Vươn lên từ những điểm sáng
Tăng trưởng kinh tế tăng cao trong bối cảnh các biến số phản ánh ổn định kinh tế được cải thiện, đặc biệt là tỉ lệ lạm phát và nợ công có xu hướng giảm rõ rệt, cán cân thương mại thặng dư, môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút vốn FDI liên tục tăng…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nền kinh tế như con tàu đã qua bước lấy đà, tăng tốc chạy băng băng suốt 3 quý tiếp theo, lần lượt qua các mốc tăng trưởng mới 6,28% tại quý II; 7,46% trong quý III; và chốt quý IV với mức tăng 7,65%. Kết quả là năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, lần đầu tiên sau nhiều năm vượt mục tiêu đề ra.
Ông Lâm cho rằng, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam xét về mặt sản xuất là sản xuất theo định hướng xuất khẩu, xét về mặt sử dụng là tiêu dùng của hộ dân cư vẫn mạnh mẽ.
Những năm gần đây, các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế đang dần được cải thiện và có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Hệ số ICOR có xu hướng giảm dần, cho thấy hiệu quả của nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Nếu năm 2013, để tạo ra 1 đồng tăng thêm GDP cần 6,67 đồng vốn đầu tư, thì năm 2017 chỉ cần 6,1 đồng vốn đầu tư.
Thực trạng thu hút đầu tư trong những năm gần đây cho thấy Chính phủ đã không còn theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP của giai đoạn 2007-2011 từ 38,4% giảm xuống còn 31,9% giai đoạn 2012-2017.
Đặc biệt, hai nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư là đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tăng thêm trên 2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2012-2017.
Đánh giá cao vai trò của tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tiêu dùng cuối cùng của dân cư. Năm 2017, tiêu dùng cuối cùng chiếm 74,51% GDP, đóng góp 5,52 điểm phần trăm tăng trưởng.
Việt Nam được đánh giá là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu nước ngoài (FDI), trong ngắn hạn khu vực kinh tế FDI vẫn có những đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại cải thiện từ nhập siêu năm 2015 (3,2 tỷ USD), năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD và năm 2017 đạt thặng dư 2,67 tỷ USD.
Ngoài ra, theo Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 4,31 năm 2016 lên 4,4 năm 2017. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Như vậy, tăng trưởng kinh tế đang tăng tốc trên nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc.
Khơi thông “đường băng” tăng trưởng
Nhìn chung, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 rất tích cực, tuy nhiên về trung và dài hạn, sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các chính sách của Chính phủ và tốc độ thẩm thấu của các chính sách tốt vào nền kinh tế.
Chính sách của Chính phủ có thể được thiết kế tốt nhưng việc gỡ bỏ các rào cản, và sức ỳ thể chế để chính sách tốt có tác động hiệu quả tích cực lên nền kinh tế, lên hoạt động của các doanh nghiệp (mà đón đầu là những doanh nghiệp lớn) sẽ là thước đo quan trọng phản ánh năng lực thực sự của một “Chính phủ kiến tạo và hành động để phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra phương châm hành động của năm 2018: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, đây là sự trăn trở của Thủ tướng về một thông điệp nhất quán, có thể trở thành chủ trương của Chính phủ.
Theo TS. Cung, quan chức, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò chính trọng việc thực hiện phương châm của Thủ tướng, đặc biệt là người lãnh đạo. Phương châm này buộc họ phải thay đổi. Khi làm bất cứ điều gì người lãnh đạo cũng đều phải nghĩ tới liêm chính, hiệu quả, sáng tạo để thay đổi hành vi.
Chính phủ đã xác định thực hiện nhất quán 3 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...
Vì thế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong dự báo, năm 2018, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP cao thuộc nhóm hàng đầu khu vực và gấp đôi mức tăng trưởng chung toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần chủ động có nhiều kịch bản đối phó kịp thời với những diễn biến khó lường của thị trường và thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh), nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế và yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi vấn đề nợ xấu và lạm phát, sở hữu chéo.
TS. Phong đặc biệt lưu ý tới áp lực lạm phát năm 2018 sẽ gia tăng đối với Việt Nam do cộng hưởng nhiều nhân tố, nhất là áp lực lạm phát chi phí đẩy (tăng giá dịch vụ công và lương...), gắn với gia tăng giá xăng dầu, hệ quả độ trễ của mở rộng dư nợ tín dụng, tăng các công cụ thanh toán và điều chỉnh tỷ giá trung tâm trong năm 2017.
Ngoài ra, khả năng nhu cầu nông sản và giá nông sản thế giới được dự báo sẽ phục hồi cũng góp phần làm tăng giá hàng lương thực, đẩy giá tiêu dùng đi lên.
Một số chỉ tiêu cơ bản năm 2018: Bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% so với năm 2017 Kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4% Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP./. |
Theo Trần Ngọc/VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã