Nếu không khắc phục được các điểm yếu, ngành thủy sản Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn. Nguồn: VnMedia.
Đồng loạt vào cuộc
EU hiện là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản hằng năm với 1,9-2,2 tỉ USD. Hiện EU và Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất, theo đó mỗi thị trường chiếm 16-17% (350-400 triệu USD). Chính vì vậy, điều lo ngại là, nếu không khắc phục được các điểm yếu, để thẻ vàng chuyển thành thẻ đó, sẽ là bất lợi rất lớn cho ngành thủy sản nước nhà.
Thời gian qua có thể thấy sự nỗ lực vào cuộc rất lớn của cả nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN). Theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ ngày 1/2, hàng loạt DN xuất khẩu thủy sản đã treo trước cổng đơn vị mình “Bản cam kết chống khai thác IUU” bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cụ thể, Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty TNHH Hải sản Bền Vững, Công ty Cổ phần Hải Việt, Công Ty TNHH Phú Thạnh, Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang… đều vào cuộc.
Theo đó, các công ty trên đồng loạt treo biển: Chúng tôi cam kết không khai thác bất hợp pháp, thu mua, chế biến và xuất khẩu các nguyên liệu – sản phẩm hải sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đây là một trong những hành động thể hiện sự đồng lòng quyết tâm của DN Việt Nam chống khai thác IUU, bảo vệ uy tín sản phẩm hải sản xuất khẩu và vì sự phát triển bền vững của nghề cá Việt Nam.
Tại các địa phương cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ uy tín cho ngành thủy sản nước nhà. Cụ thể, tại Quảng Ngãi, ngày 23/2, UBND huyện Bình Sơn tổ chức cho ngư dân xã Bình Châu ký cam kết không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài. Tại đây, hơn 100 ngư dân xã Bình Sơn là chủ tàu đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước liên quan đến việc đánh bắt thủy hải sản trên biển, đánh bắt đúng ngư trường; tuyệt đối không đưa tàu, thuyền viên ra vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép…
Còn tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã có kế hoạch kiểm soát kỹ tàu cá, nghề cá trên địa bàn nhằm khắc phục hậu quả tồn tại trong những năm qua. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, thực hiện kế hoạch của tỉnh, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế 100% tàu cá trước khi xuất bến. Riêng các tàu cá đã từng vi phạm hoặc tàu có dấu hiệu đánh bắt thủy sản ở vùng biển nước ngoài sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Cơ hội để tổ chức lại sản xuất
Không chỉ các DN, địa phương cùng hành động mà các nhà quản lý, các tổ chức hiệp hội cũng đồng loạt hành động, đưa ra các giải pháp nhằm mục tiêu lớn nhất đó là xóa bỏ thẻ vàng và có nguy cơ sẽ chuyển thành thẻ đỏ. Ngày 12/2, VASEP đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đề xuất các hoạt động khắc phục khuyến nghị của EC. Theo đó, ngoài các hoạt động mang tính kỹ thuật, VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là để việc cam kết chống IUU của các DN lan tỏa.
Ngành thủy sản đã nỗ lực khắc phục những cảnh báo của EU.
Trước đó, ngày 16/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 78/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Mục tiêu của Kế hoạch là ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.
Giới chuyên gia ngành thủy sản nhận định, thời điểm hạn chót không còn xa. Mặc dù đánh giá cao sự nỗ lực của các DN, nhà quản lý trong việc thực hiện các giải pháp để kéo giảm thấp nhất nguy cơ sẽ bị phạt thẻ đỏ, song giới chuyên gia cho rằng, vẫn khó có thể khẳng định được là có đạt được hay không. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, thời gian qua, các DN thủy sản cũng đã rất nỗ lực, thực hiện các giải pháp mà bộ, ngành đưa ra. Còn việc có thoát khỏi thẻ vàng hay không, vẫn chưa thể khẳng định được. Không xóa được thẻ vàng, đó sẽ là thiệt thòi rất lớn cho ngành thủy sản nước nhà, vì đây là thị trường xuất khẩu lớn, là đối tác giàu tiềm năng của chúng ta.
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo quy trình của Ủy ban châu Âu (EC), sau 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018), khi có kết quả của Đoàn kiểm tra của EC, có 3 khả năng xảy ra. Thứ nhất, nếu triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì thẻ vàng sẽ được dỡ bỏ. Nếu việc triển khai có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Trong trường hợp cảnh báo không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành thẻ đỏ. Khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng. |
Minh Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã