Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) vừa công bố báo cáo khuyến cáo người dân ăn côn trùng để giúp tăng dinh dưỡng, giải quyết nạn đói, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cũng cần cẩn trọng khi sử dụng nguồn thực phẩm này.
Không lo mất cân bằng sinh thái
Theo FAO, ăn côn trùng ngoài việc đem lại giá trị dinh dưỡng, còn góp phần tốt hơn cho môi trường, bởi côn trùng ít tạo ra khí nhà kính có hại cho môi trường hơn so với các gia súc khác. Ngoài ra, côn trùng có ở khắp mọi nơi và chúng sinh sôi rất nhanh chóng.
Châu chấu, kiến... là các loại côn trùng mà FAO khuyến cáo nên ăn để chống đói. |
GS-TSKH Vũ Quang Côn - Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, côn trùng được coi là một loại thức ăn giàu dinh dưỡng do chứa nhiều protein, chất béo và chất khoáng. Theo GS Côn, côn trùng bên cạnh là thực phẩm quý, còn là nguồn thuốc chữa bệnh, tăng cường sức khỏe và sinh lực cho con người.
Các côn trùng như nhộng ong, bọ xít, nhộng tằm, châu chấu, dế mèn, cà cuống, bọ cạp và nhiều loài côn trùng khác là loại thực phẩm khá phổ biến tại các nước đang phát triển. “Ở châu Phi, nguồn dinh dưỡng chủ yếu là côn trùng. Chúng được bắt, phơi khô để ăn dần. Thậm chí ở Mexico, trong một số loại bánh người ta cũng kèm cả côn trùng”- GS Côn cho biết thêm.
Theo báo cáo của FAO, trong khi mỗi lạng thịt bò chứa 6 miligram sắt, thì mỗi lạng châu chấu (tùy loài) chứa từ 8 đến 20 miligram sắt. Bản báo cáo cho biết, hiện trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người, tức 1/3 dân số thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hằng ngày. |
Thực tế, theo các nhà khoa học, ở châu Phi đã từng xảy ra “bão châu chấu” và Việt Nam cũng từng có dịch châu chấu lớn, vì vậy nên động viên bà con nông dân bắt các loài côn trùng gây hại này, có thể chế biến làm thức ăn ngay hoặc cho vào tủ lạnh bảo quản để ăn dần.
Theo GS Côn, trước đây số liệu đưa ra của các nhà khoa học thế giới là có 9% loài côn trùng gây hại, nhưng con số này được thống nhất đến hiện nay chỉ có 1%. Tuy nhiên, 1% côn trùng có hại này có thể “tàn phá” và làm giảm 20- 30% sản lượng của cây trồng.
TS Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT khẳng định, Cục BVTV hoàn toàn ủng hộ khuyến cáo của FAO. “Đa số côn trùng sử dụng làm thức ăn là loài có hại. Vì thế, khi côn trùng được sử dụng phổ biến sẽ làm giảm mật độ loại này trong tự nhiên, tạo được môi trường sinh thái tốt”- ông Hồng đánh giá.
Thận trọng khi sử dụng
Nhìn nhận ở khía cạnh khoa học, GS Vũ Quang Côn cho rằng, mục đích đưa côn trùng làm thực phẩm sẽ có lợi nhiều hơn hại. Ở Việt Nam, côn trùng đã có trong bữa ăn gia đình từ lâu, nhưng hiện nay xu hướng này ngày càng xuất hiện rõ rệt. Tuy nhiên, khi bắt côn trùng nhất thiết không được dùng thuốc hoặc các loại hóa chất độc hại; đặc biệt đối với những loài thiên địch có lợi cho đồng ruộng, các loài côn trùng quý hiếm vừa dùng làm thực phẩm vừa dùng làm thuốc cũng phải để lại.
TS Ngô Vĩnh Viễn cho biết, dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
Trong khi đó, ông Hồng cũng khuyến cáo, nếu dùng côn trùng làm thực phẩm, thì nên khai thác trong tự nhiên là chính; đối với côn trùng được nuôi cần kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi, tránh để các loài có hại thoát ra ngoài môi trường, đặc biệt cần có sự kiểm tra về chất lượng các loài côn trùng này trước khi làm thực phẩm.
Ở khía cạnh dinh dưỡng, bác sĩ Đặng Huyền Nga (Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết thêm, nhiều loại côn trùng có chứa nọc độc như bọ cạp, ong, nhện... trong khi kiến thức của người dân về chế biến các loại côn trùng này hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm.
Do đó sẽ không loại bỏ hết độc tố, khi ăn vào có thể gây dị ứng mẩn ngứa, sưng tấy toàn thân, ngộ độc cấp tính, thậm chí là gây tử vong. Ngoài ra, bác sĩ Nga khuyến cáo, trong cơ thể nhiều loại côn trùng còn có thể bị nhiễm loại nấm độc hay vi khuẩn ký sinh. “Nếu ăn phải côn trùng bị nhiễm nấm độc có thể bị ngộ độc và dị ứng nghiêm trọng. Vì thế, để côn trùng trở thành món ăn bổ dưỡng, cần phải lưu ý các quy trình chế biến, dùng đúng cách, đúng thời điểm…”- bác sĩ Nga cho biết.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã