Và rồi đến một ngày, cây dược liệu vốn không xa lạ ở mảnh đất Quản Bạ lại tới với anh như một cơ duyên. Cây dược liệu không chỉ giúp Vàng Thìn Nghì phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp anh trở thành tỷ phú ở vùng biên viễn - Cổng trời Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng
Những lao động đang chăm sóc cây đương quy mới trồng. Ảnh: N.K
Thành công từ mô hình trồng dược liệu của Vàng Thìn Nghì đã góp phần “đánh thức” tiềm năng vốn có của mảnh đất Cổng trời Quản Bạ về cây dược liệu. Chính vì vậy, cây dược liệu được huyện Quản Bạ và cả tỉnh Hà Giang lựa chọn là một loại cây trồng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong sản phẩm chính giúp người dân nơi cực Bắc Tổ quốc phát triển kinh tế, nhằm góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới thành công. |
Hành trình từ hai bàn tay trắng đến khi trở thành tỷ phú đối với Vàng Thìn Nghì cũng giống bao người khác, đầy những nhọc nhằn, vất vả, gian nan. Vàng Thìn Nghì từng đi làm thuê, rồi làm ở Trung tâm Giống Phó Bảng (Hà Giang).
Sinh năm 1979 trong một gia đình nông dân ở thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Năm 2000, khi Viện Dược liệu đưa giống đương quy lên Trung tâm Giống Phó Bảng, trồng tại Hà Giang, lúc đó Vàng Thìn Nghì đang có chân bảo vệ ở trung tâm. Tò mò, Nghì mày mò, tìm cách học hỏi để trồng cây thuốc (cây dược liệu).
Anh xin nghỉ việc tại Trung tâm Giống và bắt đầu trồng cây thuốc thử nghiệm. Nhưng trồng cây thuốc, đặc biệt là trồng để làm kinh tế hẳn không phải dễ dàng dù rằng với một số cây thuốc như: Thảo quả, hương thảo, giảo cổ lam, sâm đá, xuyên khung... vốn chẳng phải là thứ xa lạ với người dân nơi Cổng trời Quản Bạ. Cây dược liệu với người dân khi ấy chỉ là thứ thuốc vườn nhà, chưa mấy ai nghĩ đến thương mại, đặc biệt trồng và làm giàu từ cây thuốc. Với Vàng Thìn Nghì thì khác. Tích cóp được ít tiền từ những ngày đi làm thuê, vay mượn thêm anh em họ hàng và bạn bè… Nghì đầu tư trồng rau trái vụ, trồng dược liệu, nuôi lợn đen (giống lợn địa phương). Từ mô hình này, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Vàng Thìn Nghì bên ruộng đương quy. Ảnh: N.K
Vàng Thìn Nghì nhớ lại: Cây dược liệu có rất nhiều loại, nhưng anh chỉ trồng đương quy Nhật và đan sâm. Để tiêu thụ sản phẩm một cách căn cơ, bài bản, anh ký hợp đồng với Công ty Anvy Hà Giang đầu tư trồng đương quy và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm dược liệu của anh còn được tiêu thụ tại Hà Nội, Bắc Ninh, thậm chí anh còn bán hàng qua mạng. Vàng Thìn Nghì kể: “Có những khách hàng gọi điện đặt hàng, đặt hàng cả trên facebook, chuyển tiền cho tôi, sau đó tôi gửi hàng cho họ. Mua bán qua mạng kể cũng tiện thật, mình nhiều khi chẳng biết mặt khách hàng là ai”.
“Vậy chất lượng sản phẩm thì sao?” - tôi hỏi. “Phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng mới bán hàng được lâu dài chứ” - Nghì khẳng định giọng chắc nịch như dao chém đá không chút đắn đo.
Mấy năm trở đây, triển vọng và nhu cầu thị trường về cây dược liệu trong nước còn rất lớn, Vàng Thìn Nghì quyết định đầu tư mở rộng sản xuất. Năm 2015, anh vay 1,5 tỷ đồng từ ngân hàng, thuê 10ha đất để mở rộng sản xuất, tổng diện tích trồng dược liệu của gia đình anh hiện khoảng 15ha (10ha đương quy, 2ha gừng, còn lại là cây dược liệu khác).
Với mỗi gia đình cho thuê đất, tiền thuê được trả 25 triệu đồng/ha (trồng ngô thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha). Những gia đình cho Vàng Thìn Nghì thuê đất sẽ được ưu tiên bố trí việc làm, ngoài ra anh còn sử dụng thêm lao động khác. Anh cho biết thêm, trồng cây dược liệu cho thu nhập cao gấp từ 5-10 lần so với cây trồng khác. Cũng từ cây dược liệu đã giúp Nghì trở thành tỷ phú ở Cổng trời Quản Bạ.
Và không chỉ làm giàu cho gia đình, Vàng Thìn Nghì còn tạo việc làm cho một số nông dân tại địa phương. Mỗi lao động được anh trả 120.000 đồng/ngày. Hiện nay mô hình trồng cây dược liệu của gia đình anh luôn thu hút duy trì từ 25-28 lao động ngay tại địa phương với mức lương từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Giấc mơ chế biến dược liệu
Để chủ động sản xuất, đồng thời hạ giá thành sản xuất, Vàng Thìn Nghì quyết tâm mày mò nghiên cứu cách nhân giống các loại cây dược liệu. Mục tiêu đến năm 2018, anh sẽ nhân giống 5 loại cây dược liệu: Xuyên khung, bạch chỉ, tục đoạn, cát cánh, đương quy. Năm 2018, giai đoạn anh sẽ tiến hành sơ chế, thậm chí bào chế nhằm gia tăng giá trị. Nhằm hiện thực hóa khát vọng, mong muốn xây dựng và phát triển bền vững cây dược liệu, khai thác giá trị gia tăng mang lại hiệu quả kinh tế hơn, Vàng Thìn Nghì đã quyết định thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty CP Phát triển công nghệ Hà Giang.
Không chỉ làm giàu cho mình, Vàng Thìn Nghì còn vận động và trực tiếp giúp đỡ cho 3 hộ gia đình làm theo cũng trồng dược liệu, mỗi gia đình trồng 1ha. Để giúp các hộ gia đình này có động lực tham gia trồng dược liệu, Nghì giúp họ từ giống đến kỹ thuật đồng thời cả bao tiêu thu mua sản phẩm.
Anh Nghì chia sẻ: “Định hướng phát triển, tôi sẽ tiếp tục giúp thêm một số hộ trong thôn và 3 hộ gia đình này trồng và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, sau đó thu mua lại sản phẩm của họ. Tôi cũng mong chính quyền địa phương hỗ trợ xây vườn ươm giống; tạo điều kiện cho tôi mở rộng diện tích trồng cây”.
Vàng Thìn Nghì tâm sự thêm: “Hiện tôi đã tiến hành gieo thử nghiệm 5 giống cây dược liệu: Xuyên khung, bạch chỉ, tục đoạn, cát cánh, hoàng cầm thu được kết quả tốt”. Dự kiến, năm 2018, Vàng Thìn Nghì sẽ tiến hành việc nhân giống 5 loại dược liệu này. Phải làm chủ ngay từ khâu giống mới chủ động được sản xuất. Còn muốn cây dược liệu đem lại giá trị kinh tế nữa phải sơ chế, chế biến phải.
Theo Nguyễn Kiểm (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã