Chúng ta chẳng hiểu gì về đối tác!
Việc thiếu thông tin thị trường ở các nước xuất khẩu khiến chúng ta chịu nhiều quả đắng.
Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn khi nói về lý do tại sao từ đầu năm 2015 đến nay, xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. “Chúng ta đi buôn với họ mà chẳng biết gì về họ cả. Có những cái ta đinh ninh chỉ mình ta có nhưng thực ra họ đã có rồi. Lâu nay nhiều người nghĩ Việt Nam có thế mạnh về các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vải hay dưa hấu nhưng thực tế ở vùng miền Nam Trung Quốc, họ đã trồng được các loại quả này”, ông Tuấn nói.
Vị trí “một mình một chợ” bị lung lay đang diễn ra đối với nhiều mặt hàng. Theo phân tích của TS.Đặng Kim Khôi, Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn), ngành hàng gạo đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia. Cụ thể, trong quý I/2015, sản lượng gạo xuất khẩu sang hai thị trường chính là Trung Quốc và Philippines đều giảm tương ứng 120.000 tấn và 60.000 tấn. Ngoài nguyên nhân phía đối tác giảm nhu cầu nhập khẩu còn có sự xuất hiện của Campuchia trên thị trường Trung Quốc (sản lượng xuất khẩu đạt 70.000 tấn trong quý I/2015) và tăng xuất khẩu tiểu ngạch từ Myanmar vào Trung Quốc (sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn trong năm 2014). “Myanmar đang nổi lên như một nước xuất khẩu gạo mới. Nếu hệ thống thủy lợi của họ được cải thiện tốt hơn thì Việt Nam phải dè chừng”, ông Khôi đưa ra cảnh báo.
Trên cơ sở tham chiếu giá gạo xuất khẩu của các đối thủ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích nhận định: Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo khó khăn là do giá chào của chúng ta cao so với đối thủ. Thực tế, giá gạo trắng của Việt Nam không hề rẻ so với Thái Lan, thậm chí còn cao hơn Ấn Độ một chút, trong khi đó Ấn Độ lại có lợi thế cạnh tranh ở châu Phi còn Thái Lan đang muốn thắng ta ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines. “Tại sao cũng trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm nhưng Thái Lan có thể phân tán lượng gạo ra thị trường dễ dàng hơn ta? Lý do là vì gạo của Việt Nam không có thương hiệu, không kiểm soát được dư lượng hóa chất, không truy xuất được nguồn gốc”, ông Bích nói.
Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ cá tra là độc quyền của Việt Nam nhưng trên thực tế, cá tra Việt Nam vẫn chưa tạo lập được thị trường riêng mà khi xuất khẩu phải cạnh tranh với các sản phẩm tươi sống khác trên thị trường cá thịt trắng, bao gồm cá thịt trắng đánh bắt tự nhiên và rô phi. Những năm gần đây, đánh bắt đại dương tại các vùng biển của các nước được đẩy mạnh do nguồn lợi thủy sản được khôi phục, nghề nuôi cá rô phi cũng phát triển mạnh.
Đối với mặt hàng càphê, so với quý I/2014, kim ngạch xuất khẩu suy giảm mạnh ở thị trường Bỉ, Đức, Hoa Hỳ, Trung Quốc, Algeria, Nhật Bản và Nga với tổng khối lượng càphê sụt giảm trong quý I/2015 là 248.000 tấn. Tại các thị trường này, càphê Việt Nam bị thay thế bởi càphê Brazil và Colombia.
TS.Nguyễn Trung Kiên, Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá xuất khẩu nông sản, trong đó có trái cây của Việt Nam luôn thấp là do các thương lái chưa quan tâm đến khâu phân loại, đóng gói mà chỉ bán xô theo phương thức “cả đống”. Cùng một loại mận, ớt từ Việt Nam nhưng sau khi phân loại, đóng gói đưa vào siêu thị bên Trung Quốc được bán với giá cao ngất ngưởng. Trong các siêu thị ở Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan đắt hơn Việt Nam 4 Nhân dân tệ/kg nhưng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng vì chất lượng ngon, mẫu mã đẹp. “Chúng ta đang giữ phương thức giao dịch quá nhiều rủi ro khi có cái gì thì mang lên biên giới cái đó và đến biên giới mới đi tìm mối hàng thông qua hệ thống tải xích (một dạng cò) mà không có những đối tác tin cậy. Chúng ta cũng đang thiếu thông tin trầm trọng về các đối tác dù đang làm ăn với họ. Nên nhớ, Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư rất lớn để phát triển ngành trái cây như thành lập văn phòng phát triển ngành hàng trái cây tại một số tỉnh; đầu tư của các doanh nghiệp nước này vào nông nghiệp cũng tăng nhanh khiến tốc độ tăng trưởng của ngành hàng hoa quả tăng 30-40%/năm trong vòng 5 năm trở lại đây. Người Trung Quốc từng tuyên bố: Việt Nam trồng được cái gì họ sẽ trồng cái ấy, thậm chí chúng tôi từng chứng kiến cảnh hàng đoàn xe tải chở hành, tỏi sản xuất tại Trung Quốc, Myanmar được phân loại tại Pò Chài và đưa sang Bắc Ninh tiêu thụ. Rõ ràng sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn”, ông Kiên nhận định.
Điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp thị trường
Theo ông Tuấn, xuất khẩu nông sản giảm không hẳn là do nhu cầu của các nước giảm mà là do chúng ta đang thiếu thông tin thị trường để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. “Lâu nay chúng ta cứ nghĩ chỉ mình có thế mạnh nhưng thực tế, con cá tra đang bị cạnh tranh với cá thịt trắng đánh bắt tự nhiên và rô phi. Còn trong ngành trái cây, đừng tưởng chỉ có chúng ta trồng được mận, thanh long, vải, dưa hấu mà bây giờ rất nhiều vùng ở Trung Quốc sản xuất được với giá thành rẻ hơn, chất lượng ngon hơn. Nếu không có những đột phá về mặt khoa học công nghệ, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp thì không những xuất khẩu khó khăn mà còn có thể bị đánh bại ngay trên sân nhà khi hàng rào thuế quan không còn nữa”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, việc dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu thời gian qua không hẳn do ách tắc ở khâu thông quan. Trong xuất khẩu, thông quan chỉ là việc nhỏ, đi qua cửa khẩu lớn hay là những đường mòn lối mở không quan trọng bằng việc chúng ta phải tìm được những đối tác tin cậy, có thông tin một cách chính xác, ký hợp đồng hẳn hoi chứ không thể chỉ dựa vào mấy ông tải xích”, ông Tuấn nhấn mạnh. Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về thị trường nông sản Trung Quốc nói chung và các nước nói riêng để cảnh báo cho nông dân sản xuất phù hợp.
Trong bối cảnh đang bị cạnh tranh gay gắt, việc tìm hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất cũng phải được tính đến. Ông Tuấn khuyến nghị, chúng ta nên tính đến việc tham gia vào thị trường gạo cấp cao chứ không thể dậm chân ở thị trường bình dân vốn đang chịu sức ép cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu gạo mới nổi như hiện nay; đa dạng hóa cơ cấu nuôi trồng thủy sản, hướng đến những đối tượng mới như rô phi, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho thủy sản xuất khẩu; xây dựng bộ phận nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ tham tán nông nghiệp để thu thập thông tin và hỗ trợ phát triển thị trường tại nước ngoài; có cơ chế điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn để duy trì khả năng cạnh tranh của xuất khẩu nông sản trong dài hạn. Trong ngắn hạn, nếu cần tiếp tục ổn định tỷ giá để duy trì các cân đối vĩ mô thì cần có cơ chế bù đắp cho xuất khẩu nông sản như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nới rộng định mức tín dụng, hỗ trợ lãi suất, phí vận chuyển hay xúc tiến thương mại…
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho rằng, muốn giải quyết được những khó khăn trong xuất khẩu nông sản, cần xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện, chúng ta đang phải phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường truyền thống ở châu Á, vì vậy, nếu không có sự bứt phá, tìm hướng đi mới, chắc chắn nhiều mặt hàng sẽ còn gặp khó khăn.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, liên kết doanh nghiệp và nông dân đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Thực tế, thời gian qua, chỉ tính riêng mặt hàng trái cây, nhiều doanh nghiệp phía Nam đã có những cách tiếp cận thị trường phù hợp, biết liên kết với nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn, đáp ứng được những yêu cầu của thị trường. Ở phía Bắc, nhất là các vùng trồng vải, nông dân và doanh nghiệp cũng đang liên kết theo hướng này, tích cực, chủ động điều chỉnh sản xuất theo yêu cầu của phía đối tác. Việc quả vải bước đầu được đưa sang thị trường Mỹ, Australia, Pháp là tín hiệu bước đầu, khẳng định hướng đi đó là đúng. Nhưng để nâng cao số lượng xuất khẩu, đòi hỏi một quá trình bền bỉ, thay đổi sản xuất, tổ chức kinh doanh, trong đó vai trò của chính quyền địa phương, doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng. Việc hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với nông dân là điều kiện tiên quyết.
Khánh Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã