Người nuôi cá tra tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn Ảnh: TL Cả DN và người nuôi đều chịu lỗ Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 1,45 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt chỉ đạt 162,8 triệu USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ. Đây là con số phản ánh rõ nét nhất những gì đang diễn ra ở ngành cá tra hiện nay. Đó là: Người nuôi treo ao, DN sản xuất và chế biến buộc phải giảm giá thành, chịu lỗ. Nhiều tháng trở lại đây, người nuôi cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải chịu cảnh treo ao, bỏ cá vì lỗ nặng. Theo tính toán của một hộ nông dân nuôi cá tra ở tỉnh Khánh Hòa, giá thành 1 kg cá tra đến lúc xuất bán là 25.000 đồng/kg, nhưng thực tế, hộ nông dân này chỉ bán được với giá 19.500 đồng/ kg. Như vậy, với mỗi kg cá, nông dân lỗ tới 5.500 đồng. Nếu tính cả ao nuôi khoảng 150 tấn cá, một hộ nông dân bị lỗ tới 700 - 800 triệu đồng. Lỗ nặng như vậy, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng lại khó, nên nhiều hộ nông dân đã quyết định bỏ ao. Phía người nuôi cá là vậy, còn phía DN cũng khó khăn không kém. Theo phản ảnh của nhiều DN sản xuất và chế biến cá tra, kể cả lúc thị trường ổn định nhất, DN chỉ bán được cá với giá 2,5 USD/kg (trong khi giá sàn mà VASEP đưa ra là mức 3 USD/kg). Thậm chí, có DN chỉ chào giá ở mức 1,8 - 2,3 USD/kg. Như vậy bình quân mỗi kg cá, DN đang phải chịu lỗ 0,2 - 0,7 USD. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng cá tra vùng ĐBSCL đạt 1,2 triệu tấn/năm, nhưng hiện nay, quá nhiều DN tham gian sản xuất, chế biến cá tra nên công suất thực của các nhà máy chế biến lên tới 2,5 triệu tấn/năm. Như vậy, sản lượng nuôi chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu sản xuất. Chính vì vậy, lâu nay đã diễn ra một thực tế là, nhiều DN tìm mọi cách để giành giật thị trường bằng cách giảm giá bán. Song, nguy hiểm hơn, có DN chấp nhận giảm cả chất lượng sản phẩm để tồn tại. Sự cạnh tranh không lành mạnh, co kéo thị trường đã đẩy cả DN và người nuôi cá tra lâm cảnh thua lỗ. DN thì chịu bán dưới giá thành, người nông dân phải treo ao. Cả DN và người nuôi cá tra đều đang trông chờ vào cứu cánh duy nhất là nguồn vốn ngân hàng. Nhưng đáng buồn là, cả ngân hàng cũng đang quay lưng lại với họ. "Không có tài sản thế chấp, DN không thể vay được vốn từ phía ngân hàng” – ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hộiThủy sản Đồng Tháp phản ánh. Gần 34.000 tỷ tiền vốn đổ đi đâu? Như vậy, chỉ nhìn qua vài nét "phác thảo” bức tranh ngành cá tra như ở trên, có thể thấy rõ, ngành cá tra đang gặp không ít khó khăn đối với việc tiếp cận vốn vay. Con cá tra vì thế, chưa lúc nào thoát khỏi tình trạng "thoi thóp”. Thế nhưng, theo thông tin mới nhất được Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phát ra, tổng nguồn vốn cho vay ngành cá tra trong 9 tháng đầu năm đạt 33.762 tỷ đồng (tăng 11,22% so với năm 2011). Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu con số này thực sự được đầu tư đúng chỗ, thì sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành cá tra trong thời buổi khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, ngay lập tức, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản đã lên tiến phản ứng với con số này. Theo Phó Chủ tịch VASEP – ông Nguyễn Hữu Dũng nhận định: Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nói đã có trên 5.900 hộ dân và 280 DN sản xuất cá tra được vay vốn là hết sức vô lý. Bởi thực tế hiện nay, số hộ nuôi cá tra phải treo ao là rất nhiều. Lãnh đạo VASEP cũng như dư luận đều phải đặt dấu hỏi: Nếu số vốn mà NHNN đưa ra là chính xác, thì cần phải xem lại, những DN đã được tiếp cận vốn có đầu tư vào đúng mục đích nuôi cá tra hay không, hay đổ vốn sang mục đích khác (?) Về vấn đề này, trước đó đã có ý kiến cho rằng việc đầu tư "ngoài luồng” của các doanh nghiệp thủy sản là nguyên nhân chính dẫn đến khan hiếm vốn... Thực tế đang diễn ra hiện nay cho thấy, chưa có gì để có thể hy vọng mối quan hệ giữa người nuôi cá tra, DN chế biến và ngân hàng sẽ được cải thiện trong thời gian sớm nhất. Và nếu như vậy, con cá tra sẽ còn đối diện với bộn bề khó khăn. Giới chuyên gia cho rằng, chỉ khi 3 nhà (người nuôi, DN và ngân hàng) tìm được tiếng nói đồng thuận, thì con cá tra mới hết cảnh "thoi thóp” như hiện nay. Minh Phương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã