Như vậy, kể từ thời điểm ngày 23/10/2017 đến nay đã đủ 6 tháng - đó là thời gian “thử thách” mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra nhằm hạn chế sản phẩm hải sản của Việt Nam. Lý do là phương pháp khai thác thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam đã không tuân thủ những quy định về luật pháp mà EU đưa ra.
Đánh bắt và chế biến hải sản - thế mạnh của Việt Nam.
Theo hình phạt mà EU đưa ra, nếu trong thời gian 6 tháng, Việt Nam không có biện pháp nhằm cải thiện tình hình- theo đánh giá của EU- họ sẽ chuyển sang cảnh báo “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU.
Hình phạt của EU có thể sẽ gây ra những thiệt thòi lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Vì nếu xét về kim ngạch xuất khẩu, ngành thủy sản luôn đứng ở top đầu các lĩnh vực với sản lượng xuất khẩu luôn ở mức cao hàng năm. Đặc biệt, EU luôn là một trong những thị trường giàu tiềm năng đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
EU nằm trong top đầu những nước nhập khẩu thủy hải sản Việt Nam và năm 2017, xuất khẩu ngành hàng này sang EU vượt lên trên cả thị trường Hoa Kỳ và những nước giàu tiềm năng khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên EU vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam.
Tuy nhiên, động thái của EC lại đang khiến cho ngành thủy sản Việt Nam khó hy vọng về một sự bứt phá trong lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng này.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc EU rút thẻ vàng đối với ngành này chắc chắn sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho các ngành thủy sản nói riêng, và toàn ngành kinh tế nước nhà nói chung. Bởi dù thế nào, thủy sản vẫn luôn là ngành đã và đang có những đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của cả nước.
Do vậy, nếu EU rút thẻ vàng và đến ngày hôm nay, những thử thách mà khối này đưa ra không có gì thay đổi, chiếc thẻ đỏ sẽ được thay thế, đồng nghĩa với việc EU đóng cửa đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Lúc đó, mọi kỳ vọng của ngành thủy sản Việt Nam vào thị trường này đều sẽ tan biến. Có thể dùng từ “dấu chấm hết” cho thủy sản Việt Nam nếu như chúng ta bị “lĩnh án thẻ đỏ”. Đây chẳng phải là một thiệt hại quá lớn cho Việt Nam hay sao?
Không chỉ thiệt hại về kinh tế nếu như EU đóng cửa, đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam mà nói, sẽ là sự mất mát rất lớn những cơ hội để DN có thể va chạm với các đối tác khu vực này. Như chúng ta đã biết, Liên minh châu Âu có 28 nước thành viên, có thể nói, nếu duy trì được thị trường này, các DN Việt sẽ có cơ hội rất lớn để mở rộng đối tác với 28 nước thành viên của EU.
Và không chỉ có những thế mạnh về kinh tế, chúng ta sẽ có điều kiện để tiếp cận với các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, xã hội, thể chế…từ các nước phát triển, để từ đó các DN có thể thay đổi mình, lĩnh hội, phát huy những điểm mạnh và loại bỏ dần những điểm yếu.
Nói như vậy để thấy, việc EU đang có ý định đóng cửa đối với ngành thủy sản Việt Nam đang “cướp” đi hàng loạt cơ hội hợp tác của chúng ta đối với 28 thành viên của khối này.
Tuy nhiên ở một góc độ khác, sự nghiêm khắc của Ủy ban châu Âu dù làm mất đi nhiều cơ hội mở rộng hợp tác của các DN Việt ở trong khối EU nhưng lại mở ra những cơ hội mới cho họ trước bối cảnh chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới. Theo đó, nhiều chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, EU rút thẻ vàng sẽ buộc các DN ngành thủy sản phải sốc lại mình, phải tái cơ cấu ngành để có thể thích nghi được với thời kỳ hội nhập hiện nay.
Bởi nếu vẫn còn duy trì những cách làm cũ, khai thác một cách bừa bãi nguồn tài nguyên biển không theo một quy củ, trật tự nào, thì không những DN Việt tự đánh mất cơ hội của mình mà còn tận diệt luôn nguồn tài nguyên biển quý báu mà thiên nhiên đã dành tặng cho Việt Nam.
Bản thân nhà quản lý cũng đã nhận hành động của EU. Bởi hơn ai hết, chính chúng ta luôn hiểu rất rõ về bản thân mình đang đứng ở đâu trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay. Điều này thể hiện rất rõ ở hành động của Chính phủ ngay khi chiếc thẻ vàng của EU được rút ra.
Đó là, Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ chủ động ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong đó đặc biệt lưu ý Bộ NNPTNT phải thanh tra, kiểm tra công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác tại các địa phương; kiểm tra, giám sát sản phẩm, nguyên liệu thuỷ sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để tái xuất sang EU hoặc sang Mỹ và các nước có quy định nghiêm ngặt về khai thác thủy/hải sản.
Và ngay trong thời gian 6 tháng qua, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của các DN Việt khi họ đã và đang nỗ lực thực hiện những giải pháp để nhằm ngăn chặn chiếc thẻ đỏ từ phía EU. Và cho dù, quyết định của EU sau ngày hôm nay như thế nào, thì chúng ta vẫn cần phải thừa nhận rằng, ngành thủy sản vẫn “được” nhiều hơn là “mất”.
Bởi suy cho cùng, cái mất về kinh tế vẫn có thể lấy lại được, nhưng nếu mất về thương hiệu thì chúng ta sẽ mất hết, không chỉ ở thị trường EU mà còn trên phạm vi thị trường toàn thế giới.
Duy Khang/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã