Đến nay, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đã gửi văn bản đề nghị Bộ Công an và được chấp thuận danh sách cho 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh theo quy định; hiện danh sách đã được UBND huyện chuyển đến cơ quan Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và một số đơn vị liên quan. Các thương nhân này sẽ đến địa phương thu mua vải của người dân.
“Huyện Lục Ngạn đã chủ động bố trí 5 khách sạn, nhà nghỉ để đón thương nhân nước ngoài đến cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chốn dịch Covid-19 đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt”, ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết.
UBND huyện Lục Ngạn cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là quản lý thị trường và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chống gian lận thương mại tại các điểm thu mua vải thiều, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thương lái lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh để ép giá các hộ dân hoặc hiện tượng trừ lùi cân trong việc thu mua vải thiều.
Tổng diện tích trồng vải toàn huyện được duy trì gần 15.300 ha, trong đó vải chín sớm khoảng 2.000 ha, chiếm 13%; vải thiều chính vụ khoảng 13.300 ha, chiếm 87%; dự báo sản lượng đạt trên 85.000 tấn.
Vụ vải thiều chính vụ thu hoạch từ 10/6 - 30/7. Trước đó, vải chín sớm đã thu hoạch từ ngày 25/5.
Tính đến ngày 29/5, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được 415 tấn vải chín sớm, tập trung tại các xã: Phượng Sơn, Tân Mộc, Giáp Sơn, Phì Điền...
Hiện, toàn huyện Lục Ngạn đang có 11.000 ha sản xuất theo quy trình VietGap; 100 ha diện tích sản xuất chuẩn GlobalGap; duy trì 217 ha vải thiều của 394 hộ sản xuất được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp 18 mã số xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Đồng thời, phía Trung Quốc đã cấp 36 mã số đối với toàn bộ vùng trồng vải thiều Lục Ngạn và 299 doanh nghiệp, HTX, cơ sở được công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu chính ngạch quả vải thiều tươi vào thị trường Trung Quốc.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều theo 3 phương án:
Phương án 1, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới: Vải sẽ tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và chế biến. Giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ nội địa, chế biến (sấy khô, đóng hộp, ép nước) và trữ lạnh.
Phương án 2, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng chưa hết dịch: Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; xuất khẩu thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á và chế biến.
Phương án 3, khi tình hình dịch bệnh covid-19 được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường: Đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ như những năm trước. Hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ như: đóng hộp, ép nước, sấy khô.
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có 500 điểm cân của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động thu mua, tiêu thụ vải thiều, khoảng 400 lò sấy của nhân dân, có thể sấy khổ từ 13.00 - 15.000 tấn quả.
Theo QUANG DŨNG/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã