Nhìn từ thực tế trong điều kiện sản xuất và chế biến hiện nay của địa phương, câu hỏi này đã được một số lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL nêu quan điểm.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre: Đây cũng là bài học từ cây dừa ở Bến Tre. Trong nhiều năm trước, khi Bến Tre lệ thuộc hoàn toàn vào bán dừa trái nguyên liệu cho Trung Quốc thì cũng gặp trường hợp như các nông sản hiện nay.
Nhìn vào các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu hiện nay mình ít lệ thuộc thị trường Trung Quốc hơn trước. Nhưng tốt nhất và căn cơ nhất vẫn là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào việc chế biến và quyết tâm tiến vào các thị trường lớn khác, kể cả thị trường khó tính.
Cụ thể như Công ty Lương Quới, 5 năm trở về trước mua bình quân 500 ngàn trái dừa/ngày. Doanh số 1 năm được khoảng 400 tỷ là mừng lắm rồi. Hiện nay số lượng mua cũng cỡ vậy, nhưng làm chuỗi dừa và tạo ra sản phẩm chuyên sâu nên doanh số hàng năm đạt 1.000 tỷ. Như vậy, vừa giúp người dân bán dừa có giá, tạo thêm công ăn việc làm, doanh nghiệp có lợi, Nhà nước có lợi.
Nghĩa là cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực chế biến tăng về quy mô, chất lượng. Thật ra nông sản tươi, nông sản thô giá trị không cao nhưng lại lệ thuộc rất nhiều vào quốc gia nhập khẩu nên thường bị bắt chẹt.
Ông Đảnh nhấn mạnh thêm đến yếu tố HTX. Ông cho rằng quan trọng là liên kết hợp tác và gắn kết theo chuỗi, chế biến sâu, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. HTX là khâu không thể thiếu trong vùng SX tập trung, vì DN không thể đi liên kết với hàng trăm hàng ngàn hộ nông dân được. HTX cũng để tác động về mặt kinh tế, quy trình canh tác thống nhất. Nhiều doanh nghiệp cứ chăm chăm đòi vùng nguyên liệu cho thật lớn. Ai cũng đòi như vậy thì ở đâu mà đáp ứng được.
Đồng quan điểm với việc liên kết, nhưng ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho rằng liên kết vùng này với vùng khác là cần thiết. Tuy nhiên, công việc này làm quá chậm nên không tránh khỏi mạnh ai nấy làm, chất lượng không đồng nhất.
Bên cạnh đó, thiếu doanh nghiệp đủ mạnh để đầu tư chế biến, tìm kiếm nhiều thị trường. Không nên lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, phải có kênh chính thống dự báo đầu ra sản phẩm tương đối để khuyến khích nông dân sản xuất. Nói thật dự báo của mình hiện nay làm chưa tốt.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ có tổng diện tích trồng cây ăn trái hơn 21.000 ha. Các chủng loại cây ăn trái ngon của miền Nam đều được trồng tại Cần Thơ. Cụ thể như vú sữa, sầu riêng, nhãn, măng cụt, xoài, cam, bưởi, chuối, thanh long, mít.
Thật ra mà nói, không những trái xoài mà nhiều mặt hàng trái cây khác của chúng ta còn gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới. Vì vậy chúng ta phải nhìn nhận khâu công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và chất lượng nông sản còn yếu so với họ. Đối với một số quốc gia có công nghiệp chế biến bảo quản tốt thì khi trái cây của họ vào mùa thu hoạch mang về có hệ thống bảo quản đến 5-6 tháng vẫn còn tươi.
Dẫn chứng về tỉ lệ chế biến và liên kết với HTX từ củ khoai lang và trái chanh dân, TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT II) cho biết: Tỷ lệ chế biến hiện nay tùy theo loại nông sản và số nhà máy, nhưng nói chung tỷ lệ chế biến rất nhỏ. Cụ thể như tỉnh Vĩnh Long có 14.000 ha khoai lang, sản lượng khoảng 350.000 tấn/năm, nhưng phần chế biến chỉ khoảng 3.000 tấn (chiếm khoảng 0.9%).
"Chanh leo tại 5 tỉnh tây Nguyên khoảng 9.060 ha. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 3.000 ha và định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển khoảng 10.000 ha; sản lượng đạt trên 84.000 tấn, nhưng tỷ lệ chế biến cao nhất (khoảng 18%, các tỉnh khác dưới 2%). Gia Lai có tỷ lệ chế biến chanh dây cao là do có nhà máy Doveco của Công ty Đồng Giao hợp tác với các HTX. Bình quân mỗi HTX có doanh thu bán hàng cho Doveco từ 43-68 tỷ/HTX/năm" TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT II).
Theo HOÀNG VŨ - NGỌC THẮNG/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã