Chính chọn giống thỏ Newzealand để “kết duyên” và thành công bằng 4 trang trại nuôi thỏ công nghệ cao, mang lại nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được Chính tại trang trại nuôi thỏ ở Thôn 3 (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Đây là trang trại nuôi thỏ đầu tiên trong 4 trại thỏ mà chàng trai 26 tuổi đã đầu tư và liên kết với các hộ dân trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Di Linh, với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Chọn hướng đi riêng
Vừa gặp tôi, Chính giãi bày: “Anh thông cảm! Hẹn anh nhiều lần, nhưng do công việc nhiều quá nên giờ mới gặp được. Một mình em phải lo quán xuyến khâu kỹ thuật 4 trại vừa vào hơn 7.000 con thỏ để chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho chuỗi nhà hàng, khách sạn họ đã đặt hàng phục vụ tết nên bận bịu suốt ngày. Hôm nay, công việc đã tạm ổn nên mới hẹn gặp anh được”.
Nói xong, Chính dẫn chúng tôi đi tham quan trại thỏ mà mình dành tất cả tâm huyết đầu tư vốn liếng xây dựng tìm hướng đi riêng để lập nghiệp trên chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên.
Chính kể với tôi, anh là con út trong gia đình thuần nông với 6 anh, chị em và cuộc sống thuộc vào diện khá giả. Sau khi tốt nghiệp THPT, Chính thi đậu vào Trường Cao đẳng Y dược TP Hồ Chí Minh.
Ra trường, Chính được nhận vào làm tại một công ty dược ở Sài Gòn, với mức lương gần 40 triệu đồng/tháng. Mặc dù công việc, thu nhập của mình là mơ ước của nhiều người, nhưng Chính vẫn không bằng lòng.
Cuối năm 2019, Chính xin nghỉ việc về quê và đem ý tưởng mở trang trại nuôi thỏ mà mình đã lên kế hoạch và ngỏ ý với bố mình là ông Vũ Quang Đĩnh.
Chính tâm sự: “Khi em đem chuyện mở trang trại nuôi thỏ kể với bố chưa dứt lời thì bị ngay “một gáo nước lạnh”. Bố em bảo, “Bố đầu tư tiền của cho ăn học, mong con có việc làm ổn định ở thành phố. Giờ công việc, thu nhập đang ổn định ai lại về quê nuôi thỏ. Đất đai, vườn tược cứ để bố mẹ lo, không làm được thì thuê người. Bố mẹ khuyên con dừng ngay ý tưởng điên rồ này lại”.
Mặc cho mọi người căn ngăn, Chính vẫn quyết tâm đầu tư 100 triệu đồng dành dụm được xây dựng chuồng trại và mua 50 cặp thỏ Newzealand về nuôi thử nghiệm để gây dựng niềm tin với bố mẹ. “Khi đó, mình không có vốn, nên phải xây dựng niềm tin để được bố mẹ hỗ trợ. Đây là niềm đam mê và cũng là tâm huyết của em” - Chính nói.
Uy tín làm nên thương hiệu
Tâm huyết, niềm tin và đam mê của Chính được đền đáp từ 50 cặp thỏ trắng Newzealand nuôi thử nghiệm sạch bệnh, lớn nhanh đúng như mình kỳ vọng.
Cũng từ đây, Chính được gia đình tin tưởng ủng hộ, đầu tư vốn xây dựng trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi để anh “kết duyên” với giống thỏ trắng Newzealand.
Với Chính, để thành công thì bất cứ làm nghề gì đều cần phải có chữ “tín”. Đối với các sản phẩm chăn nuôi tác động trực tiếp tới sức khỏe con người thì chữ “tín” đặc biệt quan trọng. Muốn vậy, tự bản thân mình phải tạo ra được sản phẩm thỏ sạch đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
Từ đây, Chính bắt tay vào đầu tư xây dựng trang trại nuôi thỏ gần 400 m2, với quy mô từ 2.500 - 3.000 con/lứa. Hệ thống trại chăn nuôi này được Chính đầu tư hoàn toàn tự động bằng công nghệ hiện đại từ khâu chăm sóc, đến hệ thống khử trùng phòng bệnh.
Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chàng trai trẻ sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải. Ngoài ra, trang trại còn được đầu tư hệ thống loa cho thỏ nghe nhạc 24/24 giờ.
Chính chia sẻ: “Hiện tại, thỏ đã có vắc xin phòng bệnh, nên người chăn nuôi phần nào đỡ lo về các bệnh truyền nhiễm khiến đàn thỏ bị chết hàng loạt như trước đây. Tuy nhiên, để đàn thỏ phát triển đồng đều, khỏe mạnh thì khâu chọn giống vô cùng quan trọng...".
"Cần lựa chọn mua thỏ giống tại những nơi có đủ uy tín, để tránh mua phải con giống trùng huyết. Đặc biệt, người chăn nuôi phải chủ động được nguồn thức ăn sạch cho thỏ. Ngoài việc lựa chọn thương hiệu cám chất lượng, thì nguồn cỏ vẫn là thức ăn chính chiếm hơn 60% khẩu phần ăn của thỏ. Với quy mô nuôi từ 2.500 - 3.000 con, em phải trồng 2 ha cỏ sả để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ”, Chính cho hay.
Để tạo ra sản phẩm thỏ sạch cung cấp cho thị trường, cùng với nguồn thức ăn sạch thì khâu chăm sóc, phòng bệnh quyết định đến sự thành bại của người chăn nuôi. Phương châm chăn nuôi mà Chính tự đặt ra cho mình và cam kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm thỏ “1 đền 100 lần” nếu phát hiện thịt thỏ có thuốc kích thích, tăng trọng.
Nhờ vậy, sản phẩm thỏ thịt của Chính được các chuỗi nhà hàng, khách sạn tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai ký hợp đồng đặt mua thường xuyên.
Khi có được đầu ra ổn định, Chính hạch toán một cách dễ hiểu để phát triển: Một con thỏ mẹ đẻ 5 - 7 lứa/năm, mỗi lứa 5 - 10 con. Sau 3,5 tháng tuổi nặng khoảng 2,5 - 3 kg và có thể giết thịt.
Với giá thỏ hiện nay từ 80 - 120.000 đồng/kg, mỗi năm, trừ chi phí một thỏ mẹ có thể mang về lợi nhuận cho người nuôi từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Tính ra, hơn 1.000 con thỏ mẹ đang nuôi mang lại cho Chính nguồn lợi nhuận từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, với phương thức lấy ngắn, nuôi dài và uy tín, thương hiệu đang có nên có được khoản thu nhập nào, Chính tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi thỏ. Sau hơn 1 năm “kết duyên” với thỏ, Chính đã sở hữu cho mình 1 trang trại thỏ có quy mô duy trì từ 2.500 - 3.000 con.
Ngoài ra, Chính còn liên kết với 3 hộ dân khác tại xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) và xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) mở thêm 3 trang trại, với tổng đàn thỏ được nhân thêm hơn 5.000 con.
Đang là chủ một trang trại thỏ quy mô lớn và liên kết mở rộng quy mô với 3 hộ dân, nhưng Chính vẫn chưa hài lòng. Mới đây, Chính tiếp tục xây dựng chuồng trại và đầu tư hơn 500 triệu đồng mua 21 con dê Boer (20 con cái và 1 con đực giống) về nuôi.
Đây là giống dê siêu thịt, trọng lượng dê trưởng thành có thể đạt tới từ 80 - 110 kg/con. Cùng với đó, Chính đang xây dựng chuồng trại nuôi heo rừng với quy mô từ 100 - 150 con. Nói về chuyện đầu ra, Chính khẳng định: “Em đã có định hướng thì mới dám làm. Đối với thỏ, mỗi tháng, khách hàng đang cần hơn 1,5 tấn thỏ thịt, nhưng em chỉ mới cung cấp được 700 kg. Các chuỗi nhà hàng, khách sạn sang trọng tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu và Đồng Nai đang hối em cung cấp sản phẩm thịt dê và heo rừng lai.
Nhưng phương châm của em tất cả các sản phẩm mình cung ứng cho họ phải có nguồn gốc, nên mình phải tự nuôi để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Vì vậy, chuyện đầu ra sản phẩm không phải là vấn đề đáng ngại đối với em. Quan trọng là mình phải có được sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng”.
Ông Vũ Hoàng Tập - Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, cho biết: “Mô hình nuôi thỏ Newzealand của anh Chính đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, sản phẩm ra đến đâu được tiêu thụ đến đấy. Đây là một mô hình làm kinh tế trang trại điển hình của xã, nên thời gian tới, địa phương sẽ giới thiệu để người dân ai có nhu cầu đầu tư thì học hỏi nhân rộng phát triển kinh tế.
Riêng đối với Vũ Quang Chính, tuy còn trẻ tuổi nhưng phải nói rằng đây là tấm gương sáng để những người trẻ ở địa phương học hỏi nhằm tìm hướng đi lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế gia đình và xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.
Theo danviet.vn
https://danviet.vn/bo-luong-40-trieu-trai-lam-dong-ve-que-trong-dong-co-xanh-nuoi-tho-trang-co-thu-duoc-tien-ty-khong-20210112233327222.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã