TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay: Đến nay, số lượng DN tiếp cận được gói vay ưu đãi không nhiều. Do vậy, một số DN rất mong mỏi được tiếp cận các gói vay hỗ trợ từ các NH để tiếp tục cầm cự đến khi dịch bệnh thực sự chấm dứt.
"Chính phủ cần một kế hoạch cụ thể vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh. Vì thế, có một quỹ bảo lãnh tín dụng ở quy mô quốc gia lúc này là cực kỳ cần thiết và cấp bách", ông Hiếu khẳng định.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm khá nhiều nhưng các DN nói lãi vay vẫn còn cao, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn "dây dưa" như hiện nay. Ông đánh giá sao về lãi suất hiện nay ? Còn dư địa giảm lãi suất hay không, thưa ông?
- Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề giảm lãi suất nếu quyết tâm làm thì vẫn giảm được, nhưng giảm đến mức nào để hợp lý thì phải tính toán kỹ. Bởi, nếu giảm lãi suất sâu quá thì người dân sẽ rút tiền khỏi NH và đổ tiền vào các kênh khác sinh lời cao hơn. Thành ra NHNN phải cân nhắc vấn đề lãi suất huy động ở các NH ở mức nào, thì tiền gửi của khách hàng vẫn được bảo đảm.
Nếu tính về mặt vĩ mô thì hiện vẫn có thể giảm thêm khoảng 1% lãi suất huy động nữa. Vì thực tế hiện nay, lạm phát đang được kiểm soát ở mức dưới 4%, thì vẫn có dư địa giảm lãi suất. Thế nhưng liệu việc giảm này có an toàn cho các NH hay không lại là vấn đề khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể trở lại một lần nữa như hiện nay, nền kinh tế cần phải có một sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, nghĩa là các NH cần phải giảm thêm lãi suất để giảm chi phí, gánh nặng cho DN để các DN vay một cách hiệu quả hơn.
Song, vấn đề lãi suất hiện nay không phải là một công cụ hữu hiệu nhất để điều hành chính sách tiền tệ. Vấn đề chính là liệu các NH có dám cho vay hay không, nếu bây giờ dịch bệnh quay trở lại lần nữa thì rất nhiều các DN sẽ bị ảnh hưởng, nhưng hiện tại các NH đã rất dè dặt trong vấn đề cho vay rồi, thành ra, việc giảm lãi suất thì nhiều DN muốn vay nhưng các NH lại dè dặt, vì thế tôi mới nói giảm lãi suất không phải là công cụ hữu hiệu hiện nay để góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Vậy theo ông, giải pháp nào là hữu hiệu hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như hỗ trợ DN hiệu quả nhất?
- Tôi đã nhiều lần đề xuất Chính phủ nên thành lập tổ hợp tín dụng. Tổ hợp tín dụng này yêu cầu tất cả các NH cùng tham gia vào, từ các NH trong nước đến các NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Tổ hợp này sẽ có hạn mức tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, tương tự gói đầu tiên NHNN giao cho các NH.
Các NH tham gia vào gói này, và gói này không phải là gói đầu tư, nghĩa là các NH không phải bỏ tiền trước vào đây. Tổ hợp tín dụng này sẽ đưa ra tất cả các quy trình, quy chế để cho vay, ai là đối tượng cần cho vay, cho vay như thế nào, tiêu chí thế nào…
Tổ hợp này sẽ được xây dựng dưới sự hướng dẫn, định hướng của NHNN nhưng việc điều hành tổ hợp này sẽ yêu cầu tất cả các NH phải cùng tham gia, cùng bầu ra một NH làm vai trò điều hành, quản lý.
Tổ hợp này sẽ cho vay theo hình thức cho vay tín chấp, tức DN không cần phải có tài sản đảm bảo, với lãi suất phải rất thấp, chỉ từ 3 - 5%/ năm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng 5 năm. Phương pháp vay tuần hoàn, 2 năm đầu vay lại trả. Đến cuối năm thứ 2 dư nợ họ trả dần cho 3 năm sau hoặc cho đến khi nào hết.
Nhưng nguồn tiền ở đâu để thành lập tổ hợp tín dụng này mà không phải dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách, thưa ông?
-Thanh khoản hệ thống hiện nay đang rất tốt, đặc biệt là nguồn tiền CASA (nguồn tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn), lãi suất của các nguồn tiền này đang rất thấp, nhiều khi chỉ 0% nhưng lại đang chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Các ngân hàng thương mại có thể lấy nguồn đó tham gia vào "tổ hợp tín dụng", từ đó có cho thể cho vay với lãi suất thấp từ 3 - 5%/năm mà không cần sự hỗ trợ của NHNN.
Điều lo lắng nhất của ông khi thành lập tổ hợp tín dụng này là gì, thưa ông?
- Vấn đề chính là vì các DN đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 nên cho vay có rủi ro rất lớn. Do đó tổ hợp tín dụng này phải đi kèm với cơ chế bảo lãnh tín dụng. Chúng ta đã có quyết định 34 của Chính phủ ban hành năm 2018 về các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, nhưng các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương dưới quyết định 34 thì khá èo uột, chỉ có vốn điều lệ quy định khoảng 100 tỷ đồng. 100 tỷ đồng này chả đáng là bao nhiêu.
Theo tôi, với yêu cầu hiện nay thì với một hạn mức, một tổ hợp tín dụng lên tới 300.000 tỷ thì phải thành lập một quỹ tín dụng quốc gia.
Quỹ tín dụng quốc gia này phải có vốn điều lệ rất lớn là 30.000 tỷ. Và có thể bảo lãnh gấp 10 lần trên số vốn của họ, nghĩa là có thể bảo lãnh khoảng 300.000 tỷ. Chỉ có cách bảo lãnh này thì các NH mới dám cho vay, bởi trong điều kiện hiện nay mà có rủi ro thì chả NH nào dám cho vay cả.
Xin cảm ơn ông !
Theo Quốc Hải/danviet.vn
https://danviet.vn/covid-19-co-dau-hieu-quay-tro-lai-can-thanh-lap-to-hop-tin-dung-de-cuu-doanh-nghiep-20201207180933986.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã