Học tập đạo đức HCM

Sản xuất chè VietGAP - Hướng đi bền vững

Thứ năm - 18/04/2024 20:30
Đưa các giống mới thay thế giống cũ và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất cây chè tăng từ 6 - 7%, đồng thời thay đổi ý thức người dân.
h1 nguoi trong che o ky anh ngay cang co su chuyen bien tich cuc trong y thuc canh tac che theo huong dam bao an toan than thien voi moi truong
Người trồng chè ở Kỳ Anh ngày càng có sự chuyển biến tích cực trong ý thức canh tác chè theo hướng đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân vùng thượng của huyện. Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, việc phát triển các mô hình chè VietGAP đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng đặc biệt quan tâm. Đây đang là hướng đi đúng của người trồng chè tại xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh.
Hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20%
Gia đình bà Tô Thị Nồng tại thôn Nam Sơn, xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh) đã có hơn 10 năm trồng chè nguyên liệu. Mặc dù diện tích chè chỉ 1ha, song nhờ đầu tư cải tạo, trồng mới bằng giống chè PH1, cùng với việc chuyển đổi chăm sóc chè theo hướng VietGAP nên sản lượng chè tăng lên đáng kể.
Bà Nồng chia sẻ: “Việc chăm sóc chè theo hướng VietGAP mặc dù có tốn nhiều công sức hơn nhưng thu hoạch được lượng búp chè nhiều hơn từ 10 - 15%. Sau đợt thu hoạch lứa đầu tiên, thời điểm này gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân để chè kịp ra lứa tiếp theo cho năng suất cao hơn nữa".
Trước đây, gia đình chị Dương Thị Thanh tại xã Kỳ Trung bỏ hoang gần 1ha đất vườn do chưa tìm ra được cây trồng thích hợp. Sau khi thấy cây chè cho thu nhập cao và ổn định, năm 2009, chị đã quyết định cải tạo đất và trồng chè. Đến nay, gia đình chị đã có 0,7ha chè cho sản phẩm và 0,3ha chè trồng mới.
Xác định chè là cây trồng chính trong phát triển kinh tế, gia đình chị Thanh đã tập trung đầu tư thâm canh bằng các giống năng suất, chất lượng cao, thay thế dần những giống chè già cỗi năng suất thấp và thực hiện việc sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo ra sản phẩm chè an toàn.
h2 cac thanh vien to hop tac san xuat che vietgap nam son xa ky trung ky anh ngay cang chu trong san xuat che theo huong huu co chu dong dau tu tham canh che co chat luong nang suat cao
Các thành viên Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Nam Sơn (xã Kỳ Trung, Kỳ Anh) ngày càng chú trọng sản xuất chè theo hướng hữu cơ, chủ động đầu tư thâm canh chè có chất lượng, năng suất cao
Gia đình chị chủ động nguồn phân chuồng ủ hoai mục bón cho cây chè bằng cách chăn nuôi thêm bò và gà. Ngoài ra, chị đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt nên dù thời tiết khắc nghiệt nhưng nguồn nước tưới cho cây chè vẫn đảm bảo. Nhờ đó, toàn bộ diện tích chè của gia đình chị phát triển tốt, cho nhiều búp, năng suất 13 - 15 tấn/ha, với giá bán bình quân từ 7 nghìn đồng/kg, mỗi năm chị thu nhập hơn 100 trăm triệu đồng.
Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Nam Sơn (xã Kỳ Trung) có 41 thành viên, mỗi năm cung cấp cho Xí nghiệp chè 12/9 gần 320 tấn chè búp tươi. Thông qua sản xuất chè VietGAP, người dân đã biết cách ghi chép nhật ký từ khâu làm đất, ươm giống, bón phân đến thu hái; phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đảm bảo thời gian cách ly theo quy định... Từ đó giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt chi phí sản xuất giảm, giá trị sản phẩm được nâng lên. Hiện nay giá chè tươi đang tăng, dao động từ 7.500 - 7.600đ/kg nên người dân rất phấn khởi, chuẩn bị thu hoạch lứa thứ 2 để cung cấp cho Xí nghiệp chè 12/9.
Anh Trần Công Quý, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Nam Sơn chia sẻ:  “Sản xuất chè VietGAP không chỉ đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ mà còn góp phần tạo tính đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn giữa các thành viên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, biến chè nhằm đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng ngày càng chất lượng.
Việc trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng hiệu quả kinh tế của các hộ dân tham gia mô hình từ 15 - 20% so với trồng chè đại trà, giảm số lần phun thuốc từ 2 - 3 lần, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái.
Ông Nguyễn Hà Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung cho biết: Kỳ Trung là xã miền núi có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sự phát triển của cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xác định chè nguyên liệu là cây trồng chủ lực, vừa tạo việc làm, vừa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, địa phương đã có các chính sách hỗ trợ trồng, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các vườn ươm cây giống, liên kết với Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho bà con nông dân. Ngoài ra còn đưa các giống chè PH1, LDP1 là những giống năng suất cao, chất lượng tốt vào trồng đại trà.
"Hiện nay, xã Kỳ Trung phát triển được gần 160ha chè nguyên liệu, trong đó hơn 130ha đã cho thu hoạch, với 80% hộ gia đình tham gia trồng chè. Nguồn thu từ cây chè mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Đặc biệt, đã xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh; nâng cao được kiến thức quản lý an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, người trồng chè, qua đó đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè. Năng suất chè bình quân mỗi năm đạt 13 - 15 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng hơn 1.700 tấn chè búp tươi" ông Tuyên cho biết thêm.
Tăng 6 - 7% năng suất nhờ sản xuất VietGAP
Phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững, có liên kết đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường. Ngoài ra, việc ứng dụng các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch đã góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất chè quy mô và bền vững.
h3 thay doi ve quy trinh ky thuat canh tac da khoac chiec ao moi cho vung che ky anh
Thay đổi về quy trình, kỹ thuật canh tác đã "khoác chiếc áo mới" cho vùng chè Kỳ Anh.
Xí nghiệp chè 12/9 (thuộc Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh) đã thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình phát triển của diện tích chè ở các hộ dân, qua đó hướng dẫn cụ thể cho người dân thời điểm và kỹ thuật thu hái để búp chè đạt chất lượng cao nhất nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng và tính cạnh tranh thông qua sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Xí nghiệp chè 12/9 cho biết: Hiện nay Xí nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm chè búp cho 250ha chè kinh doanh của hơn 500 hộ dân các xã Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh) với gần 3.000 tấn chè nguyên liệu mỗi năm. Để thu mua hết sản phẩm chè búp tươi cho người dân, Xí nghiệp đã tổ chức chế biến chè búp với công suất 15 tấn mỗi ngày.
"Xí nghiệp luôn yêu cầu nông dân cẩn thận trong các khâu sản xuất, bảo quản, giữ vững cam kết hai bên về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng ưu tiên chất lượng. Ngoài ra, Xí nghiệp còn hỗ trợ người dân 110.000đ/tấn phân chuồng nhằm từng bước sản xuất chè theo hướng hữu cơ", ông Kiền cho biết thêm.
h4 cac don vi chuyen mon cua nganh nong nghiep ha tinh nhung nam qua da trien khai nhieu hoat dong ho tro nguoi trong che o ky anh trong viec thay doi quy trinh ky thuat san xuat
Các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh những năm qua đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người trồng chè ở Kỳ Anh trong việc thay đổi quy trình, kỹ thuật sản xuất
Trong quá trình hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân trong hoạt động sản xuất của Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Nam Sơn, bà Đặng Thị Thuận, Phó Trưởng phòng Chuyển giao Khoa học kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) cho biết: “Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà còn nâng cao ý thức của người dân về việc sản xuất sản phẩm chè an toàn. Việc đầu tư thâm canh đúng quy trình và áp dụng đồng bộ các giải pháp đã giúp cây chè sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, ít bị sâu bệnh gây hại, năng suất cây chè tăng từ 6 - 7% so với sản xuất chè truyền thống”.
Qua đánh giá hoạt động của Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Nam Sơn, ông Vũ Phạm Xuân Anh, chuyên gia đánh giá của Tổ chức chứng nhận FAO (Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO) cho biết: “Đến nay, các hộ dân đã nắm chắc quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, cây chè phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Đây là vùng chè an toàn đối với người sử dụng. Chúng tôi đang tiến hành lấy mẫu đất, nước, sản phẩm để phân tích, đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Tổ hợp tác”.
Ánh Nguyệt
 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập273
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm264
  • Hôm nay32,245
  • Tháng hiện tại690,314
  • Tổng lượt truy cập90,753,707
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây