Học tập đạo đức HCM

“Cấp cứu” doanh nghiệp thủy sản khó khăn

Thứ ba - 11/09/2012 03:46
Tỉnh Cà Mau hiện có 29 doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với khó khăn, thách thức và chỉ duy trì sản xuất, kinh doanh cầm chừng; đặc biệt trong đó có bảy DN đang trong tình trạng nguy kịch do thua lỗ nặng, ngưng hoạt động và có nguy cơ phá sản nếu không được “cấp cứu” kịn thời, vực dậy.
 

Khó khăn, thách thức

Tám tháng qua, toàn tỉnh ước đạt kim ngạch xuất khẩu gần 574 triệu USD, tăng 04% so với cùng kỳ; trong đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tôm. Tuy đạt doanh số xuất khẩu khá, nhưng chỉ tập trung vào tám DN chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu của tỉnh là Công ty Cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty cổ phần Quốc Việt, Cases, Anh Khoa, Thủy sản Năm Căn; Nông sản thực phẩm, Tắc Vân và Hòa Trung.

Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội chế biến thủy sản Cà Mau, thiếu vốn, lãi suất vay vốn cao ảnh hưởng đến sản xuất và chế biến là nguyên nhân trực tiếp. Năm 2011 và đầu năm 2012, lãi suất vay vốn tăng cao từ 8%-25% /năm và đối với những khoản vay dài hạn trước đó với lãi suất thấp cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng lên kéo dài vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, gần đây lãi suất huy động có giảm từ 14% xuống 13%, 12% rồi 9%, trần lãi suất đầu ra tối đa không quá 15%. Một số ngân hàng thương mại tại Cà Mau đã điều chỉnh giảm lãi suất xuống 12% đến 14%, tùy theo đánh giá mức độ tín nhiệm của ngân hàng đối với từng DN.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất diễn ra rất chậm chạp, khiến nhiều DN vẫn phải xoay sở trả nợ với lãi suất cao. Thiếu vốn, lãi suất cao nên khi thị trường biến đổi bất lợi do DN không thể dự trữ hàng mà phải bán ngay với bất kỳ giá nào dẫn đến thua thiệt, khó khăn chồng lên khó khăn. Trong khi đó, các chi phí đều tăng cao ảnh hưởng đến sức sản xuất, khả năng cạnh tranh xuất khẩu, như giá điện, nhân công, bao bì, cước vận chuyển, thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE, phí công đoàn, riêng phí kiểm dịch thú y tăng 300%...

Mặc khác, do năng lực cạnh tranh, trình độ quản lý của các DN không đồng đều; đối sách với khủng hoảng và sự thích ứng với các biến động thị trường thiếu năng động dẫn đến sản xuất, kinh doanh sa sút; tạo nên sự phân hóa lớn giữa các DN. Các doanh nghiệp lớn, đầu đàn – mạnh tiếp tục phát triển mạnh lên; các DN vừa và nhỏ thành lập chưa lâu, ít kinh nghiệm trên thương trường gặp khó khăn tăng lên. Điều này đã lý giải vì sao cùng chịu tác động khủng hoảng như nhau, môi trường sản xuất kinh doanh (SXKD) giống nhau… nhưng vẫn có DN mạnh lên, có DN xuống dốc.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, khủng hoảng đã tác động sâu sắc đến SXKD của DN, lấy mất nhiều cơ hội lẫn lợi thế của DN này nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội, lợi thế cho DN khác tiếp tục ăn nên làm ra.

Ngoài các nguyên nhân chung đã nêu, khó khăn gay gắt còn xuất phát từ nội tại của DN như: hoạt động chủ yếu bằng vốn vay gấp 5-6 lần vốn chủ sở hữu; sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ xấu tăng cao, mất khả năng thanh toán, bị ngân hàng siết nợ thắt chặt cho vay, giảm hạn mức tín dụng hoặc không cho vay tiếp nên không còn vốn hoạt động.

Việc không ít DN do không nắm đầy đủ thông tin về khách hàng, bị khách hàng chiếm dụng với số vốn lớn không thu hồi được hoặc do đầu tư lớn ra ngoài tỉnh kém hiệu quả dẫn đến khó khăn chồng lên khó khăn. Gần đây đã có một số nhà đầu tư mua lại một số công ty đang ở tình trạng khó khăn, nhưng mua rồi để đó không triển khai sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng và đang xảy ra tranh chấp.

Theo Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015, các tỉnh khu vực ĐBSCL không đầu tư thêm nhà máy mới; chỉ ưu tiên đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị đối với nhà máy hiện có đã lạc hậu. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa quan tâm đưa ra khuyến cáo; thực hiện nghiêm túc chủ trương này; trong khi nhà đầu tư lại thiếu thông tin. Do công nghiệp chế biến phát triển nóng, thiếu quy hoạch vùng trong thời gian dài và gần như chưa có sự phối hợp, liên kết vùng trong phát triển ngành chế biến thủy sản xuất khẩu; nhà máy tiếp tục mọc lên dẫn đến thực trạng công suất chế biến tăng nhanh, vượt xa so với nguồn nguyên liệu thực có. Khi cung-cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến tranh mua, tranh bán bằng mọi giá dẫn đến việc thiếu nguyên liệu vì thế càng trầm trọng thêm, gây tổn thất cho DN và lãng phí lớn tiềm lực đất nước.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh Cà Mau hiện có 34 xí nghiệp, nhà máy với tổng cộng suất chế biến đạt trên 185 nghìn tấn; trong khi sản lượng nuôi trồng chỉ có thể đạt 120 nghìn tấn tôm nguyên liệu/năm. Điều này đã lý giải vì sao nhiều năm qua ngành chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau luôn thiếu hụt nguồn nguyên liệu gay gắt; các nhà máy của tỉnh chỉ hoạt động đạt bình quân khoảng 40-50% công suất. Do đó, việc thiếu nguyên liệu còn tiếp tục kéo dài đến năm 2020; dù tỉnh đã triển khai các giải pháp, kế hoạch phát triển sản xuất nuôi trồng để tăng sản lượng nguyên liệu cho chế biến.

Thêm vào đó, thị trường cũng biến động khó lường. Năm 2011, giá xuất khẩu tôm tăng cao; ngược lại từ đầu năm đến nay giá tôm sụt giảm mạnh, bình quân trên 25-30% so với cùng kỳ; cụ thể giá tôm nguyên liệu giảm mạnh từ 40-70 nghìn đồng/kg, cộng với dịch bệnh tôm chết triền miên đã tạo cú sốc đối với người sản xuất nguyên liệu dẫn đến hàng loạt DN thua lỗ nặng.

“Cấp cứu” doanh nghiệp

Trước khó khăn chung, tỉnh Cà Mau đã đề ra các giải pháp hỗ trợ các DN. Trước hết là có bước đi, cách làm cụ thể “cấp cứu” đối với hàng loạt DN đang sản xuất, kinh doanh “xâp xệ” hoặc thua lỗ, ngưng sản xuất.

Tỉnh cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Cà Mau theo dõi và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh kịp thời đề xuất hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vay với mức trần lãi suất theo quy định; ưu tiên đối với DN sản xuất hàng xuất khẩu; cơ cấu lại nợ để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo phản ánh chung của nhiều DN, việc triển khai thực hiện thần Nghị quyết 13 của Chính phủ gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN tại Cà Mau là rất chậm. Đến nay, hàng loạt DN vẫn chưa thể tiếp cận được việc tháo gỡ khó khăn thông qua việc miễn, giảm các loại thế, nợ… Do đó, cần thực hiện ngay chính sách khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ vốn vay cho DN đang gặp khó khăn và điều chỉnh giảm lãi suất vay vốn đối với vốn đã vay cũ lẫn vay mới, cho cả vốn dài hạn và vốn ngắn hạn cho đúng với tình hình lãi suất đang giảm; trên cơ sở những quy định cơ chế cụ thể, minh bạch đảm bảo chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước được các Ngân hàng thương mại thực hiện nghiệm chỉnh.

Trước mắt, đề nghị Ngân hàng tăng hạn mức tín dụng và cho vay bằng hình thức tín dụng thế chấp vì thực tế hầu hết các DN đã thế chấp hết tài sản cho Ngân hàng để bảo đảm tiền vay và không còn tài sản để thế chấp cho các khoản vay mới; lãi suất cho vay hiện còn khá cao, cần giảm thấp hơn… Với các DN mất cân đối về tài chính, yêu cầu được Ngân hàng khoanh nợ và cho vay mới để tiếp tục sản xuất.

Cùng với các kiến nghị về vốn, các DN cũng đã chủ động đề ra giải pháp tự cứu mình: tập trung sắp xếp, tổ chức lại sản xuất một cách hợp lý để đạt mức tăng trưởng, giữ cho được sản xuất, việc làm cho công nhân. Áp dụng các chương trình quản lý chất lượng; chủ động kiểm soát về định mức chất lượng sản phẩm đáp ứng cho từng đối tượng khách hàng; nắm sát thị trường nguyên liệu để ký kết đơn hàng phù hợp với cơ cấu thực tế tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng. Tăng cường xử lý hàng tồn kho, tiết kiệm chi phí; rà soát lại các nguồn vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích; chủ động vay mượn các nguồn vốn để có vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Cà Mau cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lúa-tôm; tập trung nguồn lực hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật… cho diện tích nuôi công nghiệp hiện có sao cho có hiệu quả nhằm đảm bảo thành công đạt diện tích 10 nghìn ha nuôi đến 2015. Giải quyết tốt bài toán thiếu hụt tôm nguyên liệu từ nguồn sẵn có trong tỉnh, trong nước và đẩy mạnh nhập khẩu, chú trọng huy động nguồn nguyên liệu khác ngoài tôm mà Cà Mau có thế mạnh như cá, mực, chả cá…Tăng cường chế biến hàng phối chế, hàng chế biến sâu, theo hướng đa dạng hóa mặt hàng, cỡ loại, giá trị, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, giảm giá thành, tăng kim ngạch xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu của các nhóm tiêu dùng khác nhau phù hợp với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước; nhất là coi trọng phát triển thêm thị trường có thu nhập trung bình, có nhu cầu phù hợp với sản phẩm mà Cà Mau có lợi thế. Chủ động sắp xếp, bố trí lại sản xuất gọn nhẹ, hiệu quả; sử dụng vốn vay tiết kiệm; ngưng đầu tư mở rộng, xây mới nhà máy chế biến thủy sản để tập trung vốn đầu tư thay mới thiết bị cũ kỹ, lạc hậu bằng những thiết bị hiện đại tiêu hao nguyên nhiên vật liệu ít hơn.

Cùng với giải pháp “cấp cứu” DN, tỉnh Cà Mau cũng tính đến việc những DN đến mức phải phá sản thì mạnh dạn cho phá sản theo luật định; những DN đang gặp khó khăn gay gắt nhưng có triển vọng phục hồi thì có chính sách tạo mọi điều kiện để vượt qua khó khăn. Phương án là vận động những DN đầu đàn, có khả năng, tiềm lực tài chính đủ mạnh; sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả mua lại những DN phá sản hoặc đã đóng cửa để sớm phục hồi hoạt động sản xuất trở lại.

Bài và ảnh: VĨNH THANH
Nguồn; nhandan.com.vn
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập157
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại874,091
  • Tổng lượt truy cập90,937,484
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây