Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, năm 2020, sản lượng lúa đạt 42,71 triệu tấn. Đến ngày 17/2/2021, đã thu hoạch thêm 350.000 ha lúa đông xuân 2021 tại ĐBSCL với sản lượng đạt khoảng 2,4 triệu tấn.
Năm 2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 6,25 triệu tấn và giá trị đạt 3,12 tỷ USD. Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 1/2021 ước đạt 280.000 tấn với giá trị đạt 154 triệu USD.
Với sản lượng lúa gạo nêu trên, kết quả xuất khẩu cả năm 2020 và ước xuất khẩu trong tháng 01/2021, sản lượng lúa gạo hiện nay đáp ứng đầy đủ cho tiêu dùng trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu các tháng đầu năm 2021 (bao gồm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021).
Tuần đầu tháng 2/2021, giá lúa gạo tại các khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực phía Bắc giữ ổn định như diễn biến trong tháng 1/2021.
Vào ngày 10/2 (tức ngày 29 Tết), do nhu cầu mua sắm ngày sát tết tăng hơn so với những ngày trước nên giá một số loại gạo chất lượng cao và đặc sản tăng từ 3%-5% và không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, năm 2020, diện tích rau các loại đạt khoảng 993,8 nghìn ha, tăng 7,8 nghìn ha; sản lượng 18,3 triệu tấn, tăng 339,1 nghìn tấn. Diện tích cây ăn quả tăng mạnh, đạt khoảng 1.133,8 nghìn ha, tăng 66,6 nghìn ha.
Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, một số loại cây tăng mạnh như: xoài đạt 893,2 nghìn tấn, tăng 9,1%; cam đạt 1.070,6 nghìn tấn, tăng 8,0%; bưởi đạt 903,2 nghìn tấn, tăng 10,2%, chuối đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng 5,2%; thanh long đạt 1.363,8 nghìn tấn, tăng 9,1%.
Cùng với sản lượng cây vụ đông miền Bắc ước khoảng 4,5 triệu tấn và các loại rau cả nước đến hết Quý I/2021 ước trên 5,4 triệu tấn hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Sát thời điểm Tết Nguyên Đán, thị trường trái cây trong nước tương đối sôi động, nguồn cung về các chợ tăng cao, giá một số loại trái cây có xu hướng tăng so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ tăng, nhưng mức tăng không nhiều do nguồn cung dồi dào.
Giá một số loại trái cây sát Tết Nguyên đán: Giá thanh long ruột đỏ không tăng nhiều, thậm chí giảm so với tháng trước do tiêu thụ chậm, loại I quanh mức 35.000 - 40.000 đ/kg, loại II từ 30.000 đ/kg, loại III có giá 18.000 - 20.000 đ/kg; giá thanh long ruột trắng từ 20.000 - 25.000 đ/kg.
Giá sầu riêng tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm do nhu cầu chững lại. Giá sầu riêng Rio6 thu mua tại vườn là 70.000 - 80.000 đ/kg (giảm 10.000 đ/kg so với tháng trước nhưng tăng 20.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước), giá bán lẻ tại các thành phố giảm xuống còn 120.000 - 130.000 đ/kg;
Giá cam tăng nhẹ so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm ngoái vào dịp gần tết. Sản lượng cam ở mức cao, nguồn cung dồi dào, cam Vinh thu mua tại vườn từ 15.000 - 20.000 đ/kg (tăng 5.000 đ/kg so với tháng 12/2020), cam Canh từ 20.000 - 30.000 đ/kg (tăng 8.000 đ/kg), cam đường bán lẻ từ 30.000 - 60.000 đ/kg tùy loại.
Giá một số loại rau củ giảm so với tháng 12 do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, một số loại rau màu đang chính vụ thu hoạch rộ như: su hào, bắp cải, súp lơ, khoai tây, cà chua...
Đến ngày 10/02 (tức ngày 29 Tết), giá rau củ có tăng gấp 2 - 3 lần (su hào có giá 5.000 - 7.000 đ/kg, súp lơ 10.000 - 20.000 đ/chiếc); giá một số loại hoa và trái cây phục vụ cúng lễ tăng cao từ 15 - 50% so với những ngày trước (thanh long loại đẹp có giá 70.000 đ/kg, xoài Thái 60.000 đ/kg, xoài Cát chu 70.000 đ/kg, na 90.000 đ/kg, chuối xanh nải đẹp từ 200.000 - 250.000 đ/kg); hoa tươi, hoa đào, quất cảnh năm nay dồi dào với giá không cao.
Ngày 14 và 15/2 (tức ngày mùng 3, 4 Tết), giá một số rau củ quả tăng khoảng 2.000 - 3.000 đ/kg so với trước tết do lượng cung chưa nhiều, một số chủng loại khác cơ bản giữ ổn định giá so với trước tết. Thêm vào đó, do thực hiện các quy định về phòng chống dịch Covid-19 nên năm nay nhu cầu mua thực phẩm, trái cây sau tết phục vụ cúng lễ và gặp mặt liên hoan không lớn nên cũng hạn chế việc tiêu thụ nông sản sau tết, giá cả không có biến động nhiều.
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã