Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra nhận định, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, năng lực chế biến và tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế và tổ chức sản xuất thì cắt khúc, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, việc nông sản được mùa mất giá còn có nguyên nhân do khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở vật chất hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản còn yếu kém.
Buôn bán gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long
Để khắc phục tình trạng trên, hạn chế ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của nông dân, người đứng đầu ngành nông nghiệp đưa ra các giải pháp, như: theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xử lý kịp thời những khó khăn có tính chất tình huống. Cụ thể là phối hợp thực hiện các giải pháp để tăng khả năng thông quan ở các cửa khẩu với Trung Quốc. Đàm phán với Indonesia để tái xuất khẩu hành tím và phối hợp với các nước sản xuất, xuất khẩu cao su thiên nhiên chính để hạn chế tăng nguồn cung, chống đầu cơ ép giá...); điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình thị trường.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thông tin thêm, trong 10 mặt hàng xuất khẩu nông sản năm nay có 5 mặt hàng mất giá, 5 mặt hàng được giá. “Tôi nghĩ rằng phải bình tĩnh trong mọi tình huống, ví như dưa hấu là khả năng thông quan thấp, còn hành tím ở Sóc Trăng 70% xuất khẩu nhưng khi Indonesia dừng nhập khẩu thì ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng tôi đã sang tận Indonesia, nhưng việc này cần phải có thời gian vì đó là chính sách của cả một quốc gia, không thể thay đổi tắp lự được”.
Ví dụ thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam bán nông sản sang đó không phải vì giá cả hấp dẫn nếu so với các thị trường khác, thậm chí giá bán chỉ bằng 1/2, 1/3. Nhưng chúng ta vẫn xuất sang thị trường này, bởi chưa biết cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng khó tính như EU, Hoa Kỳ… hoặc gần như Singapore, Australia… Ấy vậy mà bán sang người hàng xóm này cũng chẳng suôn sẻ gì. Mỗi năm mùa nào thức ấy và câu chuyện bị xử ép tại cửa khẩu biên giới lại xảy ra; chậm thanh toán; hủy ngang hợp đồng tràn lan… vẫn như chuyện thường ngày.
Hơn lúc nào hết, việc thông qua các FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) để tiếp tục đa đạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam, tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng là một cơ hội không thể bỏ qua. Với các FTA, Việt Nam không chỉ kỳ vọng ở việc tiếp cận thị trường với thuế quan ưu đãi mà còn ở các cơ hội trao đổi, đàm phán để giải quyết những vấn đề vốn trước nay là rào cản giữa Việt Nam và các thị trường này như hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ.
Năm 2015 là một dấu mốc quan trọng cho nền kinh tế đất nước khi hàng loạt FTA được ký kết và thực thi. Trong các hiệp định này, Việt Nam đều tràn trề cơ hội tìm được đầu ra ở những thị trường tiềm năng khổng lồ cho những sản phẩm chủ lực của mình như: nông sản, thủy sản, dệt may và đồ điện tử…
Lo cho nông nghiệp là lo cho 70% đồng bào
Sắm “vai” lo đầu ra tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, khi các hiệp định thương mại tự do hoàn tất, Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ, có trách nhiệm thì thị trường sẽ mở toang cho tất cả hàng hóa Việt chứ không riêng nông sản. Tuy vậy, nông sản vẫn là nỗi lo lắng thường trực của ngành công thương - với vai trò là cơ quan tìm kiếm thị trường xuất khẩu mỗi khi thị trường trong nước không tiên thụ hết được.
“Lo cho tam nông là lo cho 70% đồng bào, vì thế, không chỉ Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT mà Chính phủ cũng luôn thể hiện trách nhiệm cao với lĩnh vực này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Cử tri cả nước cũng phấn khởi vì ngành công thương đã nhận ra những bất cập trong phương thức điều hành và thay đổi theo hướng sát với thực tế đang diễn ra. Về tình trạng suy giảm xuất khẩu, nhất là với hàng nông sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương vừa qua đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các đoàn công tác của nước bạn vào tìm hiểu thị trường Việt Nam. “Thậm chí, các vị lãnh đạo cao cấp của nước ta khi làm việc với phía bạn đã luôn quan tâm đề xuất phía bạn mở của thị trường cho hàng nông sản”, Bộ trưởng Công Thương phát biểu trên nghị trường. “Không có lý do gì mà họ vào ta mà ta không vào họ cả!”.
Kênh thứ 2 mà Bộ Công Thương cũng hết sức chú trọng là thông qua đàm phán hiệp định thương mại, cả hiệp định thương mại tự do lẫn hiệp định thông thường. “Chúng tôi nhận thức rằng, mặc dù khu vực nông nghiệp chỉ đóng góp 18% GDP nhưng có liên quan đến đời sống của 70% dân số và đóng vai trò hết sức quan trọng trong ổn định xã hội, nên trong quá trình đàm phán luôn luôn đặt ra yêu cầu ưu tiên hàng hóa nông sản. Trong các hiệp định đã ký, chúng ta cơ bản đã đạt được yêu cầu này. Gần nhất là việc Liên minh kinh tế Á - Âu đã chấp nhận thuế suất bằng 0% với toàn bộ nông sản của ta. Với Hàn Quốc chúng ta cũng đạt quota 10.000 tấn tôm và tăng dần những năm tới…”, người đứng đầu ngành công thương cho biết. Theo Bộ trưởng, sự suy giảm vừa qua mang tính nhất thời và tới đây, nếu làm tốt việc nâng cao chất lượng nông sản thì khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do; tình hình sẽ được cải thiện.
Đối với thị trường trong nước, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản mua của nông dân 1, nhưng đến tay người tiêu dùng là 5, là 10, nguyên nhân vì thương nhân phải thực hiện quá trình loại bỏ những sản phẩm hỏng, chất lượng kém… nên khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng đều là những mặt hàng đã được “tuyển chọn”, do đó giá bị đội lên nhiều.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển khâu lưu thông từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, mới mong giảm được giá khâu trung gian, từ đó giảm giá bán. Đến nay đã đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp được 8.500 chợ góp phần tiêu thụ 40% số lượng bán lẻ. Hệ thống siêu thị gồm 900 trung tâm thương mại đã tiêu thụ khoảng 20% sản phẩm trong nước. Ngoài ra hệ thống kho bãi để tập kết hàng nông sản cũng có khoảng 1 triệu kho bãi để phân loại, đóng gói tiêu thụ. Cùng với đó là có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần.
Dẫu vậy, theo nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, phẩm cấp của nông sản vẫn là mấu chốt của vấn đề. Nếu chất lượng vừa phải, mẫu mã trung bình thì đề cập câu chuyện cạnh tranh là cực kỳ khó khăn với ngành công thương, không khác gì “dí quả thối” cho đồng nghiệp. Không còn nhiều thời gian để nâng lên đặt xuống, mà cả ngành nông nghiệp cần phải có chiến lược hết sức cụ thể cho từng ngành hàng để tránh tình trạng như dưa hấu, hành tím thời gian vừa qua.