Tới những ngày cuối tháng 3/2021 thị trường lúa gạo miền Tây vẫn nóng như nắng hạn đầu Hè. Dân thương lái lúa quanh khu vực tập trung nhiều nhà máy xay xát gạo ở Thốt Nốt, Ô Môn (Cân Thơ), so sánh: Giá lúa hiện tăng bình quân 1.000 đ/kg so với thời điểm trước tết, vào đầu tháng 1 khi lúa ĐX sớm bắt đầu thu hoạch ở Sóc Trăng.
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại Thốt Nốt là một trong những DN có liên kết với các HTX và nông dân sản xuất lúa trên cánh đồng lớn ở một số địa phương thuộc các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Theo doanh nghiệp nầy, đến nay phần lớn diện tích lúa ở vùng phù sa ngọt sông Hậu đã thu hoạch xong lúa vụ ĐX (2020-2021).
Công ty Trung An đang thu mua lúa trên cánh đồng lớn tại Kiên Giang. Tùy theo loại giống lúa, mức thu mua bình quân từ 6.700 đ/kg đến 7.000 đ/kg. Sau khi lúa vùng hạ thu hoạch xong, nhiều ghe thương lái thu mua lúa lần lượt đổ lên đồng xa vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang đón đồng lúa mới mở.
Ở ĐBSCL vào mùa lúa ĐX sớm trong khoảng tháng chạp trước tết ở các tỉnh vùng ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng… lúc đó giới kinh doanh lúa gạo dự đoán trước giá lúa sẽ còn tăng cao. Theo Cục Trồng trọt, đến nay có khoảng hơn 1 triệu ha trong tổng số hơn 1,5 triệu ha lúa ĐX ở ĐBSCL đã thu hoạch. Thị trường tiêu thụ tốt và lúa vẫn đứng mức giá cao từ đầu năm đến nay.
Lúa thơm đặc sản luôn đứng mức giá cao nhất. Lúa ST24, ST25 nông dân bán tại ruộng 7.500-7.700 đ/kg. Các giống lúa thơm nhẹ như OM4900, RVT, Đài Thơm 8…giá bán từ 6.800 đ/kg đến 7.200 đ/kg. Các giống lúa thường cho phẩm chất gạo trung bình thu hoạch bán tại ruộng 6.700-6.850 đ/kg. So với vụ ĐX 2019-2020, giá lúa hiện cao hơn 1.000 đồng đến 2.500 đ/kg.
Cùng lúc các cửa hàng gạo bán lẻ giữ giá sau chợ tết, kéo theo các loại gạo tăng thêm bình quân 1.000 đ/kg. Tại Cần Thơ gạo dài cũ có giá thấp nhất 13.500 đ/kg.
Dân thương lái lúa điểm lại từ nằm 2020 đến nay giá lúa luôn ở mức cao. Nông dân làm lúa có lời khá hơn trước. Hộ nào có ruộng lúa càng nhiều, thu lợi nhuận gộp lại càng cao. Trong số nhiều loại nông sản khác, hiện thời lúa hút hàng bậc nhất. Lúa vừa trổ chín thì 'cò lúa', thương lái tới lui nườm nượp gạ giá, bỏ cọc. Trong khi thời giá thị trường báo qua điện thoại, nông dân nắm chắc giá mới chịu bán lúa trên đồng.
Tuy vậy khi giá lúa lên cơn sốt, cùng với doanh nghiệp và dân thương lái còn có giới ‘cò lúa’ tham gia vào cung ứng lúa gạo. 'Cò lúa' chạy về đồng đặt tiền cọc với nông dân trước, sau đó dẫn mối thương lái tới mua. Dù vậy mối quan hệ ‘tay ba' nầy thường là hợp đồng miệng. Chuyện bẻ kèo, cãi cọ trả lại tiền cọc diễn ra như cơm bữa một khi lúa biến động giá tăng.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Trung An, cho rằng: Hiện nay thị trường lúa gạo lên giá, doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng giá mới, hoạt động mua bán kinh doanh càng khó hơn. Đó là tình hình chung nên khi lúa ĐX đang chín trên đồng, chưa gặt mà đã có người tới đặt tiền cọc trước mua hết cả rồi.
Một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, bày tỏ dè dặt: Qua 3 tháng đầu năm nay thị trường gạo xuất khẩu đang tốt nhưng rủi ro rất cao cho các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng lúa gạo nguyên liệu trong nước. Nhất là một khi mặt bằng giá biến động cả thương lái và doanh nghiệp đều gặp khó, nhất là không mạo hiểm ký hợp đồng trước khi chưa chủ động nguồn nguyên liệu trong kho.
Theo dự báo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong bối cảnh thị trường thế giới hiện nay mức độ nhập khẩu gạo các nước châu Á sẽ duy trì tương đương năm 2020. Tuy nhiên rất có khả năng các nước như Trung Quốc, Philippines…sẽ điều chỉnh chính sách nhập khẩu gạo cho phù hợp với thực tiễn tình hình. Riêng Bangladesh sẽ tập trung nhập khẩu trong năm 2021 để bù đắp cho sản lượng nội địa sụt giảm nhằm bình ổn thị trường trong nước. Hàn Quốc và Úc cũng là hai điểm sáng trên thị trường nhập khẩu gạo khi sản lượng trong nước liên tục sụt giảm. Trong khi đó thị trường châu Âu dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và Việt nam là một đối tác quan trọng trong thương mại gạo. Thị trường các nước châu Phi còn tùy thuộc vào khả năng tài chính, thanh toán và sức mua của người tiêu thụ.
Về chủng loại gạo xuất khẩu, gạo thơm các loại chủ yếu là Đài Thơm và một số giống lúa OM dự kiến sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn do nhu cầu Trung Quốc và châu Âu cao hơn so năm 2020 cùng với nhu cầu nhập khẩu ổn định từ các nước khu vực Đông Nam Á như Philippines. Dự báo gạo trắng 5% tấm chất lượng cao sẽ tăng. Mặt hàng nếp dự báo ổn định nhờ nhu cầu từ Trung Quốc. VFA nhận định: Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 tiếp tục có khuynh hướng chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao với giá bán và giá trị cao hơn.
Năm 2020 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 6,2 triệu tấn, trị giá trên 3,1 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân xấp xỉ 500 USD/tấn. So với năm 2019 giảm 1,9% về số lượng và trị giá tăng trên 11%, giá bình quân tăng trên 18,7 USD/tấn. Chủng loại gạo xuất khẩu: Gạo Đài Thơm 8 chiếm tỷ trọng 26,5%, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số lượng gạo xuất khẩu, kế đến gạo OM5451 chiếm 21,3% và tiếp theo sau là Nếp, Tấm nếp, các loại gạo thơm khác…
Theo HỮU ĐỨC/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã