Nhiều vườn cà phê "xóa trắng"
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khởi - nông dân tại huyện Trảng Bom kể, từ năm 2018, ông đã chặt bỏ gần 1ha cà phê trong vườn do giá giảm thấp. Đến vụ thu hoạch năm 2019, tình trạng giá thấp vẫn kéo dài nên ông chặt bỏ hết những cây cà phê xen canh còn lại, nhường đất cho sầu riêng.
Cà phê vốn là cây truyền thống của tỉnh Đồng Nai trong 50 năm qua. Đây cũng từng là cây trồng chủ lực của huyện Trảng Bom, với diện tích rất lớn. "Nhiều người có hàng chục năm gắn bó, từng khá giả lên nhờ cây trồng này. Nhưng đến nay, nhiều vùng cây cà phê hầu như bị xóa trắng" - ông Khởi kể.
Tại huyện Cẩm Mỹ, mùa cà phê năm nay vẫn đang tiếp tục đối diện khó khăn do khô hạn kéo dài suốt từ tháng 3, lại đúng vào thời điểm cà phê ra hoa. Ông Đỗ Ngọc Nhân (ngụ huyện Cẩm Mỹ) thông tin, nắng hạn không chỉ làm giảm mạnh nguồn nước thủy lợi trong các ao hồ mà nước ngầm cũng sụt giảm đáng kể. Nhiều nông dân trong vùng đang lo lắng tình trạng thiếu nước làm ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.
Bộ Công Thương mới đây cho biết, tình trạng thiếu nước cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê ở khu vực Tây Nguyên. Nguồn cung cà phê trong nước hạn chế là nguyên nhân giúp giá cà phê tại thị trường nội địa tăng trở lại kể từ đầu tháng 5/2020, có nơi giá đã tăng lên 32.000 đồng/kg.
Tuy nhiên ông Nhân cho rằng, mức giá trên vẫn không thấm tháp vào đâu so với công sức đầu tư của người trồng. Vụ thu hoạch tháng 11 năm ngoái, giá cà phê giảm xuống còn 29.000 - 30.000 đồng/kg, được xem là thấp nhất trong 10 năm qua.
Nay giá mới nhấp nhổm tăng trở lại, ổn định ở mức trung bình 31.000 đồng/kg. Thực tế, mức giá này vẫn chưa đủ làm người trồng cà phê yên tâm vì thu không đủ bù chi.
"Mùa thu hoạch năm nay nếu giá không khá hơn, tôi cũng chặt bỏ cà phê để đầu tư cây trồng khác" - ông Nhân chia sẻ.
Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, diện tích cà phê trong tỉnh hiện chỉ còn khoảng 10.000ha. Con số này đã giảm 20% so năm 2018, giảm 50% so cách đây hơn chục năm về trước. Hơn nữa, giá cà phê giảm thấp liên tục và kéo dài nên nhiều nông dân bỏ bê chăm sóc. Một số nơi đã chuyển đổi sang cây trồng khác có lợi thế hơn.
"Đến nay, 80% diện tích cà phê trên địa bàn đang được người dân trồng xen với cây trồng khác. Tỷ lệ tái canh cà phê bằng giống mới vẫn chưa cao, chỉ khoảng 15%" - ông Sinh nói.
"Thu gọn" diện tích, đầu tư theo chiều sâu
Tỉnh Đồng Nai khuyến khích đầu tư cà phê chiều sâu. Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức đánh giá lại chất lượng cà phê từng vùng để khuyến cao người dân thay đổi tập quán sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, quảng bá thương hiệu để tạo dựng được chuỗi cà phê rang xay hoặc cà phê chế biến mang đặc thù của Đồng Nai".
Ông Trần Lâm Sinh
Tuy nhiên, do cà phê vẫn là mặt hàng chủ lực có thế mạnh nên Đồng Nai vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng này.
Thực tế cho thấy, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai bị ảnh hưởng nặng nhưng cà phê vẫn là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu tăng cao.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Đồng Nai đã xuất khẩu được gần 107.000 tấn cà phê, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường xuất khẩu cà phê của Đồng Nai là hơn 30 quốc gia, trong đó thị trường chính vẫn là Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Giá cà phê xuất khẩu những tháng đầu năm nay cũng tương đương với năm trước, gần 1.720USD/tấn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, phần lớn các dòng thuế sẽ giảm về 0%. Cùng với các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm từ gỗ, mặt hàng cà phê sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu từ các thị trường tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Hiện Đồng Nai đã xây dựng xong đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Một trong những nội dung được chú trọng là nghiên cứu về thị trường nội tỉnh, thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế. Đây là cơ sở để định hướng cho nông dân sản xuất đúng với nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Lâm Sinh cho biết, Sở NNPTNT cũng đang đề xuất UBND tỉnh không mở rộng diện tích cà phê, thay vào đó sẽ rà soát lại, thu gọn để tập trung vào những khu vực trồng cho chất lượng cao, tiến tới hình thành các sản phẩm đặc sản.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã