Lãng phí “món quà” thiên nhiên
Trong các cộng đồng dân cư sống dọc theo sông Mê Kông, ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi nguồn thủy sản rất lớn, trong đó cá nước ngọt tự nhiên chủ yếu có nguồn gốc di cư. Khoảng tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, khi các yếu tố tự nhiên thuận tiện cho sinh sản, di cư, sinh trưởng, như: Nhiệt độ, lượng mưa, tốc độ dòng chảy, lưu lượng nước, thức ăn… các loài cá này tập trung di chuyển từ vùng hạ lưu sông Mê Kông xuống ĐBSCL để sinh sản. Trứng, ấu trùng, cá bột giống, cá giống thuộc các loài cá di cư trôi theo dòng chính vào các kênh, rạch, vùng ruộng ngập lũ sinh trưởng và phát triển trong suốt mùa lũ cùng với các loài cá không di cư. Cuối mùa lũ, khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, chúng di chuyển về sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông để trú ẩn và di cư về thượng lưu khi thành thục.
Với kinh nghiệm lâu năm, ngư dân vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, điển hình là ngư dân An Giang hiểu biết khá sâu về tập tính các loài cá này, nên tập trung khai thác từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Những năm gần đây, ngư dân An Giang đã sử dụng phổ biến khoảng 21 loại ngư cụ, gồm: Xung điện, đăng (dớn), lưới rê, lưới kéo, lưới rùng, lợp, chài, câu, đáy, xà di, chà, lưới vây, xiệp, vó, vợt xúc, chúm, cào (hến, ốc), ụ lươn… để đánh bắt thủy sản. Ngư dân đã khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên quá mức tự phục hồi, đáng báo động là tình trạng đánh bắt cá bố mẹ đang mang trứng, cá con đang trong giai đoạn sinh trưởng, lạm dụng xung điện (xuyệt điện, cào điện, chài điện), sử dụng dớn có kích thước nhỏ để đánh bắt cá đủ kích cỡ…
Theo Cục Thống kê tỉnh, năm 2011, sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 40.000 tấn (trong đó cá 30.000 tấn). Đến năm 2016, sản lượng giảm còn 21.000 tấn (trong đó cá 11.000 tấn). Có nhiều yếu tố làm suy giảm nguồn lợi thủy sản nhưng việc đánh bắt quá mức phục hồi tự nhiên là một trong những nguyên nhân chính.
Nỗ lực bảo vệ
Trên tinh thần chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, những năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã đẩy mạnh truyền thông về cấm đánh bắt cá con, cấm sử dụng xung điện, sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ so với qui định, cấm đánh bắt cá trong mùa vụ sinh sản… Từ năm 2011 đến nay, Sở NN&PTNT duy trì phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lễ thả cá bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Công tác này đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, góp phần thay đổi ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển nguồn lợi thủy sản. Năm 2017, Sở NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn đối tượng bản địa quý hiếm, có giá trị được khuyến khích thả và danh mục các loài không được thả, không khuyến khích thả.
Cùng với đẩy mạnh truyền thông, từ năm 2011 đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang đã ra nhiều quyết định xử phạt ngư dân có hành vi sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản với số tiền hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó là tịch thu nhiều dynamo, dây điện, xuyệt điện, bình ắc quy và lập hội đồng tiêu hủy tang vật hàng năm. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, nhiều ngư dân vẫn cứ đánh bắt cá con, sử dụng xung điện kết hợp với ngư cụ, lưới có kích thước nhỏ để tận thu thủy sản. Họ còn biết “né” lực lượng chức năng bằng cách tổ chức đánh bắt ban đêm, đánh bắt vào ngày nghỉ khiến nguồn lợi thủy sản càng suy giảm mạnh và cạn kiệt nhanh hơn.
Để quản lý tốt công tác khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục thực hiện các công việc đã có hiệu quả từ nhiều năm qua. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật, chú trọng quản lý tàu cá, hạn chế phát triển nghề đáy sông, phối hợp xử lý sai phạm…
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản tự nhiên suy giảm mạnh về sản lượng, thành phần loài, kích cỡ và dự báo sẽ cạn kiệt trong vài năm tới, Chi cục Thủy sản sẽ cùng với các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền địa phương xử lý kiên quyết, triển khai nhiều biện pháp mạnh hơn nhằm từng bước bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã