Sống ở vùng gò đồi phía Tây huyện Triệu Phong mấy chục năm qua, gia đình ông Nguyễn Hoàng Kim ở thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng quanh năm tảo tần với ruộng vườn, nương rẫy nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu thốn. Diện tích đất lâm nghiệp gần 3ha của gia đình những năm trước chỉ trồng bạch đàn theo chủ trương phủ xanh đất trồng đồi núi trọc nên thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2004, được sự hỗ trợ về vốn của dự án đa dạng hóa nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, ông Kim mạnh dạn chuyển diện tích đất này sang trồng cao su tiểu điền. Sau hơn 7 năm cần mẫn chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, hơn 1ha cao su (trong diện tích 2,5ha đã trồng) của gia đình ông đã cho khai thác mủ năm thứ 2. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông Kim thu gần 700.000 đồng từ việc bán mủ cao su, nhờ vậy cuộc sống đã thực sự bước sang trang mới. “Trước đây, gia đình tui chỉ trồng bạch đàn để lấy gỗ, hiệu quả kinh tế thấp. Nhưng sau khi được ngành chức năng vận động, hướng dẫn, tui chuyển 2,5ha đất sang trồng cao su. Phải nói rằng loại cây trồng mới này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao…”, ông Kim nói. Để khuyến khích nhân dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng gò đồi, Triệu Phong đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các hộ tham gia trồng cao su tiểu điền như: Hỗ trợ 50% giá giống, bù lãi suất, tập huấn quy hoạch thiết kế lô vườn, kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su. Nhờ đó, từ năm 2004 đến nay, toàn huyện trồng được gần 650ha cao su, tập trung ở 2 xã vùng gò đồi Triệu Thượng và Triệu Ái. Hiện, 55ha cao su đã cho khai thác mủ với sản lượng 1,2 tấn/ha, thu nhập 60-70 triệu đồng/ha/năm. Triệu Phong phấn đấu đến năm 2015 trồng được 1.500ha cây cao su ở vùng gò đồi. Nói về hướng phát triển trong tương lai, ông Nguyễn Văn Tố, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng vùng quy hoạch trồng cao su. Theo đó, phải đưa các giống cao su thích hợp với từng vùng đất, có chính sách hỗ trợ cho người trồng, từng bước đưa cao su vào chiến lược phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Nghị quyết của Đảng bộ huyện cũng chú trọng phát triển kinh tế vùng gò đồi, trong đó lấy cây cao su làm nền tảng phát triển lâu dài và bền vững”. Việc đưa cao su vào trồng ở vùng gò đồi là hướng đi đúng trong chiến lược phát triển kinh tế của Triệu Phong. Ngoài việc khai thác thế mạnh, tiềm năng của vùng gò đồi còn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành chức năng và người dân cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được phê duyệt, tránh mở rộng diện tích một cách ồ ạt, làm phá vỡ cơ cấu cây trồng của địa phương. Gia Thi Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã