Vụ cam vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tâm Sầu Riêng (TP.Đồng Xoài, Bình Phước) thu hoạch 400 tấn. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, ông Tâm phải bán đổ bán tháo số cam này. Ngoài ra, ông bỏ tại vườn 50 tấn cam khác.
Thương lái mất dạng
Hiện, ông Tâm đang vào vụ thu hoạch chôm chôm. Vụ này, ông Tâm ước tính năng suất khoảng 50 tấn. Trước đó, thương lái nhã ý mua "mão vườn" (mua trọn vườn), nhưng ông không bán. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, ông Tâm gọi thương lái, nhưng không ai nhận lời.
"Tôi có quen hơn chục thương lái thu mua trái cây. Nhưng giờ gọi không ai dám đánh xe đến lấy hàng. Họ sợ ôm hàng vì dịch Covid-19"- ông Tâm bộc bạch. Theo ông Tâm, giờ ông chỉ còn cách bán lẻ từng ít một.
Tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), gần 1 tháng nay, bà con nông dân xã Bình Châu bất lực nhìn xoài chín rụng đầy gốc. Ông Lê Thanh Đán (xã Bình Châu) cho biết, hơn 13 năm trồng xoài, chưa năm nào buồn như vậy. Vụ xoài năm nay năng suất cao, nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến ông trở tay không kịp, ước tính thiệt hại khoảng 85%.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại miền Đông hiện nay giá xoài chỉ dao động từ 1.000 - 4.000 đồng/kg; giá thanh long ruột trắng từ 3.000 - 6.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ có giá 5.000 - 7.000 đồng/kg; mít Thái giá từ 2.000 - 10.000 đồng/kg; chuối có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg; giá tiêu mặc dù đã tăng hơn năm 2020, nhưng cũng chỉ ở mức 65.000 - 67.000 đồng/kg.
"Giá rẻ chạm đáy nhưng thương lái không mua. Tiền bán xoài không đủ bù chi phí bỏ ra. Hiện, tôi chỉ có thể hái để bán lẻ ngoài chợ. Nhưng với hàng chục tấn xoài mà bán buôn như vậy thì chẳng bõ bèn gì. Nhìn xoài rụng chín đầy gốc mà đau…" - ông Đán ngậm ngùi.
Giá cả chạm đáy vì dịch Covid-19
Theo nhiều nhà vườn, sức tiêu thụ các mặt hàng trái cây tươi gặp khó khăn ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là khi các loại trái chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch.
Ông Nguyễn Văn Năm (ngụ huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) than thở: "Ai ngờ dịch bùng lên, gần 2 năm qua chúng tôi liên tục thua lỗ, nợ nần chồng chất. Hiện tại, mỗi tháng tôi phải trả 4 triệu tiền ngân hàng trong khi nông sản bán giá thấp tận đáy".
Không chỉ nông dân, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng này cây trái cũng đang lao đao, buộc phải hoạt động cầm chừng.
Ông Phạm Thanh Đồng - Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều đơn hàng chuối xuất khẩu của HTX không được khách thanh toán vì xuất đúng thời điểm thị trường Trung Quốc đóng cửa do dịch.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 12.000ha cây ăn trái với nhiều loại trái cây, trong đó có trái cây hè cho sản lượng trung bình 80.000 tấn mỗi năm.
Tại Đồng Nai, Sở NNPTNT tỉnh này cũng cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 70.000ha cây ăn trái. Các cây ăn trái chủ lực của tỉnh là: chuối, xoài, sầu riêng, mít, bưởi, chôm chôm…
Các loại trái cây này chủ yếu được tiêu thụ nội địa và thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Dịch Covid-19 khiến trái cây khó xuất khẩu nên chủ yếu phải tiêu thụ trong nước.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Vina XO (Tiền Giang), một công ty thu mua và chế biến trái cây, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, rất khó đoán định việc tiêu thụ và giá cả trái cây ra sao.
Theo Trần Đáng - Nha Mẫn/danviet
https://danviet.vn/dich-covid-19-nguoi-ngam-ngui-nhin-trai-chin-rung-khap-vuon-nguoi-lo-ban-thao-vi-tro-tay-khong-kip-20210607181608729.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã