Với người dân xã Phú Gia, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) mỗi năm họ lại mong chờ đến ngày Khai Hạ để tham dự lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi ban.
Khai Hạ là lễ hội truyền thống của người dân trên địa bàn xã Phú Gia nói riêng và người dân huyện Hương Khê nói chung trong những ngày đầu xuân năm mới.
Lễ hội diễn ra 2 năm 1 lần, được tổ chức vào sáng mồng 7 tháng Giêng. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm cung kính, phần hội tổ chức vui vẻ náo nhiệt.
Vào ngày này, từ người già đến người trẻ, từ gái đến trai đều dậy từ rất sớm để đến nhà cố đạo chủ, giúp gia chủ cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ hội rước sắc.
Các lần tổ chức trước khi chưa bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu, lễ Khai Hạ rước các bảu vật của vua Hàm Nghi ban cho làng Phú Gia năm nào còn thu hút được nhiều người dân ở tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh, thành phố khác tìm về dự hội.
Theo các cố đạo (người được dân làng tin tưởng giao trông coi và bảo vệ báu vật vua Hàm Nghi ban) tại đây truyền lại rằng: Năm 1885, sau khi thất thủ tại kinh thành Huế, vua Hàm Nghi được tướng quân Tôn Thất Thuyết và các đại thần hộ giá Bắc tiến ra vùng đất Quảng Trị - Quảng Bình - Hà Tĩnh để xây dựng phòng tuyến, củng cố lực lượng chống thực dân Pháp xâm lược. \
Sau gần 2 tháng trèo đèo, lội suối, đoàn xa giá của vua Hàm Nghi đã đặt chân đến Thành Sơn Phòng, dưới chân núi Giăng Màn, thuộc xã Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Biết tin vua về vùng đất Hương Khê, các tướng Phan Đình Phùng (ở huyện Đức Thọ) và Cao Thắng (ở huyện Hương Sơn) đã kéo quân đến gia nhập, giúp vua chống giặc.
Tương truyền, trong khoảng thời gian hơn 3 tháng đóng quân tại thành Sơn Phòng, đêm 20/9/1885, khi vua Hàm Nghi vừa chợp mắt thì có một nữ tiên từ trên trời giáng xuống báo mộng cho vua là quân giặc đang kéo đến vây bắt.
Bừng tỉnh dậy, vua đã rung chuông, tập hợp quần thần lại thông báo giấc mơ của mình với nội dung: "Quân bạch quỷ (giặc Pháp) đang theo kịp chân Trẫm. Việc này do Trẫm định liệu. Nhưng nếu Trẫm còn trú ngụ nơi đây thì muôn dân lành sẽ bị bọn phiến loạn sát hại".
Sau đó, vua Hàm Nghi đã ban sắc chỉ để ghi công nữ tiên và từ đó đền Trầm Lâm (cách thành Sơn Phòng - nơi vua đóng quân khoảng 1km) trở thành đền Muội Thiên Hiện (người con gái trời giáng xuống trần) - đền thờ Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm như ngày nay.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Bảo vật vua Hàm Nghi đã ban tặng cho người dân xã Phú Gia chúng tôi là: "2 con voi bằng vàng ròng (1 con 27 chỉ vàng, con còn lại 17 chỉ), 1 con voi bằng đồng đen, 2 thanh bảo kiếm, áo hoàng bào của vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen. Tất cả những món đồ bảo vật do vua ban tặng được nhân dân xã Phú Gia coi như báu vật và từ đó đến nay họ thay nhau truyền giữ".
Những báu vật vua Hàm Nghi ban cho làng Phú Gia xưa, nay là xã Phú Gia được dân xem như là linh hồn của làng.
Vào ngày Khai Hạ (mồng 7 tết), các báu vật vua ban sẽ được rước từ ngôi nhà của cố đạo chủ ra di tích để làm lễ, rồi được rước tới nhà bàn giao cho cố đạo chủ mới.
Lễ hội rước sắc phong của vua Hàm Nghi hàng năm ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) còn là để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu …
Cứ 2 năm một lần, ban quản lý khu di tích và chính quyền địa phương lại họp bàn để tuyển chọn tân cố đạo chủ.
Tiêu chuẩn của tân cố đạo phải là những người trên 65 tuổi, có học thức, am hiểu về lễ tế, lịch sử hình thành của di tích, có uy tín với bà con nhân dân, đạo đức, gia phong phải nề nếp.
Đặc biệt, người được chọn làm tân cố đạo chủ phải song tuyền (có đầy đủ cả ông, bà). Trước khi tiếp nhận, tân cố đạo chủ phải làm lễ xin các bề trên (dùng đồng tiền xu 2 mặt sấp và ngửa để gieo quẻ) và khi được "bề trên" chấp nhận mới được phép tiếp nhận.
Hằng năm, đến ngày tổ chức lễ hội, có hàng ngàn người là người dân địa bàn xã Phú Gia và một số xã lân cận…tham gia lễ hội rất đông vui náo nhiệt.
Sau khi làm lễ Khai Hạ xong, 3 chiếc kiệu được rước đi khắp làng, mỗi chiếc kiệu được 8 thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng rước trên vai, sau đó đến nhà cố đạo chủ mới.
"Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, việc tổ chức lễ hội được rút ngắn. Phần lễ tổ chức nhanh gọn, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid. Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn tay và ít người tham gia. Phần hội chỉ được làm tượng trưng, dùng 1 kiệu rước (hằng năm có 3 kiệu rước). Quãng đường rước cũng phải rút ngắn nhất có thể"- ông Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết thêm.
Trên đường rước sắc, các gia đình chuẩn bị sẵn kẹo bánh, trầu cau, rượu, nước… để khi đoàn rước đi qua mời họ dùng.
Năm 2001, quần thể di tích thành Sơn Phòng, đền Cộng Đồng, đền Trầm Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) được bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lễ Khai Hạ, lễ rước các báu vật vua Hàm Nghi ban cho làng Phú Gia xưa, nay là xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh mang nhiều ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục thế hệ mai sau về lòng yêu nước, đoàn kết, đồng lòng chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương hiện nay.
Theo Nguyễn Duyên/danviet.vn
https://danviet.vn/vua-ham-nghi-ban-tang-bau-vat-gi-ma-ca-lang-nay-o-ha-tinh-cu-den-ngay-dau-nam-ai-cung-muon-nhin-thay-20210218162609544.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã