng lớn nhưng Bộ NN&PTNT vẫn chưa đưa ra được phác đồ trị bệnh để người nuôi tôm áp dụng” - ông Dương bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Hảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, dịch bệnh tôm chết sớm (còn gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính) chủ yếu diễn ra ở vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô rộng lớn nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Dịch bệnh này bắt đầu từ năm 2010 ở quy mô hẹp, rồi lan ra khu vực ĐBSCL (chủ yếu là Sóc Trăng và Bạc Liêu), đến năm 2012 tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc cũng xuất hiện bệnh dịch này.

Người nuôi phải tự cứu mình

Dịch bệnh trên diện rộng làm giảm sút nghiêm trọng lượng tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), có đến 70% các nhà máy chế biến tôm của VN đang trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. “Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu không chỉ xảy ra ở vài nhà máy nữa mà lan ra cả vùng ĐBSCL” - ông Trần Thiện Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Minh Hải, kiêm chủ tịch VASEP, cho biết.

Để có công việc cho công nhân, nhiều nhà máy đã phải nhập khẩu tôm nguyên liệu giá rẻ hơn từ Ấn Độ, Ecuador... về để chế biến nhưng vẫn không cứu được ngành tôm khỏi suy thoái. Còn ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam - cho rằng do tôm nguyên liệu thiếu trầm trọng nên doanh nghiệp phải xoay xở đủ kiểu để có hàng cho công nhân sản xuất. Hiện nay nhiều nông dân đang treo ao nên tình trạng này còn kéo dài đến năm 2013.

Theo một số chuyên gia, bệnh tôm chết được phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc, sau đó xuất hiện ở VN, Thái Lan và Malaysia nhưng VN và Trung Quốc là những nước bị thiệt hại nặng nề nhất. Hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa có kết luận cuối cùng mà chỉ có chung một nhận định: dịch bệnh này bắt nguồn từ tác động của độc chất làm mất chức năng của cơ quan gan tụy, sau đó lây lan trên diện rộng, đặc biệt là ở những vùng nuôi có môi trường không đảm bảo, quy trình quản lý chất lượng không tốt.

Ông Nguyễn Văn Hảo khuyến cáo người nuôi tôm nên chuẩn bị tốt môi trường ao nuôi, tiệt trùng nguồn nước đầu vào trong ao lắng hoặc ao nuôi trước khi thả tôm, thả giống khỏe mạnh từ các trại giống có uy tín và chất lượng, chú ý kiểm tra tình trạng gan tụy của tôm giống. Các hộ nuôi tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật và hết sức chú ý trong việc sử dụng chế phẩm vi sinh, sử dụng đúng cách và chọn sản phẩm có uy tín và chất lượng.

Xuất khẩu tôm giảm

Theo VASEP, tính đến ngày 15-9, xuất khẩu tôm của VN đạt 1,5 tỉ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong các thị trường xuất khẩu chính, ngoại trừ Nhật Bản có mức tăng trưởng gần 12%, các thị trường khác đều có mức giảm khá mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ giảm 17%, EU giảm 25%, Canada giảm 10%...

Theo ông Trần Thiện Hải, nếu không tính lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu về chế biến và tái xuất thì giá trị xuất khẩu tôm của VN còn giảm nhiều hơn, có thể tới 10%. Do đó, kế hoạch xuất khẩu của năm 2012 đề ra đầu năm sẽ khó đạt được.

 

Nguồn: TTO


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập272
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm269
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại822,364
  • Tổng lượt truy cập90,885,757
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây