Trong tình thế gian nan, may thay tín hiệu tích cực từ các mô hình quản lý dịch hại đã manh nha xuất hiện. Để duy trì bền vững, ý thức của người dân đóng…
Ghi nhận đến cuối 2019, diện tích trồng cam tại Nghệ An đạt khoảng 5.589 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Yên Thành, bộ giống được ưu tiên lựa chọn là Xã Đoài, Vân Du.
Cây cam có thời gian kiến thiết cơ bản khoảng ba năm, từ năm thứ tư trở đi cho quả bói đầu tiên, nhiệm kỳ kinh doanh có thể kéo dài từ 15-18 năm tùy thuộc vào bộ giống, kỹ thuật chăm sóc, điều kiện thời tiết và năng lực phòng trừ sâu bệnh.
Dăm năm về trước, việc sản xuất kinh doanh thực sự xuôi chèo mát mái. Tuy nhiên gần đây tình thế nhanh chóng đảo chiều. Lúc này cây cam bị hàng loạt đối tượng dịch hại bủa vây, thể hiện rõ nét nhất là hiện tượng “cam ngơ” và bệnh vàng lá rụng quả, các bệnh này gây hại nghiêm trọng chủ yếu trên cây có vòng đời 8 - 10 tuổi.
Cây cam sau thời gian ủ bệnh dần dà bị kìm hãm tốc độ phát triển, lâu dần dẫn đến héo rũ và chết khô.
Tác động khó nhằn của tình trạng biến đổi khí hậu, vừa đối phó với nắng hạn lại phải chống chọi với mưa trái vụ, thêm việc chủ hộ đầu tư thâm canh dạng “bát nháo” (phun tràn lan thuốc BVTV, phân bón, lạm dụng thuốc kích thích…), tất thảy khiến sự thể ngày càng vượt ngoài tầm với.
Từ đòi hỏi thực tế, hàng loạt cuộc hội họp đã được tổ chức hòng sớm tìm ra phương án tối ưu. Điển hình, ngày 12/12/2017 Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã chủ trì bàn đến các giải pháp quản lý dịch hại và khắc phục hiện tượng “cam ngơ”, vàng lá rụng quả.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở đã đề nghị Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu 4 báo cáo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu, qua đó sớm giúp tỉnh giải bài toán khó.
Năm 2018 Trung tâm BVTV vùng Khu 4 đã phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) trên cây cam. Thời gian thực hiện 2 năm (2018, 2019), thu hút 30 hộ tham gia.
Nhằm đánh giá chính xác tình hình, đơn vị tổ chức đã chủ động lựa chọn vườn cam kinh doanh 8-10 tuổi tại “thủ phủ” Minh Hồ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) nức tiếng một thời. Ghi nhận năm 2017, vườn cam này xảy ra hiện tượng “cam ngơ”, thối rễ vàng lá và rụng quả hàng loạt.
Bước tiếp theo, cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu đất phân tích theo TC10-CN 386-99 của Bộ NN-PTNT; lấy mẫu thân, lá, quả xác định dịch hại chính; kiểm tra các yếu tố dinh dưỡng trong đất để kịp thời bổ sung cho cây. Sau nữa là tổ chức tập huấn quy trình quản lý ICM và IPM đúng với các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây cam cho các hộ.
Qua các đợt phân tích, chuyên gia nhận thấy mật độ tuyến trùng trong đất và rễ cây cam xuất hiện tương đối cao. Ngoài ra, khi lấy mẫu đất, rễ cam để nuôi cấy, phân lập và giám định các loại nấm còn phát hiện các loại nấm đất như Phytophthora sp, Pythium sp và Fusarium sp.
Chiếm phần nhiều là nấm Phytophthora sp với tỷ lệ từ 44,00-89,00%, loại này là tác nhân chính gây nên hiện tượng thối rễ, chưa kể còn lây lan đến các bộ phận khác. Ủ bệnh âm ỉ, đến giai đoạn chín muồi (thời tiết âm u, mưa phùn, ruộng thoát nước kém…) Phytophthora sp sẽ phát ra tàn phá cây.
Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, ngoài những phương án hạn chế sự tác động đến từ các yếu tố ngoại cảnh, để phát triển bền vững nghề trồng cam nhất thiết phải thay đổi thói quen canh tác cho nhà nông. Vì lẽ đó, khi tham gia tập huấn việc trước tiên là cam kết tuân thủ chặt chẽ quy trình, từ chọn giống, phân bón, thuốc BVTV đến khâu làm đất, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, tủ gốc, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tất cả phải theo một khối thống nhất.
Qua 2 năm, vườn cam mô hình được bổ sung cân đối và đúng thời điểm về dinh dưỡng (phân bón lá, phân vô cơ và hữu cơ). Các đợt ra lộc non được bảo vệ nghiêm ngặt, nhờ đó hạn chế tối đa sự tác động của nhện, rầy chổng cánh, sâu nhớt, rệp, sâu vẽ bùa… Đặc biệt hơn, mật độ tuyến trùng và tập đoàn nấm đất giảm mạnh, bộ rễ ít bị tổn thương hơn nhiều so với những vườn cam khác.
Đổi thay trên chính ruộng đồng tức thì giúp nhà nông cải thiện về mặt kinh tế. Hạch toán năm 2018, năng suất cam mô hình đạt 15 tấn/ha, trừ chi phí lãi trên 102 triệu đồng. Trong khi đó, năng suất tại vườn cam đối chứng chỉ khoảng 10 tấn/ha, lãi thu về chỉ vỏn vẹn trên 28 triệu đồng. Như vậy, chênh lệnh lên đến 73 triệu đồng/ha.
Năm 2019 tình hình còn khả quan hơn khi năng suất mỗi ha đạt đến 17,5 tấn quả, quy đổi giá trị trên 262 triệu đồng, tính ra lãi so với đầu tư gần 159 triệu. Con số này ở vườn cam khác chỉ khoảng 43 triệu đồng, rất khác biệt.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu 4 khẳng định: Trong thời gian triển khai, mô hình thực sự mang lại biến chuyển rõ nét.
Thông thường nghề trồng cam chỉ vất vả trong năm đầu tiên, năm tiếp theo tình hình dần ổn định, qua năm thứ ba sẽ giảm thiểu cơ bản về mặt chi phí. Do đó sau khi chương trình kết thúc, người dân phải đề cao ý thức tuân thủ, nếu bỏ bê thì đâu sẽ lại vào đấy.
Ở một diễn biến khác, sau khi điều tra và nắm bắt thực trạng, đầu năm 2019 phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An đã xây dựng quy trình trình Sở NN-PTNT bắt tay thực hiện tại 6 vườn cam có vấn đề thuộc địa bàn các huyện Con Cuông (2 vườn), Quỳ Hợp (1), Nghĩa Đàn (2), Anh Sơn (1).
Nhận xét về 2 vườn cam của các ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quang Thuận tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, ông Trịnh Thạch Lam, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt – BVTV) cho biết:
“Mô hình điểm đòi hỏi quá trình chăm sóc hợp lý, đảm bảo cân đối về chế độ dinh dưỡng, quản lý dịch hại kịp thời, sử dụng thuốc BVTV đúng nguyên tắc, đúng thời điểm nên cây cam sinh trưởng, phát triển tốt.
Sâu bệnh gây hại duy trì ở mức thấp, tình trạng vàng, rụng lá cơ bản được khắc phục. Bộ lá, rễ phục hồi và phát triển tốt. Hiện tượng cam ngơ, rụng quả giảm trên 70% so với năm 2018, nhìn chung thấp hơn nhiều so với những vườn xung quanh”.
Theo Việt Khánh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã