Tiếp cận vốn, hành trình gian khó Dứt khoát không để nông dân bỏ chuồng Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần nhằm động viên, hỗ trợ người chăn nuôi trong thời kỳ khó khăn. Theo ông Tần, Việt Nam là nước có tiềm năng chăn nuôi lớn mà lại trở thành quốc gia đi nhập khẩu thịt thì quá vô lý. Chính vì thế, cần phải "chiến đấu" quyết liệt: Một là, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi trong nước phát triển; hai là, quản lý chặt chẽ, hạn chế tới mức tối đa nạn gia cầm nhập lậu để giữ giá bán gia cầm của nông dân trong nước. Theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, từ đầu tháng 7 đến nay, Hội đã cùng Cục Chăn nuôi có nhiều kiến nghị lên Chính phủ đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Ngày 8/8/2012, Chính phủ có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay cho các trang trại, hộ gia đình, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp nhất là 11% đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, hiện nhiều trang trại không còn gì thế chấp để vay mới, trong khi đàn gia cầm lại không phải là tài sản thế chấp. Chưa kể các trang trại nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận được chính sách tín dụng mới này. Để giải quyết khó khăn, từng bước khôi phục đàn gia súc, gia cầm, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Cục Chăn nuôi nắm bắt tình hình ở các địa phương, các trang trại để xem chính sách của Thủ tướng Chính phủ (về hỗ trợ tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới) có đến với người chăn nuôi hay không? Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã báo cáo với Chính phủ về thực trạng của các trang trại nhỏ và vừa, đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện đúng chủ trương. "Nếu không sớm giải quyết vấn đề tín dụng thì người chăn nuôi sẽ không thể tái sản xuất", ông Tần nói. Cũng theo ông Vang, thêm một yếu tố gỡ khó cho ngành chăn nuôi là giảm giá thành bằng cách giảm giá thức ăn chăn nuôi (giảm 5% thuế giá trị gia tăng - GTGT, hiện các nước Đông Nam Á không áp thuế GTGT với thức ăn chăn nuôi), đa dạng hóa sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng, các doanh nghiệp chế biến nên sử dụng nguồn thịt trong nước. Đồng quan điểm với ông Vang, nhiều doanh nghiệp cho rằng, phải "kéo" giá đầu vào giảm xuống vì người chăn nuôi hiện đang gánh nhiều loại thuế từ nguyên liệu, thuốc thú y nên giá thành chăn nuôi khó giảm. Nhà nước cần bỏ thuế GTGT ra khỏi ngành thức ăn chăn nuôi vì thuế này đánh trực tiếp vào người dân, bỏ thuế này ra thì giá thành chăn nuôi sẽ giảm 5%. Ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nam Việt cho biết, để "cứu" người chăn nuôi, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp thu mua cho vào kho trữ với lãi suất 0%. Bên cạnh đó, phải tổ chức tốt khâu tiêu thụ, hạn chế thương lái đẩy giá bán lên cao dù giá xuất chuồng đang rẻ. Kiểm soát thương lái, giữ giá bình ổn để kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, ngành chăn nuôi cần làm tốt vấn đề quy hoạch từ làng, xã đến vùng miền; cần có chính sách đầu tư hợp lý hơn và khuyến khích phát triển quy mô lớn, xóa dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Theo ông Trần Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CP Việt Nam: "Các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư mạnh về con giống, bởi có con giống tốt sẽ tăng năng suất, giảm diện tích chăn nuôi và ô nhiễm môi trường" . Trị tận gốc nạn nhập lậu gà Để giải quyết vấn nạn nhập lậu gà, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bàn bạc, hợp tác với các bộ, ngành, địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, Thủ tướng đã có 2 công điện chỉ đạo xử lý. Tuy nhiên, tình hình chỉ lắng dịu được thời gian ngắn, khoảng một tháng trở lại đây, tình trạng nhập lậu gia cầm lại có xu hướng gia tăng. Nếu không siết chặt gia cầm nhập lậu, giá gà trong nước sẽ tiếp tục hạ, người chăn nuôi thua thiệt và không thể tái đàn, nguy cơ dịp Tết Nguyên đán thiếu gia cầm là điều khó tránh khỏi. Dẫu biết rằng việc bắt giữ và xử phạt những đối tượng vi phạm trong vận chuyển, tiêu thụ gà lậu rất khó khăn nhưng không phải không làm được. Ông Vang cho rằng, cần phải đưa hành vi buôn bán gia súc, gia cầm lậu vào danh mục những đối tượng chịu trách nhiệm hình sự thì mới đủ sức răn đe. Vì thực tế cho thấy, vấn nạn buôn bán gà lậu đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi và sức khỏe của hơn 80 triệu người tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, khi cơ quan báo chí đã đăng tải các thông tin sai phạm thì ngành chức năng cần phải có mặt ngay tại hiện trường để xác thực thông tin và xử lý triệt để các sai phạm đó, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng biết và không sử dụng. Đại diện Công ty cổ phần Nam Việt cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia cầm, trước mắt phải siết chặt tình trạng nhập gà lậu ngay từ biên giới, đặc biệt các cửa khẩu phải xử phạt thật nghiêm những đầu nậu buôn gà lậu. Tiếp theo đó là thực hiện biện pháp tiêu huỷ ngay lượng gia cầm nhập lậu; đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng lò giết mổ tập trung, để người dân có thể sử dụng sản phẩm gia cầm sạch, nói không với gia cầm nhập lậu. Thứ trưởng Tần cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương thực hiện quyết liệt công điện của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tốt gia cầm nhập lậu, tránh để tình trạng gia cầm lậu tuồn vào ồ ạt như thời gian qua. Thêm một nguyên nhân góp phần "giết chết" ngành chăn nuôi trong nước là nhiều doanh nghiệp Việt vẫn nhập gà thải loại, gà chất lượng kém vào nội địa theo đường chính ngạch. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, từ cuối tháng 8/2012 đến nay, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã xuất hiện gà và các sản phẩm chân gà, cánh gà… có xuất xứ từ Hàn Quốc. Các sản phẩm này được nhập theo đường chính ngạch, có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng. Thực chất đây là gà thải loại từ các trang trại, có hàm lượng dinh dưỡng thấp, không loại trừ khả năng tồn dư các chất kháng sinh, sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Theo thống kê, hiện có khoảng 20-25 tấn gà Hàn Quốc được nhập về mỗi tháng, tương đương 80-100 tấn thịt. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, việc nhập khẩu thịt đông lạnh, đặc biệt là gà loại thải, đã được báo chí, người dân lên tiếng từ lâu nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. "Càng nhập thịt, nhất là hàng thứ phẩm, phế phẩm giá bèo về thì giá trong nước càng xuống, ngành chăn nuôi trong nước càng lao đao", ông Công nói. Về vấn đề này, Thứ trưởng Tần yêu cầu các đơn vị rà soát, đề xuất bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm nâng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu gia cầm, bảo vệ chăn nuôi trong nước. Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật để ngăn chặn những sản phẩm không đủ chất lượng nhập vào nội địa. Theo ông Vang, cần đưa ra những quy định về nhập khẩu gà loại thải đông lạnh cũng như các loại thịt nhập để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Có thể công nghệ bảo quản của các nước phát triển như Hàn Quốc rất tốt nhưng khi về Việt Nam được bày bán tại siêu thị, do khâu bảo quản kém nên chưa chắc chất lượng sản phẩm được đảm bảo đến tay người tiêu dùng. Còn nội tạng gà và các loại "đầu thừa đuôi thẹo" như cổ, cánh thì khả năng tồn dư chất độc hại là rất cao. Hy vọng Chính phủ, các bộ ngành chức năng sớm có biện pháp hạn chế vấn đề nhập lậu gia súc, gia cầm cũng như khẩn trương rà soát thực hiện tái cơ cấu nợ đối với các hộ chăn nuôi, cho vay mới để người dân yên tâm sản xuất.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã