Hẳn du khách chẳng còn xa lạ gì với món gỏi cá - một món ăn dân dã có thể bắt gặp được ở nhiều vùng miền khác nhau. Món ăn này được chế biến từ rất nhiều loại cá khác nhau và đặc trưng theo từng vùng miền.
Ở Vũng Tàu món gỏi lạ miệng mà hấp dẫn này được làm từ cá mai. Loài cá mai sinh sống theo bầy ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu rất nhiều. Cá mai có hình dáng nhỏ và dài tựa như cá cơm. Tuy nhiên thịt cá mai trong, ít thanh và săn chắc hơn nhiều. Khi chế biến thịt cá không bị nhớt và bở thịt. Chính vì vậy cá mai làm gỏi thì tuyệt vời.
Và cũng thật không quá lời để nói trong các món hải sản, gỏi cá mai là một trong những đặc sản gây nhiều "thương nhớ" cho những ai đã từng nếm thử khi ở Vũng Tàu. Bởi nếu ở những vùng biển khác, ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp món gỏi cá mai này nhưng yếu tố quyết định của món gỏi cá mai có 1-0-2 ở Vũng Tàu ngon hay không lại còn ở bí kíp làm nước chấm. Xương cá mai được nấu cùng với các gia vị khác, thêm một ít mè, đậu phộng rang vàng giã nhuyễn tạo nên loại nước chấm thơm ngon, đặc biệt và... "không đụng hàng".
Chế biến được món gỏi cá mai thơm ngon, hấp dẫn, đầu bếp phải là một người có "gu" ẩm thực tinh tế và khéo léo.
Cá mai hầu như có thể đánh bắt quanh năm tại Vũng Tàu nhưng nhiều nhất là thời điểm cuối năm. Loài cá này ngon nhất khi làm gỏi ăn cùng rau sống và thứ nước chấm đậm đà của người dân vùng biển này.
Để có được đĩa gỏi cá mai ngon thì đầu bếp phải biết chọn cá tươi sao cho chuẩn. Đầu bếp sẽ dùng những con cá tươi vừa mới đánh bắt, dài khoảng 6cm, sau đó đánh vảy rửa sạch, rút xương . Cá sau khi làm sạch đem đi ướp giấm, chanh, tỏi, ớt làm chín cá. Sau đó sẽ trộn thính gạo cho thơm rồi trải thành lát mỏng trên dĩa cho đẹp mắt.
Thính gạo được người ở đây tự làm để khi bóp gỏi cá mai sẽ ngon hơn. Thính được làm từ gạo ngon đem rang vàng sau đó giã nhuyễn. Khi bóp cùng cá thơm thơm vừa bùi làm dậy hẳn mùi cá. Thiếu thính này thì gỏi cá mai sẽ mất hẳn một phần hương vị.
Bên cạnh cá tươi và thính thì một phần quan trọng không thể thiếu chính là nước chấm gỏi.
Nước chấm ở đây thường được làm từ nước mắm đậu phộng theo một cách riêng. Nước đường đem thắng cho có màu nâu cánh gián rồi để nguội, ớt đỏ chọn quả loại lớn, bỏ hột rồi đem luộc chín. Cho hỗn hợp tỏi, ớt luộc, đường thắng, cho vào máy xay nhuyễn. Sau đó bỏ thêm đậu phộng mới rang vào xay nhuyễn tiếp lần 2. Nêm thêm mắm ngon, thêm chanh, tỏi, một chút soda hoặc mắm tôm hoặc vừng tuỳ theo khẩu vị là đã có thứu nước chấm vừa đậm đà vừa ngọt bùi ấn tượng.
Gỏi cá mai thường được ăn kèm với bánh tránh, rau sống, rau thơm, khế chua, chuối chát, để cân bằng các hương vị. Cuốn một miếng gỏi đầy đủ nguyên liệu bạn có thể cảm nhận được vị ngọt của cá tươi, vị bùi béo của đậu phộng, vị chát của chuối xanh, mùi thơm của thính gạo, chút chua của khế, mùi thơm của các loại rau thơm. Chấm cùng nước mắm đậu phộng "thần thánh" đúng là ngon số 1.
Sự kết hợp hoàn hảo của cá mai với mùi thơm của đậu phộng, các loại rau và vị chua chát của khế, muối khiến người ăn cảm nhận được đầy đủ hương và vị mang đến sự khác lạ của món ăn. Vì thế, những người đến Vũng Tàu thường rỉ tai nhau, nhất định phải thử món ngon Vũng Tàu – món gỏi cá mai ở Vũng Tàu.
Theo Tuệ Lâm - Thùy Linh/danviet.vn
https://danviet.vn/vung-tau-dem-loai-ca-trang-trong-suot-lam-goi-cham-voi-thu-nuoc-khong-dung-hang-ra-dac-san-la-ngon-het-say-20210506233227541.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã