Vườn tùng la hán nằm dưới chân cầu Nhật Tân (đường Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội) có giá trị hàng trăm tỷ đồng được ví như “kho báu xanh” trong lòng Hà Nội.
Tùng la hán mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây, thân cây to lớn với đường kính khoảng gần 1m, chiều cao trung bình từ 2,5 – 5m rất phù hợp với các khu biệt thự nhà vườn, khu đô thị cao cấp. Nói đến tùng là nói đến sự hiên ngang, trường tồn, bất khuất. Chính vẻ đẹp khí phách và ý nghĩa phong thủy, linh khí tốt, xua đuổi điềm xấu là điểm khiến loại cây này được các gia đình giàu có ưa chuộng dù mức giá rất đắt đỏ.
Theo như thông tin chia sẻ của các nghệ nhân tại vườn, những cây tùng la hán tại đây được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản theo đường biển về Việt Nam cách đây 05 năm và có giá trị rất cao lên đến hàng trăm triệu đồng, riêng những cây cổ thụ lâu năm còn định giá lên tới cả 14 – 17 tỷ đồng.
Cây tùng la hán cao tới 4,5m, đường kính gốc 80cm được các nghệ nhân định giá 17 tỷ đồng. Giá trị này được lý giải dựa trên cơ sở về độ tuổi và độ cầu kỳ khi phải chăm sóc cây của các nghệ nhân Nhật Bản
Được biết chủ sở hữu khu vườn tùng la hán giá trị bậc nhất Việt Nam này là một đại gia Hà Thành tên Kiên có tiếng trong nhiều lĩnh vực. Với niềm đam mê vô hạn về cây cảnh nghệ thuật và nhận thấy đây là một loại cây thuộc hàng hiếm, độc đáo nhưng hiểu bản chất cây lại chậm lớn, một cây nuôi khoảng trăm năm ở môi trường Việt nam chỉ bằng cổ tay, cổ chân nên anh đã cùng với các người anh em thân thiết cùng chung niềm đam mê tùng la hán quyết tâm mang giống cây đẹp từ Nhật Bản xa xôi về Việt Nam.
"Đặc điểm của cây tùng là phong thủy rất tốt, sinh khí nhiều, quanh năm không bỏ lá như những loại cây bản địa nên được nhiều người đón nhận", người quản lý vườn tùng chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là vườn tùng la hán duy nhất có quy mô lớn, giá trị cao, được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản có mặt tại Việt Nam, điều này cũng khiến giới cây cảnh ngưỡng mộ về tiềm lực và sức ảnh hưởng của anh Kiên.
Người Nhật Bản thích cây để tự nhiên hơn là uốn nắn nên những cây tùng la hán tại vườn đều có dáng tự nhiên. Theo các nghệ nhân chăm sóc vườn cảnh, tuy đặc điểm khí hậu của Việt Nam khác Nhật Bản, song đây là loại cây có sức sống tốt, dễ thích nghi thời tiết nên công đoạn chăm sóc không quá cầu kỳ. Khi cây về Việt Nam, những nghệ nhân người Nhật đã tận tình sang tận nơi, hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn.
Cây tùng la hán Nhật Bản có đặc điểm thân to lớn hơn tùng Việt Nam, đường kính cây lên tới 1m, tuổi đời có cây lên đến gần 800 năm. Do đó, giá trị của các cây tùng la hán này khi về đến Việt Nam là rất lớn, nhiều cây có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Theo như chia sẻ của người quản lý vườn tùng, người Nhật rất yêu cây, đặc biệt là với các cây tùng có tuổi đời hàng trăm năm được coi như là bảo vật của dòng họ nên việc thương thảo, thuyết phục họ bán là vô cùng khó khăn. Do đó chủ vườn cùng các nghệ nhân phải cam kết giữ nguyên hiện trạng của cây theo phong cách bonsai Nhật mới nhận được lời chấp thuận của người Nhật. Do đó, hầu hết các cây trong khu vườn rộng hàng nghìn mét vuông được giữ gần như nguyên bản.
Theo Sơn Trang (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã