Theo tổng hợp của Bộ NN-PTNT đến thời điểm này, bão lũ ở miền Trung đã tàn phá nặng nề về sản xuất nông nghiệp.
Hầu hết lượng giống, lương thực dự trữ trong dân để phục vụ đời sống và sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 đã bị hư hỏng. Các tỉnh Bắc Trung Bộ sản xuất vụ đông 2020 đã bị “xóa sổ” hoàn toàn với khoảng 7.600 ha bị thiệt hại (Quảng Trị 3.400 ha, Hà Tĩnh 2.600 ha và Quảng Bình trên 1.300 ha).
Bão lũ cũng khiến trên 1.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng, trong đó trên 550 ha bị ảnh hưởng nặng (thiệt hại trên 70%). Trên 138 nghìn ha rừng trồng (cùng hơn 1.200 ha rừng tự nhiên) tại 6 tỉnh miền Trung cũng bị ảnh hưởng.
Về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại lên tới trên 12.600 ha (chiếm 45,8% tổng diện tích đang nuôi), hơn 800 ô, lồng, 88 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại. Chăn nuôi cũng bị thiệt hại nặng nề với hơn 38.500 con gia súc, trên 3 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi, trong đó nặng nề nhất là tỉnh Quảng Bình với gần 18 nghìn gia súc, trên 1 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Bão lũ cũng đang tàn phá nặng nề về hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi... Tổng diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp khoảng trên 3.100 ha, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Trị với hơn 1.500 ha bị bùi lấp... Trên 587km kênh mương đã bị sạt lở, bồi lấp; 301 trạm bơm bị thiệt hại.
Về nước sạch nông thôn, có 246 công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng. Hiện có khoảng trên 206 nghìn hộ dân tại các tỉnh miền Trung vẫn đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt sau bão lũ (Nghệ An 12.700 hộ; Hà Tĩnh 52.604 hộ; Quảng Bình 105.509 hộ; Quảng Trị gần 7.000 hộ; Thừa Thiên Huế trên 10 nghìn hộ...).
Cùng với các giải pháp ứng phó, hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung đã triển khai, thời gian tới, thúc đẩy khôi phục sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, hạ tầng nông thôn... sẽ là những yêu cầu cấp thiết, nhất là từ nay đến tết Nguyên đán.
Theo Bộ NN-PTNT, quan điểm trong công tác khôi phục sản xuất thời gian tới, trên hết phải không để người dân bị thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt. Tạo mọi nguồn lực để người dân sớm ổn định sản xuất, trong đó tập trung cho sản xuất những sản phẩm cần thiết phục vụ kịp thời ngay trước và trong dịp tết Nguyên đán.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra các dịch bệnh trong chăn nuôi, thủy sản, trong đó cần tập trung cho khử trùng và xử lí môi trường chăn nuôi...
Về giải pháp và định hướng cụ thể trước mắt, sẽ tập trung triển khai hỗ trợ về giống và vật tư cây trồng. Theo đó, các tỉnh miền Trung đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 6.000 tấn hạt giống lúa (mỗi tỉnh 2.000 tấn), 362 tấn hạt giống ngô và 55 tấn hạt giống rau để khôi phục sản xuất cũng như phục vụ cho vụ đông xuân 2020-2021.
Về chăn nuôi, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật vào hướng dẫn tái đàn gia cầm khi điều kiện môi trường được đảm bảo. Khi các tỉnh có kế hoạch tiếp nhận hỗ trợ về con giống và vật tư chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị sẽ hỗ trợ bàn giao tại các địa phương theo từng đợt trên cơ sở các doanh nghiệp, đơn vị đã đăng ký hỗ trợ.
Dự kiến, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện xuất cấp tổng cộng 290 nghìn liều vacxin các loại, 140 nghìn lít hóa chất tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh trên cạn và 225 tấn hóa chất xử lí môi trường phòng chống dịch bệnh trên thủy sản từ nguồn Dự trữ Quốc gia cho 9 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do bão lũ. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi...
Bộ NN-PTNT cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương cùng các tỉnh miền Trung tổ chức các mô hình điểm về khôi phục sản xuất sau bão lũ như: Tổ chức các mô hình điểm về tái đàn gia cầm (tại Hà Tĩnh); tái sản xuất rau sau lũ từ nguồn giống Dự trữ Quốc gia (tại Quảng Trị); hướng dẫn và triển khai khôi phục vườn cây ăn quả bị thiệt hại sau bão (tại Thừa Thiên Huế); khôi phục vườn hồ tiêu (tại Quảng Trị); hỗ trợ giống cá nước ngọt bố mẹ hậu bị (tại Quảng Trị)...
Với lĩnh vực thủy sản, cần tiếp tục thống kê đầy đủ thiệt hại để kịp thời hỗ trợ cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP. Song song đó, tổ chức quan trắc môi trường; xử lí môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi để sẵn sàng khôi phục sản xuất, thả giống khi điều kiện cho phép.
Đối với rừng trồng sản xuất bị thiệt hại, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương tiến hành khai thác tận thu, đồng thời chỉ đạo các cơ sở thu mua, chế biến tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi, tránh ép giá. Rừng trồng sản xuất chưa đến tuổi khai thác bị gãy đổ, không thể tự phục hồi (tỉ lệ gãy trên 70%), cần tiến hành thanh lí, đồng thời có phương án tiến hành trồng lại rừng trong vụ trồng kế tiếp khi thời tiết thuận lợi...
Trên cơ sở kiểm tra các diện tích ruộng đất bị bồi lấp do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung thời gian qua, Cục Trồng trọt đã có hướng dẫn khôi phục như sau:
- Vùng bị vùi lấp với độ dầy từ 50 cm đến trên 100 cm, lớp phủ không đồng nhất, bề mặt (0-15 cm) là tầng sét mịn, tiếp đó là các lớp cát mịn xen kẽ tầng hữu cơ, sét… (như ở xã Triệu Nguyên, huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị) có thể dọn sạch bề mặt, san nhẹ và chuyển đổi sang trồng màu (ngô, khoai, đậu các loại). Cần bổ sung nhiều phân hữu cơ, cầy sâu để cải tạo tính chất vật lý tầng mặt.
- Với các vùng đất bị vùi lấp với độ dầy 20-50 cm, lớp phủ khá đồng nhất, chủ yếu là cát mịn (như vùng đất trồng lúa nước ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Do đặc tính của lớp đất mặt không có thành phần sét và hữu cơ nên nếu muốn tiếp tục canh tác lúa thì phải nạo vét lớp đất cát này khỏi ruộng.
Với những khu đất có diện tích bồi lấp lớn, tầng bồi lấp dầy thì giải pháp tốt nhất là chuyển sang trồng màu (ngô, khoai, đậu các loại), chú ý cầy sâu và bổ sung nhiều phân hữu cơ để cải tạo đất (như khu đất dưới đập Trấm, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).
- Với các khu đất bị vùi lấp với độ dầy lớn (> 50 cm), lớp phủ chủ yếu là sét (như ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Cần có giải pháp cải tạo tầng mặt như bón vôi và đặc biệt là bổ sung hữu cơ để cải tạo tính chất lý, hóa đất trước khi gieo trồng.
- Một số khu đất lớp phủ bề mặt chủ yếu là cát thô và sỏi sạn (như ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), chỉ có thể canh tác lại nếu chuyển lớp cát sỏi này ra ngoài khu ruộng.
Đối với diện tích đất ruộng lúa bị vùi lấp
Với diện tích bị vùi lấp từ 10-15 cm: Tập trung cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng, bón phân vi sinh, xử lý đồng ruộng bằng các chế phẩm vi sinh vật (sử dụng đồng thời chế phẩm Trichoderma 20 kg/ha và chế phẩm Pro Humic 15 kg/ha) theo đúng khuyến cáo.
Diện tích vùi lấp sâu (trên 15-30 cm): Dùng các phương tiện cơ giới để để giải phóng khối lượng đất trên đồng ruộng, bón phân vi sinh, xử lý các chế phẩm vi sinh để cải tạo đồng ruộng; đối với vùng cao có thể chuyển đổi sang trồng cây rau mầu khác.
Những diện tích bị vùi sâu (trên 30cm), tập trung cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng, xử lý đồng ruộng bằng các chế phẩm vi sinh vật (sử dụng đồng thời chế phẩm Trichoderma 20 kg/ha và chế phẩm Pro Humic 15 kg/ha), lên luống cao để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn ngắn ngày như: Rau các loại, ngô, lạc ...
Diện tich tích đất trồng cây rau, màu bị vùi lấp: Cải tạo, khôi phục diện tích đất rau màu bị bồi lấp do mưa lũ bằng cách: Bón phân hữu cơ vi sinh, sử dụng các chế phẩm vi sinh - sinh học như Trichoderma, Pro Humic... để cải tạo đất để tăng tỷ lệ hữu cơ trong đất trước khi trồng mới các loại cây rau màu.
Theo LÊ BỀN/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã